Bình Định:

Lo sông “ngoạm” đất, dân chặn không cho doanh nghiệp khai thác cát

(Dân trí) - Lo sợ bờ sông sạt lở, nguồn nước ngầm cạn kiệt do khai thác cát ồ ạt, nhiều hộ dân sống bên sông Hà Thanh (đoạn thôn Tân Vinh, xã Canh Vinh, huyện Vân Canh, Bình Định) ngăn cản không cho bất kỳ doanh nghiệp nào hoạt động khai thác cát.

Người dân chặn không cho doanh nghiệp khai thác cát.

Dân lo sạt lở bờ sông

Theo phản ánh của một số hộ dân thôn Tân Vinh (xã Canh Vinh, huyện Vân Canh), nhiều năm nay tình trạng khai thác cát tràn lan của một số doanh nghiệp đã khiến hai bên bờ sông Hà Thanh (đoạn từ cầu Bình Long đến cầu Ngô La thôn Tân Vinh), bị sạt lở làm mất đất sản xuất của người dân; nguồn nước ngầm cạn kiệt, gây khô cạn giếng nước của nhân dân dẫn đến thiếu nước sinh hoạt và sản xuất nghiêm trọng vào mùa khô hạn.

Trưởng thôn Tân Vinh nói cho PV về tình trạng khai thác ở sông Hà Thanh khiến người dân bức xúc
Trưởng thôn Tân Vinh nói cho PV về tình trạng khai thác ở sông Hà Thanh khiến người dân bức xúc

Người dân cũng cho biết, việc khai thác cát dưới lòng sông Hà Thanh quá sâu, vào mùa mưa lũ làm thay đổi dòng chảy, dòng nước chảy siết đã cuốn trôi 2 dốc sông là con đường dân sinh, gây khó khăn cho việc đi lại và nguy hiểm đến tính mạng của người dân. Đặc biệt, đoạn từ cầu Ngô La đến cầu Dập, dài gần 1 km nhưng nhiều đoạn bị sạt lở có nguy cơ sạt lở đường quốc lộ 19C; các ngôi nhà dọc sông không biết bị sạt lở lúc nào khiến người dân ăn không ngon ngủ không yên.

“Hồi xưa, ở đây là bến cát lớn, rất nhiều cát, khi chính quyền cho các doanh nghiệp khai thác lấy cát xây dựng, điều này tốt thôi nhưng với mức độ vừa phải. Thế nhưng, việc khai thác cát tràn lan, hoạt động cả ngày lẫn đêm làm lòng sông quá sâu, mạch nước ngầm chìm xuống. Về mùa nắng, dân ở đây khốn khổ lắm vì nước không có để dùng, đất thì đất đá đào giếng không được nên phải lấy nước sông về lọc để tắm giặt, còn nước nấu ăn thì mua nước bình. Từ khi, các bến khai thác cát, máy múc hoạt động liên tục làm nước đục nên không thể sử dụng được” - một người dân bức xúc.

Người dân phản ánh khai thác cát tràn lan làm sạt lở hai bên bờ sông Hà Thanh, làm thay đổi dòng chảy, mực nước ngầm cạn kiệt
Người dân phản ánh khai thác cát tràn lan làm sạt lở hai bên bờ sông Hà Thanh, làm thay đổi dòng chảy, mực nước ngầm cạn kiệt
Sạt lở dốc sông - đường dân sinh của người dân mới được làm lại
Sạt lở dốc sông - đường dân sinh của người dân mới được làm lại

Trưởng thôn Tân Vinh, ông Hồ Văn Sung cho biết: Nhà nước cho chủ trương để các doanh nghiệp khai thác dòng chảy thì nhân dân nhất trí đồng tình. Tuy nhiên, một thôn có tới 3 bến cát hoạt động cả ngày lẫn đêm, gây sạt lở hai bên bờ sông. Bức xúc, bà con nhân dân ra ngăn chặn không cho các doanh nghiệp khai thác cát nữa. Sau đó, người dân kiến nghị lên các cấp chính quyền nhưng không được giải quyết thỏa đáng. “Về mặt thôn chỉ vận động, tuyên truyền cho bà con hiểu chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhưng tôi lại bị mang tiếng xấu. Khi họp ở xã, tôi bị vu khống là người đứng ra vận động, xúi giục người dân ra ngăn chặn không cho khai thác cát. Bất mãn quá, tôi đã làm đơn gửi UBND xã xin nghỉ làm trưởng thôn cách đây 3 tháng rồi mà chưa giải quyết” - ông Sung phân trần.

Kiên quyết không cho khai thác cát tràn lan

Theo Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bình Định, hiện nay, trên sông Hà Thanh (đoạn qua xã Canh Vinh), UBND tỉnh Bình Định đã cấp 5 giấy phép cho 5 đơn vị khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường để cung cấp vật liệu xây dựng của tỉnh. Thế nhưng, gần 1 năm nay kể từ ngày UBND tỉnh Bình Định cấp phép, các đơn vị này không thể khai thác vì bị người dân ngăn cản. Qua tìm hiểu, nguyên nhân chính là do người dân lo lắng việc khai thác cát ồ ạt, tràn lan sẽ làm sạt lở đất hai bên bờ sông Hà Thanh ảnh hưởng đến đời sống nhân dân địa phương.

Người dân kiên quyết không cho doanh nghiệp khai thác cát trên sông Hà Thanh vị lo sợ sạt lở
Người dân kiên quyết không cho doanh nghiệp khai thác cát trên sông Hà Thanh vị lo sợ sạt lở

“Không phải bây giờ các doanh nghiệp mới khai thác cát mà đã khai thác từ nhiều năm nay. Vừa rồi, các doanh nghiệp hết hạn khai thác thì UBND tỉnh lại đồng ý cho 5 doanh nghiệp khai thác cát, thời hạn 5 năm. Tuy nhiên, có doanh nghiệp khai thác tới 10 năm thì lấy cát ở đâu mà khai thác. Lòng sông thì ngày càng bị khoét sâu, hai bên bờ sông sạt lở, nếu cứ tiếp tục cho khai thác kiểu này không biết tình trạng sạt lở sẽ nghiêm trọng sẽ đến đâu” - ông Nguyễn Ngọc Tuyên (xóm 2, thôn Tân Vinh), lo lắng.

Nói về điều này, ông Nguyễn Văn Hiệp- Chủ tịch UBND xã Canh Vinh, thừa nhận việc người dân lo sợ phản ánh là đúng, nhất là một số hộ dân sống bên cạnh bờ sông Hà Thanh. Tuy nhiên, ông Hiệp cho rằng vấn đề sạt lở đất hai bên bờ sông do khai thác cát là không có cơ sở bởi mưa cũng gây sạt lở. Về việc bà con thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô là do hạn hán và do việc trồng rừng keo lai ồ ạt dẫn đến mạch nước ngầm cạn kiệt. “Chính quyền địa phương đã nhiều lần phối hợp cùng với huyện mời họp người dân lấy ý kiến nhưng đều bất thành. Xã chỉ vận động, giải thích để người dân hiểu thực hiện, còn việc xử lý những người vi phạm thuộc thẩm quyền cấp trên”.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Bá Đẩu - Phó Chủ tịch huyện Vân Canh xác nhận có việc người dân xã Canh Vinh cản trở hoạt động khai thác cát trên sông Hà Thanh vì dân cho rằng các doanh nghiệp khai thác cát quy mô lớn, gây sạt lở hai bên bờ sông. Tuy nhiên, ông Đẩu cho rằng nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sạt lở 2 bên bờ sông Hà Thanh là do trận lũ lịch sử 2009 gây ra.

“Tỉnh, huyện rất đau đầu về việc này, một bên người dân cản trở không cho doanh nghiệp khai thác cát, ngược lại doanh nghiệp cũng phát đơn kiện vì cho rằng được UBND tỉnh cấp phép đã đóng thuế đầy đủ. Trước tình hình đó, UBND huyện thành lập tổ công tác gồm các ban, ngành, đoàn thể do tôi làm tổ trưởng, trực tiếp về địa phương để đối thoại với các hộ dân nhưng bất thành. Vừa rồi, UBND huyện đã đề nghị các doanh nghiệp phải cắm bảng thông tin để dân giám sát, đồng thời thành lập tổ giám sát ở địa phương nhưng dân vẫn kiên quyết không cho các doanh nghiệp khai thác. Hiện nay, chúng tôi đã báo cáo UBND tỉnh để có hướng giải quyết”, ông Đẩu cho hay.

Doãn Công