Đồng Tháp:

Phó Bí thư Đoàn xã “ra tay”, cây kiệu tạo lợi nhuận gấp đôi

(Dân trí) - Thấy cây kiệu khó tìm đầu ra, lợi nhuận thấp, anh Trần Minh Tân - Phó Bí thư đoàn xã Phú Hiệp (Tam Nông, Đồng Tháp) lập tổ hợp tác thanh niên trồng và chế biến củ kiệu. Nhờ cây kiệu “có tên” nên lợi nhuận tăng gấp 2 lần so với những người dân trồng riêng lẻ.

Hằng năm, nông dân Tam Nông (Đồng Tháp) đều trồng trên dưới 100 hecta kiệu tập trung nhiều tại xã Phú Hiệp, Phú Đức và Phú Thành B. Từ đó, cây kiệu đã gắn bó với đời sống của người dân Tam Nông và là một trong những cây trồng giúp bà con nông dân vượt khó, làm giàu.

Tuy nhiên, đầu ra của củ kiệu chưa ổn định, giá cả còn lắm bấp bênh bởi phụ thuộc nhiều yếu tố cung-cầu của thị trường. Có năm, nông dân mở rộng diện tích canh tác kiệu nhiều thì bị mất mùa-rớt giá; có năm nông dân thu hẹp diện tích trồng kiệu thì gặp trúng mùa-trúng giá hoặc mất mùa-trúng giá.

Xuất phát từ thực tế trên, anh Trần Minh Tân - Phó Bí thư Đoàn thanh niên xã Phú Hiệp đã quyết tâm tìm hướng đi hiệu quả và bền vững cho cây kiệu Tam Nông, bằng việc xây dựng thương hiệu đặc sản dưa kiệu Phú Hiệp để bán cho khách du lịch và người tiêu dùng ở đô thị, bước đầu đạt được kết quả khả quan.

Để có được sản phẩm dưa kiệu ngon, thơm, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và đáp ứng đầy đủ nhu cầu của du khách và người tiêu dùng, anh Tân đã đề xuất và được UBND xã Phú Hiệp chấp thuận, ban hành Quyết định thành lập Tổ hợp tác thanh niên làm dưa kiệu, với 4 thành viên, do anh Tân làm tổ trưởng.


Vào mùa, nhiều tuyến lộ ở Tam Nông được bà con trồng kiệu tận dụng làm nơi phơi kiệu, trước khi bán cho thương lái

Vào mùa, nhiều tuyến lộ ở Tam Nông được bà con trồng kiệu tận dụng làm nơi phơi kiệu, trước khi bán cho thương lái

Bước đầu, với trên 11.000m2 đất chuyên canh cây kiệu nguyên liệu, Tổ hợp tác đã tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 thanh niên ở địa phương. Sau đó, sẽ mở rộng thêm diện tích vùng nguyên liệu kiệu…

Theo anh Trần Minh Tân cho biết: “Do tổ hợp tác nên trong khâu trồng, thu hoạch vô cùng thuận lợi, như khâu mua kiệu giống, phân bón, thuốc trừ sâu, xăng-dầu bơm nước tưới, cỏ-rơm khô… tất cả đều mua với giá ưu đãi (do mua số lượng lớn).

Trung bình 1 công kiệu (1.000m2), người dân bên ngoài phải mất chi phí từ 27 - 30 triệu đồng/công, trong khi đó tổ hợp tác chỉ mất khoảng 25 triệu đồng/công. Đặc biệt, tới khâu thu hoạch, đa phần nông dân chỉ bán kiệu thương phẩm nên tính ra, mỗi công chỉ lời từ 3 -5 triệu, trong khi đó tổ hợp tác nhờ chế biến kiệu thành dưa nên tính ra mỗi công tăng lợi nhuận lên từ 5 -10 triệu đồng/công.

Về kỹ thuật trồng, anh Tân cho biết trước khi trồng, đất phải được cày ải, phơi khô và lên liếp chiều ngang mặt liếp 1,5m - chiều dài tùy thuộc thửa đất. Khoảng cách trồng hàng ngang, hàng dọc từ 4 - 5cm thành ô vuông nhỏ trên mặt liếp.

Trồng xong, dùng cỏ hoặc rơm khô tủ đều lên mặt liếp. Khi cỏ, rơm khô nằm êm thì bơm nước tưới cho thấm ướt đều rồi xả bỏ, đến khi đất khô hết độ ẩm thì tiếp tục tưới nước. Khi kiệu nảy mầm thì bón phân, xịt thuốc trừ sâu và tưới nước kịp thời. Phải chọn giống thật tốt, đảm bảo khi trồng lên trên 90%.


Anh Trần Minh Tân - Phó Bí thư Đoàn xã Phú Hiệp mạnh dạng xây dựng thương hiệu cho củ kiệu Tam Nông bằng món dưa kiệu, nhờ đó lợi nhuận nghề trồng kiệu đã tăng lên khoảng 2 lần.

Anh Trần Minh Tân - Phó Bí thư Đoàn xã Phú Hiệp mạnh dạng xây dựng thương hiệu cho củ kiệu Tam Nông bằng món dưa kiệu, nhờ đó lợi nhuận nghề trồng kiệu đã tăng lên khoảng 2 lần.

Bên cạnh việc áp dụng đúng quy trình từ khâu chọn giống, cách trồng đến khâu chăm sóc và thu hoạch kiệu, anh Tân còn nghiên cứu thực hiện thành công việc chế biến dưa kiệu vô hộp nhựa và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Hộp dưa kiệu Phú Hiệp do anh Trần Minh Tân sản xuất có nhiều loại 300gram, 700gram… giá từ 40.000 đồng đến trên 100.000đồng/hộp loại 300gram và 700.000gram.

Trung bình mỗi tháng, Tổ thanh niên làm dưa kiệu kết hợp du lịch cộng đồng của anh Trần Minh Tân đã xuất bán ra thị trường trên 500 hộp dưa kiệu các loại… Nhân dịp Ngày Hội Du lịch Tràm Chim diễn ra từ ngày 9 - 11/12/2015 sắp tới, anh Tân đang chuẩn bị làm trên dưới 500 hộp dưa củ kiệu (300g - 700gr) để bán. Đặc biệt dịp  tết Bính Thân, CLB thanh niên kiệu Phú Hiệp đã có hợp đồng ở TP HCM đặt mua 500 hộp dưa kiệu các loại...

Được biết, anh Trần Minh Tân hiện đang hoàn thành hồ sơ, thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền đặc sản dưa kiệu Phú Hiệp, chuyên cung cấp các sản phẩm dưa kiệu, kiệu tươi…

Theo kế hoạch sắp tới, anh Tân sẽ mở rộng qui mô câu lạc bộ để tăng sản lượng và trao cơ hội làm giàu cho nhiều người dân trồng kiệu ở Tam Nông khi bà con trồng kiệu mà không phải lo đầu ra nữa.

Trọng Trung