Ám ảnh nạn nạo phá thai

Khi còn làm việc tại bệnh viện công, ngày cao điểm, một mình Bác sĩ Lê Thị Kim Dung (khoa Sản, Trung tâm Y tế 178 Thái Hà) đã xử lý tới 47 ca nạo phá thai. Người tìm tới bác sĩ đa phần là các cô gái trẻ.

47 ca/ngày (!)

Theo Bác sĩ Lê Thị Kim Dung, hầu hết các bà mẹ trẻ đều không muốn nhưng buộc phải phá thai vì hoàn cảnh bất đắc dĩ. Quyết định đó dù đúng hay sai, phần thiệt thòi, nguy hiểm vẫn thuộc về người phụ nữ.

Việt Nam hiện là một trong những nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới. Khi còn làm việc ở bệnh viện công, ngày cao điểm, một mình bác sĩ Dung xử lý tới 47 ca nạo pha thai. Đây là một con số khiến một bác sĩ chuyên khoa như bà cũng phải giật mình.


Bác sĩ Lê Thị Kim Dung.

Bác sĩ Lê Thị Kim Dung.

Chính vì số ca nạo phá thai trong một ngày là rất lớn nên “tay nghề” bác sĩ phá thai ở Việt Nam khá cao. Nhưng không phải lúc nào may mắn cũng “gõ cửa”, Một câu chuyện xảy ra cách nay đã mấy chục năm nhưng Bác sĩ Kim Dung vẫn không thể nào quên.

“Người phụ nữ ấy rất xinh đẹp. Cô đến xin phá bỏ cái thai đã 12 tuần tuổi, vì người yêu tử vong sau một tai nạn giao thông. Để có cơ hội làm lại cuộc đời, cô đã đi đến quyết định này. Và cô chỉ biết khóc vì đau khổ”, Bác sĩ Dung kể.

Điều éo le là tử cung của cô gái nằm ngược, không thể tiếp cận được cái thai. Hôm đó, cả bác sĩ trưởng khoa cũng xuống can thiệp mà không thể làm gì được. Việc đình chỉ thai không thể dừng lại. Lúc này, cả êkíp bác sĩ buộc phải đưa cô gái lên bàn mổ, rạch bụng, đẩy tử cung lên để lấy cái thai ra ngoài. Mổ bụng chỉ để phá thai, chuyện thật mà như đùa. Nếu không cẩn thận, cô gái sẽ phải trả giá bằng tính mạng.

“Đôi khi, bác sĩ chúng tôi rất muốn tránh, không làm nhưng nếu như vậy, các cô gái sẽ tìm tới cơ sở phá thai “chui” thì rất nguy hiểm”, Bác sĩ Dung nói.

Muốn mình không đau thì đừng “sống dựa”

Điều khiến bác sĩ trong nghề này thấy khủng khiếp nhất là phải “xử lý” những ca thai đã lớn. “Trước kia, chúng ta có chỉ định có thể phá thai đến tháng thứ sáu. Khi đó, khi ra ngoài nếu còn nguyên hình thể thì thai nhi cũng không thể sống sót nổi. Nhưng vẫn có những trường hợp, thai nhi ra ngoài vẫn còn sống. Đó là giây phút khủng khiếp nhất với người thầy thuốc làm công việc này. Họ không biết phải làm thế nào với cái thai ấy”, Bác sĩ Lê Thị Kim Dung chia sẻ.

Trong cuộc đời hành nghề của mình, bà còn gặp rất nhiều ca người mẹ trẻ phải phá thai chỉ vì lý do: Thai là… con gái. Bà cảm thấy vừa thương, vừa giận mỗi khi gặp cảnh cô gái nào đó đến phòng khám, khóc sụt sùi vì bị chồng, gia đình ép phá thai.

Bác sĩ Kim Dung khẳng định, để giải quyết rốt ráo những nỗi đau khổ đó, cách duy nhất là các cô gái trẻ phải có ý thức tự bảo vệ bản thân và kiến thức về sức khỏe sinh sản:

“Cơ thể là của chị em, lúc nào có thai và giữ lại thai hay không, người mẹ hoàn toàn có thể quyết định. Nhưng để làm được điều đó, tôi cho rằng, người phụ nữ cần có công việc, có thu nhập, tự chủ để không phải “sống dựa”. Hãy làm chủ cuộc đời mình và những đứa con của mình”.

Bốn năm, chôn cất 50.000 thai nhi bị nạo phá

Trong hơn 4 năm, nhóm bạn trẻ làm công việc thu gom bào thai tại các phòng khám sản phụ khoa tại Bắc Ninh đã gom và chôn cất khoảng 50.000 thai nhi.

Ngày nào cũng vậy, cứ 21h, một nhóm 10 bạn trẻ tại tỉnh Bắc Ninh lại cùng nhau lên đường đến các phòng khám tại tỉnh Bắc Ninh, xin bào thai đến khoảng 23h, sau đó, lại đi bới rác để tìm các bào thai bị ruồng bỏ. Họ đã cùng nhau làm công việc này trong suốt gần 5 năm qua.

M. T. (Bắc Ninh) đến với công việc này sau một số lần đi nghe giảng pháp và tham gia khóa tu tại chùa. “Túi nào dính máu, túi đó chắc chắn có thai nhi nằm bên trong. Mười túi thì đến 8, 9 túi có thai. Phòng khám nào cẩn thận thì gói riêng từng bào thai. Nhưng cũng có không ít phòng khám để các bé nằm lẫn lộn với rác rưởi, bông băng gạc, thậm chí cả băng vệ sinh”, M. nói.

M. gửi cho chúng tôi xem ảnh hai chiếc túi bóng màu đen cả nhóm vừa tìm thấy. “Trong đó, có hai bé to lắm chị ạ! Có nhiều lần, nhóm tìm thấy bé đã được 8 – 9 tháng tuổi vẫn còn nguyên dây rốn. Có những chiếc túi bóng chứa đến 20 em bé nằm bên trong. Có bé còn nguyên, có bé đã bị cắt nát”, M. xúc động.

Những hình ảnh quá thương tâm đập vào mắt khiến mấy họ vừa thương, vừa đau, vừa cảm thấy hận. Hận bố mẹ các bé sao nhẫn tâm ruồng bỏ con, để con đã không được lên làm người.

Các thai nhi sau khi thu gom sẽ được bảo quản tại tủ đông lạnh đặt tại nhà của M. Cứ nửa tháng, họ lại tiến hành tắm rửa, chôn cất các bé một lần tại nghĩa trang hài nhi Đồi Cốc (Thanh Xuân, Sóc Sơn,) một lần.

Gần 5 năm nay, họ đã chôn cất được hơn 50.000 thai nhi bị cha mẹ ruồng bỏ. Năm nào cũng vậy, ba tháng giáp Tết luôn là thời điểm “cao điểm”, số lượng thai nhi bị bỏ sẽ tăng lên gấp rưỡi.

Nhiều người nói M. và nhóm bạn bị “điên”, “khùng”, “dở” vì đi gom bào thai đã chết. Có người hỏi đi làm thế này “có được lương cao không?”. Cả nhóm chỉ biết cười chua chát trước câu hỏi đó.

Có lần, M. đã đặt bàn tay lên ngực trái của mình rồi thẳng thắn trả lời: “Lương của chúng em cao lắm! Lương đó là lương tâm. Chúng em làm vì lương tâm của mình”.

Đưa các bào thai về với đất mẹ, họ chỉ mong những ông bố, bà mẹ hãy có trách nhiệm với hành động của mình, đừng vì những toan tính ích kỷ của bản thân mà nhẫn tâm tước bỏ mạng sống của những sinh linh nhỏ bé, vô tội.

Theo Hải Đăng

Sinh viên Việt Nam