Đà Nẵng đối diện nguy cơ thiếu nước sạch nghiêm trọng

(Dân trí) - Văn phòng BCĐ Ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng TP Đà Nẵng phối hợp với Viện chuyển đổi môi trường và xã hội vừa tổ chức Hội nghị định hướng các giải pháp quản lý tài nguyên nước mặt TP Đà Nẵng trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Đà Nẵng là một trung tâm kinh tế có vai trò quan trọng trong khu vực miền Trung. Tuy nhiên, các nhà quy hoạch cũng thừa nhận rằng thành phố sẽ phải đối mặt với áp lực nghiêm trọng liên quan đến nguồn nước trong các thập kỷ tới do sự phát triển kinh tế và gia tăng dân số, do nhu cầu sử dụng nước ở khu vực thượng nguồn và do các hiểm họa về khí hậu.

Theo Viện Chuyển đổi môi trường và xã hội, dân số của Đà Nẵng hiện nay là trên 900.000 người, dự đoán sẽ tăng lên 1.200.000 người vào năm 2015. Các dự báo dựa trên quy hoạch tổng thể đô thị chỉ ra rằng, nguồn nước sạch của thành phố Đà Nẵng sẽ không thể đáp ứng nhu cầu vào năm 2015 và sẽ chỉ đáp ứng nhu cầu được dưới 50% nhu cầu của năm 2025.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Tuy nhiên, những dự đoán này vẫn chưa tính đến các tác động của biến đổi khí hậu và phát triển khu vực nguồn nước ở khu vực thượng lưu đối (như xây đập, xây hồ). Nhiều khu vực thượng lưu này thuộc địa bàn tỉnh Quảng Nam và vì thế không thuộc quyền kiểm soát của Đà Nẵng. Kế hoạch ứng phó với biển đổi khí hậu của thành phố Đà Nẵng (năm 2012) đã nêu bật mối lo ngại rằng hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm từ lũ lụt, sự gia tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng cực đoan sẽ đe dọa nguồn nước mặt của thành phố. Cùng với vấn đề thiếu nước sạch vào mùa khô thì tình trạng lũ lụt, ngập úng trên diện rộng cũng thường xuyên diễn ra trong khu vực đô thị trong mùa mưa.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng, Đà Nẵng đang gánh chịu những tác động của thiên tai, hoạt động của con người… lên môi trường sống nói chung và đặc biệt là tài nguyên nước nói riêng. Nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt, nông nghiệp công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn thành phố chủ yếu lấy từ nguồn nước của sông Vu Gia, nước chảy về sông Yên, về sông Cầu Đỏ và cung cấp nước cho nhà máy cầu Đỏ. Các năm trước, nguồn nước tại sông cầu Đỏ không bị nhiễm mặn hoạc chỉ nhiễm mặn ít. Tuy nhiên, đến năm 2012 thì vấn đề nhiễm mặn nguồn nước trở nên nóng bỏng và đến năm 2013 thì trở nên đặc biệt nghiêm trọng. Cụ thể, số ngày nước bị nhiễm mặn vượt quá tiêu chuẩn cho phép trong năm 2012 là 87 ngày, nhưng từ đầu năm 2013 đến nay, số ngày nước cầu Đỏ bị nhiễm mặn là 171 ngày.

Trước thực trạng đó, Viện Chuyển đổi môi trường và xã hội phối hợp Văn phòng Ban chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng TP Đà Nẵng triển khai dự án “Đánh giá toàn diện nhằm hướng đến khả năng chống chịu biến đổi khí hậu đối với tài nguyên nước TP Đà Nẵng” từ tháng 11/2012 – 10/2014. Mục đích của dự án là đánh giá tổng thể hiện trạng về trữ lượng và chất lượng tài nguyên nước mặt của TP Đà Nẵng nhằm xây dựng giải pháp quy hoạch, quản lý tài nguyên nước của thành phố Đà Nẵng, đáp ứng nhu cầu phát triển và thích ứng với biển đổi khí hậu.

Khánh Hồng