Hà Tĩnh:

Tỉnh cấm cửa, chủ mỏ vẫn ung dung thu lợi bất chính

(Dân trí) - Dù Sở TNMT Hà Tĩnh đã có thông báo đóng cửa mỏ, yêu cầu phục hồi môi trường, tuy nhiên nhiều tháng nay Công ty TNHH Thương mại Xây dựng I (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) không những không chấp hành mà còn ngang nhiên khai thác đất với quy mô ngày càng lớn hơn, hoạt động công khai, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng của nhà nước.

Bị đóng cửa vẫn cào rừng, bán đất

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, ngày 10/6/2010, UBND tỉnh Hà Tĩnh ra Quyết định số 1658/QĐ–UBND cho phép Công ty TNHH Thương mại Xây dựng I được phép khai thác mỏ đá xây dựng tại Khe Sú, thôn Tân Thọ, xã Kỳ Thọ, huyện Kỳ Anh với tổng diện tích là 3 ha; công suất khai thác 48.000m3/ năm; thời hạn giấy phép khai thác và thuê đất là 5 năm. Ngày 18/6/2015, Sở TN&MT Hà Tĩnh đã có công văn số 1484/ STNMT-KS gửi Công ty TNHH Xây dựng Thương mại I và các cơ quan liên quan về việc thông báo hết hiệu lực giấy phép khai thác khoáng sản, đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường và đất đai tại mỏ đá Khe Sú theo quy định của pháp luật về môi trường và khoáng sản.

Công văn Sở TNMT Hà Tĩnh thông báo, yêu cầu UBND xã Kỳ Thọ, UBND huyện Kỳ Anh giám sát việc thực hiện đóng cửa mỏ của Công ty TNHH Thương mại Xây dựng I.
Công văn Sở TNMT Hà Tĩnh thông báo, yêu cầu UBND xã Kỳ Thọ, UBND huyện Kỳ Anh giám sát việc thực hiện đóng cửa mỏ của Công ty TNHH Thương mại Xây dựng I.

Ngoài quyết định đóng cửa mỏ, Thông báo của Sở TN&MT Hà Tĩnh còn nêu rõ: “Giấy phép khai thác khoáng sản số 1658/GP-UBND ngày 10/6/2010 của UBND tỉnh cấp cho đơn vị đã hết hiệu lực, thì các công trình, thiết bị bảo đảm an toàn mỏ, bảo vệ môi trường ở khu vực khai thác khoáng sản thuộc sở hữu nhà nước, không được tháo dỡ, phá hủy. Trong thời gian trên, yêu cầu Công ty TNHH Thương mại Xây dựng I phải di chuyển tài sản còn lại của mình và các bên liên quan ra khỏi khu vực khai thác mỏ, đồng thời yêu cầu Công ty TNHH Thương mại Xây dựng I phải thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến việc đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của Luật khoáng sản năm 2010".

Công văn cũng nêu rõ yêu cầu UBND huyện Kỳ Anh,UBND xã Kỳ Thọ có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường khoáng sản còn lại chưa khai thác, phục hồi lại môi trường.

4 tháng sau thông báo trên của Sở TNMT Hà Tĩnh không những không chấp hành ngừng khai thác, mà DN nói trên vẫn không chấp hành mà còn khai thác với tần suất lớn.


Từng đoàn xe nối đuôi chờ ăn hàng tại mỏ đất doanh nghiệp đã hết phép khai thác.

Từng đoàn xe nối đuôi chờ "ăn hàng" tại mỏ đất doanh nghiệp đã hết phép khai thác.

Ngoài ra, trong khi giấy phép cấp khai thác đá, nhưng doanh nghiệp này tập trung khai thác đất để bán, chiếm đoạt tiền của nhà nước.

Liên tục những ngày qua, PV Dân trí đã tận mục mỏ đá nói trên. Từ sáng sớm đến tối cuối chiều, có hôm tới cả đêm, từng đoàn xe vận tải nối đuôi nhau vận chuyển đất từ khu vực mỏ đá nói trên đi ra ngoài.

Vào phía trong mỏ, có thể nhận thấy có nhiều chiếc máy đào hoạt động công khai, xúc đất đổ lên những chiếc xe ben chờ sẵn, nhiều thanh niên đứng cạnh để đếm xe. Vào trong có khoảng hơn 3 héc ta đất đã khai thác xuống sâu, những hồ nước sâu chừng 2m ngập nước, những tảng đá nằm chỏng chơ giữa bãi đất bị đào bới, cây cối các loại đổ ngổn ngang.


Rừng phòng hộ cũng bị khoét đào để lấy đất bán?

Rừng phòng hộ cũng bị khoét đào để lấy đất bán?

Điều đáng nói là khi phóng viên đang ghi hình thì bất ngờ một người đàn ông vẻ mặt bặm trợn tay cầm một chiếc gậy xông lại định hành hung, nếu không phản ứng kịp thì chắc chắn phóng viên đã phải nhận vũ lực ngay giữa công trường khai thác trái phép. Sau khi đẩy đuổi, không cho ghi hình, người đàn ông này còn đe dọa phóng viên bằng những ngôn từ xã hội đen.


Người đàn ông áo đen đứng cạnh xe chở đất xua đuổi, cản trở tác nghiệp, doạ hành hung phóng viên.

Người đàn ông áo đen đứng cạnh xe chở đất xua đuổi, cản trở tác nghiệp, doạ hành hung phóng viên.

Hậu quả của việc doanh nghiệp trên trong việc bất chấp lệnh đóng cửa mỏ của tỉnh là hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng tiền khai thác khoáng sản của nhà nước bị chiếm đoạt. Và những tuyến đường đi qua nhiều xã ở huyện Kỳ Anh bị băm nát, bụi bay mù mịt khiến người dân các địa phương nói trên hết sức bất bình.

Anh T.T.V., một người dân sống gần khu vực mỏ cho biết: “Trước đây ở khu vực này là rừng cây rậm rạp, tỷ lệ che phủ của rừng lớn, nhưng từ khi có doanh nghiệp vào khai thác đất, họ dùng máy móc đào xới tung cả quả đồi thuộc Khe Sú làm cảnh quan môi trường bị ô nhiễm. Dọc tuyến đường vận chuyển đất, người dân không dám mở cửa vì bụi, đường thường ngày chúng tôi đi thì xuống cấp. Ai ở đây cũng rất bức xúc mà sao không thấy cơ quan nào can thiệp".

Chính quyền cơ sở không biết việc doanh nghiệp hoành hành

Chính quyền ở đâu khi một doanh nghiệp trắng trợn khai thác đất bán, thu lợi bất chính? Đó là câu hỏi mà các hộ dân ở xã Kỳ Thọ ấm ức suốt những tháng vừa qua.

Đem câu hỏi trên hỏi ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Kỳ Thọ thì vị cán bộ này trả lời "chưng hửng": “Chúng tôi đã có thông báo cho phía Công ty TNHH Thương mại Xây dựng I về quyết định đóng cửa mỏ của tỉnh, còn phía công ty đó vẫn tiếp tục khai thác đất thì chúng tôi không biết!”.

Ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Kỳ Thọ: Chúng tôi không hay biết doanh nghiệp vẫn khai thác đất.
Ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Kỳ Thọ: "Chúng tôi không hay biết doanh nghiệp vẫn khai thác đất".

Ông Bình phủ nhận thông tin có sự móc ngoặc giữa doanh nghiệp và địa phương để thu lợi bất chính, sau đó cam kết, giờ nhận được thông tin do PV cung cấp thì sẽ cho kiểm tra, xử lý.

Chính quyền thoải mái như vậy nên dễ hiểu vì sao doanh nghiệp sai phạm dễ dàng qua mặt được cơ quan chức trách của huyện Kỳ Anh và Sở TNMT Hà Tĩnh. Gần như các cuộc điện thoại phản ánh sau đó của phóng viên tới lãnh đạo Phòng TNMT Kỳ Anh và Sở TNMT Hà Tĩnh đều nhận được lời giải thích các cơ quan không hay biết việc, dù bị đóng cửa nhiều tháng nhưng Công ty TNHH Thương mại Xây dựng I khai thác đất trái phép thu lợi bất chính.

Tiếp tục điều tra vụ việc này, đóng vai một người mua đất cho công trình, PV đã nối máy được với ông  Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc công ty TNHH Xây dựng-Thương mại I. Vị chủ mỏ này thừa nhận dù mỏ đã hết giấy phép, nhưng vẫn có thể cung cấp đất. “Hiện tại mỏ đang cung cấp đất cho một công ty thi công đê tại xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh, với giá giá 4000 đ/m3 đất".

Minh Đức - Văn Dũng