Ám ảnh ngày cá tháng tư

(Dân trí) - Trong khi bạn bè đã yên giấc, Hằng (ĐH Phương Đông) vẫn nhăm nhăm trên tay chiếc điện thoại chờ ngày 1/4 để nhắn tin trêu lũ bạn. Năm nào cũng thế, Hằng luôn là người bày ra nhiều trò nhất trong ngày cá tháng tư.

Tra danh bạ điện thoại, toàn lũ bạn dạng "tinh quái" không thể nào qua mặt được, Hằng đang phân vân thì chợt nhớ ra thằng bạn thân học cùng lớp cấp ba. Anh chàng này vốn tin người, mà từ trước tới giờ Hằng cũng không liên lạc gì hết. Nháy máy thấy có tín hiệu, Hằng sung sướng. Hằng viết đi viết lại chưa tìm ra kế nào để lừa ngoạn mục nhất.

Vừa tỉnh giấc nhận được tin nhắn của Hằng, Trung sung sướng. Cô bạn giới thiệu cho mình một việc làm bán thời gian, đúng vào lúc Trung đang “món”. Trung lục trong hòm sắt hồ sơ, “cúp học” đi phỏng vấn. Trung tìm mãi mới ra địa chỉ của công ty nọ. Trung sững sờ khi đó là một quán gội đầu thư giãn với biển báo tuyển nữ nhân viên. Trung bực mình gọi điện cho cô bạn, hóa ra hôm nay là ngày 1/4.

Chạy khắp các phòng công chứng mới xin được con dấu, rồi sang mấy công ty làm hợp đồng mua bán, Hùng mệt bở hơi tai. Đang ngồi uống nước ở quán trà đá vỉa hè, Hùng nhận được điện thoại của công ty: “Cậu đang ở đâu đấy, đang giờ làm việc lại đi chơi. Cậu về ngay, mấy cái hợp đồng cậu làm bị trả về hết”. Đang nghe điện thoại tắt cái bụp, Hùng chẳng hiểu gì nhưng trong lòng thì lo lắng.

“Từ trước tới giờ chẳng bao giờ trưởng phòng gọi điện cho mình, lấy làm lạ nhưng đúng đây là số của trưởng phòng rồi”. Hùng phân vân. Hùng chạy cấp tốc phi xe máy từ Long Biên về cơ quan ở Cầu Giấy.

Về đến nơi, không khí văn phòng vẫn yên ắng, mọi người đang chăm chú làm việc. Hùng chạy lên tầng hai, sếp đang ngồi trong phòng. Sếp hỏi: “Sao có việc gì?”. Hùng lúng túng: “Dạ, anh vừa gọi em lên”. Anh trưởng phòng lắc đầu, Hùng nhẹ cả người. Vào phòng, mấy cậu đồng nghiệp nhìn Hùng cười khúc khích. Cường mới sực nhớ mình đã bị trúng chiêu lừa.

Những trò đùa tai hại

Dù chỉ là vui một tý nhưng nhiều khi những trò đùa nói dối lại mang đến những hậu quả không lường trước được. Cả nạn nhân lẫn chủ nhân của những trò đùa bị một phen hú vía, có khi ân hận.

Nói đến ngày cá tháng tư, Mai (ĐH Văn Hóa) là một nỗi đau không thể nào phai mờ. Mai đã bày ra trò “cấp cứu” để người yêu tới thăm. Lo lắng cho Mai, người yêu đã vội vàng và bị tai nạn giao thông. Anh ra viện với đôi chân không lành lặn, Mai cảm thấy mình có lỗi. Mỗi ngày 1/4 Mai lại ám ảnh vì tội lỗi của mình.

Còn Hoàng (ĐH NN HN) bị Khoa phạt làm kiểm điểm về trò đùa tai hại của mình. Hoàng đến lớp sớm ghi trên bảng “hôm nay lớp mình nghỉ ba tiết đầu”. Những ai chưa đến, Hoàng nhắn tin báo hộ. Không ngờ lớp nghỉ thật, thầy giáo lên không có bóng sinh viên nào tức tối về Khoa. Hoàng là lớp trưởng mà không gương mẫu nên bị kiểm điểm một trận, phạt thi đua.

Đang trong kì nghỉ làm đồ án ở nhà, Phong (ĐH Xây dựng) nhận được điện thoại của cậu bạn lên ngay để thi lại môn. Phong dậy từ sáng sớm, bắt xe từ Nghệ An lên. “Môn này mà không qua là treo bằng”. Phong càng lo. Chạy xe ôm đến trường, không có thông báo gì, Phong tức điên người gọi điện xả cậu bạn một trận. Từ đó, Phong nghỉ chơi với bạn luôn, trong lòng vẫn hậm hực mãi.

Còn Hùng, qua ngã tư Sở, bị va chạm nhẹ với xe khác, cũng may không bị nặng, chỉ xước xe. Hùng bực tức với mấy người bạn cùng phòng: “Các ông đừng có mà đùa mấy trò đó”. Mọi người im lặng, một anh bạn đứng lên xin lỗi: “Lúc nãy qua phòng sếp, thấy không có đó gọi thử trêu ông thôi mà. Ai biết ông lại tin sái cổ thế”. Tự nhiên mất tình cảm đồng nghiệp, sau cái vụ đó, Hùng tự nhiên sinh ra cảnh giác và luôn nghi ngờ mấy bạn đồng nghiệp.

“Ngày cá tháng tư xâm nhập vào Việt Nam, nó chỉ là một cách để vui nhưng nếu đi quá đà nó sẽ dẫn tới những hậu quả tai hại. Nhiều bạn sau khi lừa được ai đó thì cười khoái chí sẽ gây ác cảm với người bị hại. Chẳng ai có thể chịu được những trò đùa không đúng lúc đúng chỗ. Chính vì thế mà phải lường trước được những gì xảy ra”, Hoàng, ĐH Thương Mại chia sẻ.

D.K