Quảng Bình:

Công bố 28 loài động, thực vật chỉ tồn tại ở Phong Nha - Kẻ Bàng

(Dân trí) - Sáng 15/1, ông Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng cho biết, có 25 loài động vật và 3 loài thực vật đặc hữu mới được phát hiện vào đầu thế kỷ 21, chỉ tồn tại duy nhất ở khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng.

Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng được biết đến là khu dự trữ sinh quyển lớn nhất thế giới với hàng ngàn cá thể động vật, thảm thực vật vô cùng phong phú và đặc biệt mới đây các nhà khoa học vừa công bố 28 loài động, thực vật đặc hữu mới tồn tại duy nhất ở vùng núi đá vôi này.

Theo đó, trong 25 loài động vật mới được ghi nhận, có 3 loài lưỡng cư gồm: ếch giun (Ichthyophis chaloensis), nhái cây orlov (Rhacophorus orlovi), nhái cây quyết (Philautus quyeti).


Bọ cạp Thiên đường - một trong những loài động vật vừa mới phát hiện (Ảnh: VQG Phong Nha - Kẻ Bàng cung cấp)

Bọ cạp Thiên đường - một trong những loài động vật vừa mới phát hiện (Ảnh: VQG Phong Nha - Kẻ Bàng cung cấp)

15 loài bò sát gồm: thạch sùng ngón Phong Nha - Kẻ Bàng (Cyrtodactylus phongnhakebangensis), rắn lục Trường Sơn (Viridovipera truongsonensis), tắc kè Phong Nha - Kẻ Bàng (Gekko scientiadvantura), rắn rào bua-rê (Boiga bourreti), thằn lằn tai noc-gi (Tropidophorus noggei), rắn mai gầm thành (Calamaria thanhi), thằn lằn bốn ngón (Sphenomorphus tetradactylus), rắn sãi an-d-rê-a (Amphiesma andreae), rùa tròn đẹp (Cuora cyclornata), thằn lằn chân ngắn boê-me (Lygosoma boehmei), thạch sùng ngón ẩn (Cyrtodactylus cryptus), rắn sãi mép trắng (Amphiesma leucomystax), rắn trán x-mit (Fimbrios smithi), rắn khuyết đốm (Lycodon ruhstrati abditus), tắc kè ngón ro-x-lơ (Cyrtodactylus roesleri).

Loài này được đặt tên là tắc kè Phong Nha – Kẻ Bàng (Ảnh: VQG Phong Nha - Kẻ Bàng cung cấp)
Loài này được đặt tên là tắc kè Phong Nha – Kẻ Bàng (Ảnh: VQG Phong Nha - Kẻ Bàng cung cấp)

2 loài chim được phát hiện gồm: chào mào trọc đầu (Pycnonotus hualon), chích núi đá vôi (Phylloscopus calciatilis). 5 loài mới thuộc lớp hình nhện gồm: bọ cạp Thiên Đường (Vietbocap thienduongensis), bọ cạp Việt (Vietbocap canhi sp.n.) và 3 loài nhện (Pholcus bifidus sp.nov., Pholcus caecus sp.nov. Khorata protumida sp.nov.)

Đáng chú ý trong các kết quả nghiên cứu về thực vật là việc phát hiện thêm 3 loài mới cho khoa học, bao gồm: thu hải đường Việt (Begonia vietnamensis), phòng kỷ Quảng Bình (Aristolochia quangbinhensis Do), bùng bục Phong Nha (Mallotus phongnhaensis).

Rắn roi thường có màu xanh lục rất sặc sỡ (Ảnh: VQG Phong Nha – Kẻ Bàng cung cấp)
Rắn roi thường có màu xanh lục rất sặc sỡ (Ảnh: VQG Phong Nha – Kẻ Bàng cung cấp)

Đặc biệt, các nhà khoa học phát hiện quần thể bách xanh đá (Calocedrus rupestris) là một loài đặc hữu hẹp cho khu vực núi đá vôi hiện chỉ tồn tại ở Phong Nha - Kẻ Bàng. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng phát hiện về 1 chi đặc hữu đơn loài Oligoceras thuộc họ thầu dầu rất hiếm ở Việt Nam.

Từ các chứng cứ khoa học, có thể nói Phong Nha - Kẻ Bàng là rừng có sự đa dạng cao nhất ở Việt Nam và rất cao so với các Di sản thiên nhiên thế giới các nước trong và ngoài khu vực. Đây là nơi ghi nhận được nhiều loài động vật, thực vật mới vào đầu thế kỷ 21.

Đặng Tài