9X cải tạo bãi rác thành vườn hoa giữa lòng Hà Nội

(Dân trí) - Ý tưởng này đến từ một bạn sinh viên Học viện báo chí tuyên truyền. Mọi công đoạn thực hiện chỉ tiến hành trong 5 ngày, bãi rác đã biến thành vườn hoa.

img-3631-1463817639758

Trước khi được nhóm của Đàm Thanh Tùng cải tạo, khu vực này là một bãi tập kết rác do người dân tự "quy hoạch".
Và khu vườn hoa hiện nay đã thay thế bãi rác.
Và khu vườn hoa hiện nay đã thay thế bãi rác.

Ngõ số 58 đường Trần Bình (Hà Nội) mới xuất hiện một khu vườn nhỏ xanh mướt được làm từ những chất liệu tái chế. Khu vườn này do bạn Đàm Thanh Tùng (sinh viên Học viện Báo chí và tuyên truyền) cùng nhóm bạn của mình thực hiện.

Ý tưởng xây dựng vườn hoa thay thế bãi rác xuất phát từ đề bài của một cuộc thi mà Thanh Tùng đang tham gia trên sóng truyền hình.

Trước khi Tùng bắt tay vào xây dựng khu vườn hoa, khu vực này thường được người dân trong ngõ 58 sử dụng để xả rác, luôn ứ đọng mùi hôi khó ngửi.

Tùng và các bạn đã mất 5 ngày để hoàn thành khu vườn, thay thế vị trí của bãi rác cũ. Trong đó, Tùng đã mất tới 3 ngày để xin phép các cấp chính quyền địa phương, lên phương án thiết kế và khảo sát địa điểm, tổ chức tuyên truyền nhằm thay đổi thói quen đổ rác của người dân, huy động kinh phí và tình nguyện viên.

Với sự ủng hộ nhiệt tình của dân cư địa phương, nhóm của Thanh Tùng nhanh chóng xây dựng được khu vườn tái chế từ các chai lọ bỏ đi chỉ trong 2 ngày. Cuối ngày thứ 5, Tùng tiến hành bàn giao lại công trình cho địa phương, tổ chức họp lấy ý kiến cư dân sống quanh khu vực vườn hoa để đề ra biện pháp quản lý và chăm sóc vườn.

Người dân địa phương vui mừng ra ngõ ngắm hoa thay vì né tránh mùi hôi thối của bãi rác như trước đây.
Người dân địa phương vui mừng ra ngõ ngắm hoa thay vì né tránh mùi hôi thối của bãi rác như trước đây.
Các sinh viên và học sinh góp sức xây dựng vườn hoa.
Các sinh viên và học sinh góp sức xây dựng vườn hoa.

"Thông qua vườn hoa, em muốn xây dựng ý thức vứt rác đúng giờ, đúng nơi quy định cho người dân, đồng thời khuyến khích xây dựng các mảng xanh trong đô thị, biến những nơi xấu xí, hôi thối thành nơi được yêu thích", Đàm Thanh Tùng chia sẻ.

Nhóm dự án do Tùng huy động gồm 25 người (nòng cốt) đều những người bạn của Tùng, trong đó có một kiến trúc sư chuyên tư vấn thiết kế, một kỹ sư nông nghiệp chuyên tư vấn về trồng cây xanh. Ngoài ra, dự án của Tùng cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực từ người dân địa phương, các em học sinh trường Tiểu học Mai Dịch và ự giúp đỡ của UBND phường Mai Dịch, các cấp chính quyền TDP 23 – nơi làm vườn hoa.

Tổng kinh phí để hoàn thành khu vườn rộng 10m2 là 11 triệu đồng được gây quỹ từ việc bán hoa giấy, đóng góp của người dân địa phương và các tổ chức, cá nhân quan tâm tới dự án.

Các loài hoa xinh đẹp toả hương trong khu vườn
Các loài hoa xinh đẹp toả hương trong khu vườn

UBND phường Mai Dịch và tổ dân phố 23, người dân hưởng ứng, ủng hộ rất nhiệt tình. Sau chương trình, nhận thấy thành công của mô hình, hiện phường Mai Dịch đang triển khai hai mô hình vườn hoa tương tự tại các điểm rác phát sinh khác trên địa bàn.

Người khởi xướng dự án - Đàm Thanh Tùng bộc bạch: "Do công việc và học tập nên hiện tại em chưa có ý định thực hiện tiếp mô hình vườn hoa tương tự. Hơn nữa, mục tiêu của em cũng không phải là thực hiện nhiều vườn hoa mà muốn tạo ra một phong trào trong cộng đồng, các cấp chính quyền, chung tay xóa bỏ các bãi rác tự phát, xây dựng một đô thị xanh. Do vậy, mô hình được sự quan tâm của đông đảo mọi người đã là thành công bước đầu".

Đàm Thanh Tùng
Đàm Thanh Tùng

Thông tin về Đàm Thanh Tùng:

Ngày sinh: 14/6/1995

Quê quán: Mê Linh, Hà Nội

Kinh nghiệm thực hiện các dự án cộng đồng:

Điều phối viên, Trưởng Ban Truyền thông – Đối ngoại, Dự án “Bút xanh 2014” tại Yên Lạc, Vĩnh Phúc do Câu lạc bộ Nhà báo xanh tổ chức.

Tình nguyện viên Ban Nội dung – Giảng dạy, Dự án “Bút xanh 2013” tại Mê Linh, Hà Nội do Câu lạc bộ Nhà báo xanh tổ chức.

Tình nguyện viên dự án “Chúng em yêu mẹ Trái đất 2013” do Câu lạc bộ Vì sự Phát triển Bền vững (Sustainable Development Club – SDC) tổ chức.

Tình nguyện viên dự án – Summer Camp 2014 “Lời cảm ơn ngọt ngào” do do Câu lạc bộ Vì sự Phát triển Bền vững (Sustainable Development Club – SDC) tổ chức.

Mai Châm

Ảnh: NVCC