Giống lúa mới giúp nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu

(Dân trí) - Với sự tài trợ của các tổ chức quốc tế, các giống lúa và kỹ thuật mới đã giúp nông dân ở ĐBSCL thích ứng với những thách thức khắc nghiệt của khí hậu, giảm tác động đến môi trường và giảm lượng phát thải.

Là vựa lúa của Việt Nam, ĐBSCL sản xuất trên nửa sản lượng lúa gạo của cả nước. Nhưng nông dân trồng lúa ở đây đã và đang phải hứng chịu những tác động lớn của biến đổi khí hậu như nước biển dâng, dẫn đến xâm nghập mặn trên đồng lúa. Điều này đe dọa sự phát triển bền vững của ngành lúa gạo cả nước.

Ruộng thực nghiệm xác định khả năng chịu mặn của một số giống lúa ngắn ngày chịu mặn đang canh tác tại tỉnh Bạc Liêu. (Nguồn: Sở NN&PTNT Bạc Liêu)
Ruộng thực nghiệm xác định khả năng chịu mặn của một số giống lúa ngắn ngày chịu mặn đang canh tác tại tỉnh Bạc Liêu. (Nguồn: Sở NN&PTNT Bạc Liêu)

 

Ruộng thực nghiệm xác định khả năng chịu mặn của một số giống lúa ngắn ngày chịu mặn đang canh tác tại tỉnh Bạc Liêu. (Nguồn: Sở NN&PTNT Bạc Liêu)

Nhằm hỗ trợ nông dân ở ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia (ACIAR) đã tài trợ dự án “Ảnh hưởng của Biến đổi khí hậu đến sử dụng đất ở ĐBSCL: sự thích ứng của các hệ thống canh tác trên nền lúa”, gọi tắt là CLUES, từ năm 2011-2015.

Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) là cơ quan thực hiện chính với sự phối hợp của các đối tác Việt Nam: gồm Đại học Cần Thơ, Viện Nghiên cứu lúa ĐBSCL, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam; và đối tác Australia là Cơ quan Nghiên cứu khoa học CSIRO.

ACIAR và IRRI vừa tổ chức “Hội thảo báo cáo đánh giá tác động và các chiến lược ứng phó Biến đổi khí hậu cho sản xuất lúa gạo ở ĐBSC” ngày 14/9 tại Hà Nội để đánh giá kết quả của dự án.

Qua 4 năm thực hiện, dự án đã giúp phát triển, khảo nghiệm trên thực địa các giống lúa năng suất cao, chịu ngập và chịu mặn tại các vùng sinh thái nông nghiệp khác nhau như: Tỉnh An Giang, Bạc Liêu, Hậu Giang và Cần Thơ. Các giống lúa này cũng được trình để phát triển rộng trong năm 2014.

Kết quả dự án cũng cho thấy: Kỹ thuật tưới ướt khô xen kẽ - một kỹ thuật đơn giản, không đắt đỏ, có tiềm năng lớn để sử dụng như chiến lược thích ứng và giảm nhẹ. Kỹ thuật này tiết kiện được tới 25% lượng nước sử dụng cho sản xuất lúa và giảm phát thải đến 50% khí methane từ ruộng lúa.

Các giống lúa cải tiến có khả năng chịu mặn, trồng ngắn ngày và năng suất cao có thể đưa vào áp dụng trong hệ thống lúa-tôm để tăng sản xuất lúa ở vùng ven biển bị nhiễm mặn.

“Kết hợp nhiều lĩnh vực khoa học trong dự án CLUES – bao gồm thủy văn, chọn tạo giống, quản lý cây trồng và nghiên cứu kinh tế xã hội – đã đem lại những kết quả rõ ràng về những hiểm họa tương lai do nước biển dâng gây ra cũng như những chiến lược ứng phó tác động xấu của biến đổi khí hậu trong các hệ thống có cây lúa là cây trồng chính ở ĐBSCL,” TS Reiner Wassman, Giám đốc dự án CLUES kiêm cán bộ điều phối Chương trình nghiên cứu BĐKH của IRRI cho biết.

Dựa trên các kết quả nghiên cứu từ trước của IRRI cùng các đối tác Việt Nam và Australia, Dự án CLUES nhằm tăng cường năng lực thích ứng của các hệ thống lúa ở ĐBSCL, đồng thời cung cấp cho nông dân và các cơ quan khuyến nông những kỹ thuật và kiến thức giúp cải thiện an ninh lương thực, không phải chỉ của khu vực mà cả thế giới – Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 trên thế giới.

Nguyên An