Ăn bánh, uống trà và... nói chuyện sex

Chủ đề bạo dâm - một vấn đề tưởng như nhạy cảm, khó nói đã được nói ra một cách thẳng thắn, mạnh dạn. Đây là một trong những buổi sinh hoạt của Dự án Tổ Ong.

Quán cà phê nhỏ, một nhóm bạn trẻ ngồi vòng tròn bàn tán sôi nổi về chủ đề bạo dâm. Thỉnh thoảng có những cánh tay đưa lên, tự nguyện chia sẻ câu chuyện trải nghiệm của chính mình.

Một vấn đề tưởng như nhạy cảm, khó nói đã được nói ra một cách thẳng thắn, mạnh dạn. Đây là một trong những buổi sinh hoạt định kỳ của Dự án Tổ Ong.


Các sự kiện của Tổ Ong luôn thu hút đông giới trẻ tham dự. Ảnh: Nhã Khanh.

Các sự kiện của Tổ Ong luôn thu hút đông giới trẻ tham dự. Ảnh: Nhã Khanh.

Chuyện dễ đùa, khó nói

Dự án Tổ Ong được thành lập từ tháng 5/2017 với mục tiêu tạo ra một không gian chia sẻ an toàn, cởi mở cho các bạn thanh niên tự do trao đổi những vấn đề xoay quanh quyền tình dục, sức khoẻ sinh sản.

Nhóm được thành lập từ chương trình “I comit” do CSDS (Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển bền vững) tổ chức và bảo trợ. Sau đó, nhóm lại nhận được sự tài trợ của ISEE (Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường). Đồng thời, nhóm còn hợp tác với CCIHP (Trung tâm Sáng kiến Dân số và Sức khoẻ) và nhóm bảo vệ quyền phụ nữ Y.Change để tổ chức các sự kiện liên quan đến vấn đề tình dục trước hôn nhân.

Định kỳ mỗi tháng 1 lần, Tổ Ong tổ chức những sự kiện xoay quanh chủ đề “nóng” như trinh tiết, bạo dâm, tình dục không tình yêu, thủ dâm, tình dục cho người đồng tính, tình dục cho người khuyết tật, tình dục cho thanh niên dân tộc thiểu số...

“Ngày nay, các bạn trẻ đã nghĩ thoáng hơn về tình dục, tuy nhiên vẫn khó để nói ra với ai đó. Chính vì không được chia sẻ nên dẫn đến thiếu kiến thức hoặc suy nghĩ lệch lạc.

Sứ mệnh của Tổ Ong không phải để giáo dục hay phổ biến kiến thức, mà đơn giản chỉ là “cái tổ” nhỏ xinh, ấm cúng, để các bạn được nói, được chia sẻ và có những người sẵn sàng lắng nghe, đồng cảm", Lê Thị Châu, trưởng nhóm cho biết.

Mỗi người khi đến tham gia sẽ góp vào hòm quỹ 20 ngàn đồng để trả phí thuê địa điểm. “Thường ở mỗi sự kiện, chúng tôi luôn nhận được hơn 100 đơn đăng ký tham dự, nhưng cuối cùng chỉ chọn 20-25 người, sao để gói gọn trong không gian một quán cà phê nhỏ. Như vậy sẽ thân thiện hơn”- Tấn Đạt, thành viên nhóm Tổ Ong nói.

Ngoài đối tượng chính là giới trẻ từ 16-25 tuổi trên địa bàn Hà Nội, Tổ Ong còn xây dựng các chương trình cho các bạn trẻ khuyết tật, thanh niên dân tộc thiểu số. Thậm chí, Tổ Ong cũng nhận được nhiều lời đề nghị tổ chức các sự kiện chia sẻ dành cho người đã có gia đình và đang gặp một số vấn đề khó khăn trong tình dục sau kết hôn.

Giống như một hình thức giáo dục đồng đẳng, những người đã có trải nghiệm sẽ chia sẻ câu chuyện của mình, điều này giúp người nghe cảm thấy gần gũi và thiết thực hơn là những lý thuyết trong sách vở.

Bạn nữ có nickname Chim Sâu đã chia sẻ tại sự kiện “Trinh- từ suy nghĩ đến cái mồm”: “Dù đã 27 tuổi nhưng tôi chưa từng yêu ai, và cũng ít có thời gian quan tâm, tìm hiểu chuyện tình dục.

Tôi không biết mấy thuật ngữ “áo mưa” hay “ăn kem trước cổng” là gì. Cô bạn thân thấy tôi ngố quá nên dẫn đến tham gia sự kiện.

Sau khi nghe mọi người kể chuyện, tôi thấy khá bất ngờ và nhận ra rằng chuyện một cô gái quan hệ tình dục với một hay nhiều người trước hôn nhân cũng không có gì ghê gớm như mình từng nghĩ, và đó cũng không phải là lý do để đánh giá nhân phẩm cô gái ấy”.

Hay tại sự kiện “Tình dục không tình yêu”, một cô gái khác tâm sự: “Tôi từng quan hệ tình dục với bạn thân, tôi không yêu cậu ấy, tất cả là do hoàn cảnh đưa đẩy.

Sau đó, tôi đã stress một thời gian dài, tôi cắt đứt liên lạc với cậu ấy và tự dằn vặt bản thân, thậm chí uống rượu. Tôi nghĩ mình thật hư hỏng, thật phóng túng... Tôi sợ mọi người biết nên chôn chặt trong lòng, không dám nói với ai. Hôm nay được kể ra tất cả, tôi thấy nhẹ lòng hơn và được cảm thông, chia sẻ”.

Những người “vẽ đường cho hươu chạy”

Từng tham gia nhiều dự án về phụ nữ, giới tính, sức khoẻ sinh sản, trưởng nhóm Lê Thị Châu (cựu sinh viên trường Học viện Nông nghiệp) là người có nhiều kinh nghiệm nhất khi xây dựng các chủ đề sự kiện ở Tổ Ong.

Nguyễn Thị Hồng (giảng viên trường ĐH Công Nghiệp) đến với Tổ Ong vì tò mò nhưng rồi gắn bó và hiện tại đang phụ trách mảng nhân sự và quản lý fanpage của nhóm.

Huỳnh Tấn Đạt (sinh viên năm cuối ĐH Y) vốn chỉ đến Tổ Ong “nghe cho biết” nhưng cuối cùng lại xin tham gia nhóm và hiện được mệnh danh là “giáo sư tình dục học” của Tổ Ong, bởi môi trường học tập y khoa và khả năng ngoại ngữ đã giúp Đạt tiếp cận được nhiều nguồn tài liệu uy tín của các nhà khoa học, tâm lý học trên thế giới.

Trên fanpage gần 3.000 người theo dõi, thường xuyên được cập nhật những thông tin thú vị và bổ ích liên quan đến tình dục, sức khoẻ sinh sản như: Đồng tính có bị lây hay không, “điểm G” có thực sự tồn tại, quyền của người thủ dâm, cách phân biệt giữa xu hướng ái nhi (một dạng rối loạn tâm thần) và hành vi xâm hại tình dục trẻ em, “Tình dục không tình yêu” và các dạng tồn tại, “bạo dâm” có phải là hành vi tình dục bệnh hoạn... Dưới các thông tin, clip đều có trích dẫn nguồn tin cậy. Tổ Ong cũng cung cấp các tài liệu liên quan đan xen trong các buổi nói chuyện.

Tấn Đạt cho biết, cái khó nhất của Tổ Ong là làm thế nào để các bạn trẻ dám chia sẻ. Thường các buổi tổ chức đều được mở đầu bằng trò chơi giao lưu, nhằm tạo không gian thân mật, gần gũi với mọi người. Sau đó, nội dung chính sẽ được thể hiện sinh động bằng các hình thức vẽ, chơi game, xem phim và diễn kịch tương tác.

Thời gian đầu, Tổ Ong có mời chuyên gia tình dục đến trò chuyện. Tuy nhiên, khi có mặt chuyên gia, các bạn trẻ hầu như rất e ngại chia sẻ và có xu hướng chỉ... ngồi im nghe chuyên gia nói. Vì vậy sau đó, Tổ Ong tự điều phối chương trình, chỉ mời chuyên gia khi có các chủ đề thực sự khó. Thường mỗi buổi diễn ra 2-3 tiếng nhưng hầu như hôm nào cũng “vỡ kế hoạch” vì càng về cuối mọi người càng nhiệt tình chia sẻ.

“Nhiều người lo sợ chúng tôi cổ xuý cho lối sống phóng túng, hoặc là hội nhóm trá hình để kết nối cho các đôi lứa quan hệ tình dục bừa bãi... nhưng Tổ Ong có nguyên tắc của mình, trong mọi sự kiện đều có vai trò của người điều phối để câu chuyện đi đúng tuyến, chúng tôi cũng luôn giữ bí mật thông tin cá nhân người tham gia, ít nhất là trong không gian sự kiện và trên fanpage, để tạo cho mọi người cảm giác tự do, an toàn nhưng vẫn không biến tướng.

Ừ thì Tổ Ong vẽ đường cho hươu chạy nhưng thay vì để cho hươu chạy lung tung, tại sao không vẽ đường cho hươu chạy đúng hướng. Còn muốn biết Tổ Ong có “loạn” hay không, mời bạn hãy đích thân đến trải nghiệm”, trưởng nhóm Lê Thị Châu vui vẻ khẳng định.

Theo Thanh Hương

Tiền phong