16 tuổi với phát minh nhắn tin xuyên lòng đất

(Dân trí) - Cậu bạn Alexander Kendrick, 16 tuổi ở TP Los Alamos, bang New Mexico, Mỹ đã phát minh ra một thiết bị nhắn tin từ dưới hang động lên mặt đất dễ dàng. Thiết bị này của Alexander được xem là “cứu cánh” cho công tác cứu hộ dưới lòng đất.

Với phát minh đầy tính ứng dụng thực tế này, Kendrick đã giành chiến thắng tại Hội chợ Khoa học Quốc tế 2009. Giải thưởng dành cho anh bạn tuổi teen này là một chiếc máy tính mới và một chuyến đi tới Thụy Sỹ cùng với số tiền thưởng 12.000 USD.
 
16 tuổi với phát minh nhắn tin xuyên lòng đất - 1
Alexander Kendrick là tác giả của thiết bị nhắn tin từ dưới hang động lên mặt đất. (Ảnh: NPR)

Mới đây, một đội cứu hộ và khám phá hang động đã đến Công viên quốc gia Carlsbad Caverns ở New Mexico nổi tiếng với hang động sâu 1.000 feet (hơn 300 mét) để thử nghiệm phát minh của Kendrick.

Thiết bị của Kendrick giống như một chiếc máy tính được gắn liền với một chiếc radio tự tạo. Nó truyền dữ liệu sử dụng các tần số sóng radio thấp. Theo đó, tín hiệu được phát đi từ thiết bị này có thể xuyên qua lòng đất đá dễ dàng hơn nhiều so với các thiết bị phát sóng tần số cao.

Ở độ sâu 946 feet, hai giờ sau khi leo xuống và lắp đặt thiết bị, Kendrick đánh chữ “happy” bằng một bàn phím cao su và gửi lên. Ở trên mặt đất, máy nhắn tin nhận được chữ “appy”. Dù không chuyển được toàn bộ các từ nhưng kết quả đó cũng đã đủ tốt.

Phát minh của Kendrick hứa hẹn sẽ trở thành thiết bị liên lạc kỹ thuật số trong lòng đất ở độ sâu nhất từng được biết đến.

Năm 1991, ở New Mexico, 170 người đã phải mất tới 4 ngày mới cứu được một phụ nữ bị gãy chân trong một hang động. Đội cứu hộ đã phải bố trí hàng mét dây điện thoại xuống dưới lòng đất để giữ liên lạc với trên mặt đất.

Tuy nhiên, nếu thời điểm đó họ có trong tay thiết bị của Kendrick, công tác cứu hộ sẽ được giảm xuống một nửa.

Điều đó có thể làm nên sự khác biệt giữa sự sống và cái chết.

Hiện Alexander Kendrick đang nâng cấp và điều chỉnh thiết bị của mình trở nên nhỏ gọn hơn để đội cứu hộ có thể dễ dàng mang xuống hang động trong quá trình leo trèo.

Lý do thứ hai khiến phát minh của Kendrick được công nhận là một sáng kiến tuyệt vời, đó là khả năng phục vụ cho mục đích nghiên cứu khoa học.

Diana Northup, một nhà vi trùng học tại Trường đại học New Mexico ở Albuquerque cho biết các nhà khoa học đã tìm thấy những vi sinh vật ở trong những hang động rất sâu có thể có khả năng tiêu diệt siêu vi trùng gây bệnh. Nhờ đó, các nhà khoa học có thể sản xuất thuốc kháng sinh chữa bệnh.

Tuy nhiên, nếu các nhà khoa học cứ thâm nhập nhiều vào các hang động thì càng ít có khả năng tìm thấy nguồn thuốc kháng sinh này. Chỉ cần vào hang động, con người đã làm ô nhiễm môi trường vốn rất nhạy cảm ở đó.

Diana Northup nghĩ rằng bằng cách kết nối máy ghi âm dữ liệu với thiết bị của Kendrick, các nhà khoa học có thể truyền tải các thông tin từ xa về môi trường hang động.

“Một thiết bị nhắn tin từ dưới hang động cho phép bạn phát dữ liệu lên mặt đất hơn là cứ liên tục lên xuống hang động”, Diana Northup khẳng định. “Nó có thể cứu các hang động”.

Được biết, hiện Kendrick còn đang bận rộn với dự án tham gia hội chợ khoa học năm 2010, đó là một thiết bị xem xét lòng các con sông bằng cách đo các dòng điện từ của chúng.

Võ Hiền
Theo NPR