Đắk Lắk: Hơn 700 vụ phá rừng trong 6 tháng

(Dân trí) - Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017, tỉnh Đắk Lắk đã xảy ra 709 vụ vi phạm Luật bảo vệ và Phát triển rừng (tăng 57 vụ so với năm 2016), xử lý hình sự 1 vụ, thu giữ trên 1.000 m3 gỗ các loại.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk vừa có báo cáo về tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển gỗ trái phép xảy ra tại các huyện Ea Súp, Ea Kar và M’Đrắk xảy ra trong thời gian qua.

Hiện trường vụ phá rừng tại huyện MĐrắk
Hiện trường vụ phá rừng tại huyện M'Đrắk

Theo báo cáo, tại tiểu khu 692 do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar quản lý có 1,6ha rừng bị phá làm nương rẫy.

Tại tiểu khu 692 do Công ty TNHHMTV Lâm nghiệp Ea Kar quản lý, cơ quan chức năng phát hiện có 14 cây gỗ bị chặt hạ trái phép, phân bố rải rác dọc hai bên đường khai thác gỗ.


Nhiều khúc gỗ lớn được xẻ vuông vức chờ đưa ra khỏi rừng

Nhiều khúc gỗ lớn được xẻ vuông vức chờ đưa ra khỏi rừng

Tại huyện M’Đrắk, các cơ quan chức năng xác định vào ngày 18/7/2017 có 3 xe máy cày độ chế của người đồng bào dân tộc điều khiển, chở gỗ trong đêm từ địa bàn xã Krông Á về tập kết tại Buôn Trưng (xã Krông Jin) với khối lượng hơn 6 m3 và đã bị Hạt kiểm lâm huyện lập biên bản tạm giữ số gỗ này.

Tại tiểu khu 789, 765 do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Đrắk quản lý từ đầu năm đến nay có trên 4ha diện tích rừng tự nhiên bị tác động, một số bị phá trắng lấy đất trồng cây nông nghiệp.

Riêng tại địa bàn huyện Ea Súp tình trạng phá rừng diễn ra nghiêm trọng, có hơn 131 ha rừng bị phá trong vòng 6 tháng đầu năm 2017.

Vào ngày 6/6, cơ quan chức năng đã kiểm tra tại tiểu khu 267, xã Ea Bung có 4,6ha bị phá do Công ty Cổ phần Địa ốc Thái Bình quản lý không hiệu quả, đã có quyết định thu hồi giao cho UBND huyện Ea Sup quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.

Ngày 11/7, tại tiểu khu 243 xã Ea Bung, cơ quan chức năng phát hiện có 3 bãi tập kết gỗ lớn và tạm giữ 1,420m3 gỗ Dầu nhóm 4 và 14,976 ster củi các loại.


Chiếc xe công nông độ chế chở gỗ ra khỏi rừng

Chiếc xe công nông độ chế chở gỗ ra khỏi rừng

Theo Chi cục kiểm lâm tỉnh, để xảy ra tình trạng phá rừng nêu trên trách nhiệm trước hết thuộc về các đơn vị chủ rừng là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Đrắk và các doanh nghiệp nhà nước cho thuê rừng, đất rừng để lập dự án do đã buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát. Tại cơ sở, chính quyền cấp xã có chức năng quản lý nhà nước về rừng, lâm nghiệp.

Tuy nhiên, hiện nay chỉ đạo phối hợp, giám sát hoạt động lâm nghiệp trên địa bàn xã chưa thật sự tốt; đặc biệt là trong việc kiểm tra, ngăn chặn, truy quét các trọng điểm phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, cũng như chưa xử lý được các hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng.

Cán bộ kiểm lâm địa bàn chưa tham mưu tốt cho Chủ tịch UBND xã thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về rừng, đất lâm nghiệp, còn để rừng bị phá, bị khai thác, vận chuyển trái phép trên địa bàn.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, có 709 vụ vi phạm Luật bảo vệ và Phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, tăng 8,7% so với năm 2016; trong đó xử lý hình sự 5 vụ. Qua xử lý, cơ quan chức năng đã tịch thu 9 ô tô, máy kéo; 76 xe máy, 47 máy móc các loại và 1.363,306m3 gỗ các loại; 310 ster củi, 20kg thịt động vật rừng. Tổng các khoản thu sau xử lý là 8.026.426.000 đồng.

Trước những vi phạm trên, Chi cục Kiểm lâm sẽ tham mưu Sở NN-PTNT trình UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan có biện pháp chấn chỉnh vi phạm.

Thúy Diễm