Nóng vấn đề rút ruột rừng Tây Nguyên

(Dân trí) - Tuy Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành lệnh đóng cửa rừng tự nhiên để khôi phục và cứu các cánh rừng trong cả nước từ tháng 6/2016, song thời gian gần đây, rừng tại các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk vẫn chưa có dấu hiệu ngừng “chảy máu”.

Từ đầu năm 2017 đến nay, ông Nguyễn Tấn Liêm – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cho biết đã phát hiện liên tiếp nhiều trường hợp lâm sản vô chủ trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Gần nhất, Hạt Kiểm lâm huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) phối hợp với UBND xã Bờ Y (tỉnh Kon Tum), Đồn biên phòng cửa khẩu Quốc tế Bờ Y và Vườn quốc gia Chư Mom Ray vừa bắt giữ được 59 hộp gỗ lậu vắng chủ trong vườn nhà dân.

Cụ thể, chiều ngày 15/2/2017, lực lượng chức năng đã phát hiện 59 súc gỗ nói trên gồm gỗ hương và dổi (thuộc nhóm II và nhóm III) có khối lượng là hơn 8,4 m3 tại khu rẫy cà phê ở thôn Măng Tôn (xã Bờ Y). Toàn bộ tang vật vi phạm trên không có dấu búa kiểm lâm và chưa xác định được chủ sở hữu tại thời điểm kiểm tra.

Dấu vết số gỗ còn mới nguyên
Dấu vết số gỗ còn mới nguyên

Trước đó, trong 2 ngày 11 và 13/2/2017, Hạt Kiểm lâm các huyện Ngọc Hồi và Đak Glei (tỉnh Kon Tum) cũng đã bắt giữ trên sông Pô Kô 36 hộp gỗ dổi và thông 3 lá (nhóm III và nhóm IV) với tổng khối lượng 8,9 m3, tất cả đều vô chủ.

Ngày 17/1/2017, xuất hiện nhiều bè gỗ trôi dọc bờ sông Đăk Bla (thuộc thôn Kon Jơ Ri, xã Đăk Rơ Wa, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum), Hạt Kiểm lâm thành phố Kon Tum vào cuộc xác định có tổng cộng 25 khúc gỗ lậu với khối lượng hơn 9,7 m3.

Ở Gia Lai trong và sau Tết Đinh Dậu 2017, lực lượng kiểm lâm của huyện Chư Pưh đã phát hiện, bắt giữ được 14 xe công nông chở gỗ lậu (chủ yếu là gỗ dầu, thuộc nhóm IV), tổng khối lượng là gần 33 m3. Trong số này, có 4 đối tượng người dân tộc thiểu số đến chấp hành ký nhận biên bản vi phạm. Họ khai nhận đã vận chuyển số gỗ trên từ huyện Ea Súp (Đắk Lắk) sang địa bàn huyện Chư Pưh thì bị bắt giữ.

59 hộp gỗ thu giữ ở vườn cà phê xã Bờ Y
59 hộp gỗ thu giữ ở vườn cà phê xã Bờ Y

Đặc biệt, ngày 20/1/2017, cơ quan chức năng phát hiện tại tiểu khu 174 thuộc lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Pah (huyện Chư Pah, Gia Lai) quản lý có 54 cây gỗ chò xót bị lâm tặc đốn hạ và cắt thành 73 lóng gỗ tròn với tổng khối lượng gần 30 m3.

Trong các vụ phát hiện gỗ lậu kể trên, chỉ có trường hợp bè gỗ trôi sông Đak Bla đã tìm được chủ sở hữu. Theo đó, qua quá trình điều tra, Chi cục kiểm lâm Kon Tum xác định ông Nguyễn Thái Hoàng (sinh năm 1980, trú xã Đak Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) là chủ số lâm sản trôi sông, được mua lại của một số người đồng bào (không rõ nhân thân) tại bờ sông Đăk Bla.

Từ các kết quả trên, ngày 13/2/2017, Chi cục Kiểm lâm Kon Tum đã ra Quyết định số 13/QĐ-XPHC xử phạt hành chính 40 triệu đồng, đồng thời tịch thu toàn bộ tang vật sung công đối với ông Nguyễn Thái Hoàng vì có hành vi mua, bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái với các quy định của Nhà nước.

Gỗ lậu trôi sông Đăk Bla bị cơ quan chức năng bắt giữ.
Gỗ lậu trôi sông Đăk Bla bị cơ quan chức năng bắt giữ.

Vụ gỗ lậu tại tiểu khu 174, Ban quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Pah thậm chí còn “liều lĩnh” hơn khi bịa chuyện bị cướp gỗ hòng né tránh trách nhiệm. Cụ thể, ngày 31/1/2017, Ban được nhà chức trách bàn giao 73 lóng gỗ vi phạm với khối lượng gần 30 m3. Vào ngày 1/2/2017, do làm mất 45 lóng gỗ, tổng cộng 17,68 m3 nên tổ bảo vệ 8 người của Ban này đã thống nhất với nhau dựng chuyện bị hơn 20 lâm tặc với súng, dao xông vào cướp gỗ, để báo cáo cấp trên và thông tin cho báo chí.

Công an tỉnh Gia Lai vào cuộc thì phát hiện phát hiện đó chỉ là điều bịa đặt. Hiện Chi cục Kiểm lâm Gia Lai đang nghiên cứu để tham mưu hình thức kỷ luật đối với các cán bộ trên.

Thực trạng trên cho thấy, công tác quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản tại 5 tỉnh Tây Nguyên còn nhiều hạn chế, bất cập. Muốn giữ rừng không chỉ hô hào mà phải có sự tăng cường kiểm tra, quản lý của cơ quan chức năng; có chính sách phù hợp, đúng đắn để làm sao cho rừng có chủ thực sự quản lý và chịu trách nhiệm cụ thể. Mặt khác, cần ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, cảnh báo, dự báo nguy cơ cháy rừng,…

Bên cạnh đó, khi đã xác định được các đối tượng vi phạm “rút ruột” rừng thì cần có cách xử lý nghiêm minh, cụ thể, nhanh chóng và thuyết phục được dư luận. Đồng thời, cần tăng cường công tác tuyên truyền của chính quyền địa phương đến người dân, để người dân hiểu và chung tay cùng chính quyền thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng.

Quốc Huy