1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Yêu cầu công khai, minh bạch cơ chế mua ngân hàng giá 0 đồng

(Dân trí) - Trước Quốc hội, Ủy ban Kinh tế đã đề nghị Chính phủ đánh giá hoạt động của VAMC và cơ chế, chính sách mua ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém với giá 0 đồng phải công khai, minh bạch.

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII diễn ra sáng 20/10, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đã thay mặt Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch  phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và khái quát kết quả 5 năm 2011 - 2015; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016.

Tại báo cáo này, Ủy ban Kinh tế đánh giá, trong 5 năm qua, tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công đã phân bổ và quản lý nguồn lực, ngân sách nhà nước được bố trí tập trung hơn vào các dự án, công trình có hiệu quả kinh tế, xã hội. Huy động vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, đầu tư nước ngoài vào các dự án khu vực đầu tư công nhiều hơn ở lĩnh vực cơ sở hạ tầng giao thông.

Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII (ảnh: Việt Hưng)
Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII (ảnh: Việt Hưng)

Tuy vậy, một số ý kiến cho rằng, kỷ luật đầu tư công vẫn là vấn đề đáng lo ngại. Theo đó, vẫn còn tình trạng ứng trước vốn để đầu tư, tính đến hết năm 2014 tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) khoảng 46.000 tỷ đồng và tổng số vốn ứng trước chưa bố trí nguồn thu hồi là 62.200 tỷ đồng.

Tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã có những kết quả bước đầu; đã ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật. Trong gần 5 năm qua đã thực hiện sắp xếp được 447 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 337 doanh nghiệp, thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh chính chỉ đạt 8.390 tỷ/21.797 tỷ đồng.

Ủy ban Kinh tế Quốc hội ghi nhận, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo mạnh mẽ, song kết quả tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước còn chậm, một số doanh nghiệp triển khai chưa quyết liệt, có nơi trách nhiệm chưa cao, hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn lực Nhà nước giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và kinh doanh còn ít. Một số doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng tỷ lệ cổ phần nắm giữ của Nhà nước còn rất lớn chưa tạo chuyển biến về chất đối với quản trị doanh nghiệp.

Tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, đã cải thiện khả năng chi trả, bảo đảm an toàn hệ thống, xử lý nợ xấu ngân hàng thương mại đạt được kết quả bước đầu, giảm dần số lượng các ngân hàng yếu kém.

Một số ý kiến cho rằng, nợ xấu chưa được xử lý triệt để do công tác xử lý và thu hồi nợ của VAMC chưa thực sự hiệu quả, các ngân hàng thương mại phải trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu kể cả những khoản nợ xấu đã bán cho VAMC ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh, giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.

Mặc dù nền kinh tế phục hồi, nhưng doanh nghiệp trong nước còn vô cùng khó khăn thì xử lý nợ xấu khó mang lại tính bền vững. Ông Giàu dẫn ý kiến các thành viên Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá hoạt động của VAMC và cơ chế, chính sách mua ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém với giá 0 đồng phải công khai, minh bạch.

Ủy ban cũng lưu ý, trong lĩnh vực xuất khẩu, bên cạnh những mặt tích cực, hội nhập quốc tế làm bộc lộ rõ hơn những hạn chế trong khả năng hấp thụ và tính chủ động, tính sẵn sàng trong hội nhập. Bất bình đẳng trong xã hội có xu hướng tăng. Năng lực cạnh tranh của quốc gia, của doanh nghiệp và sản phẩm thương hiệu Việt Nam còn hạn chế.

Bên cạnh một số ngành, một số sản phẩm của Việt Nam có thể vượt lên, đứng vững trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của hội nhập quốc tế, hầu hết các sản phẩm của nước ta chưa có thương hiệu nổi tiếng trên thị trường thế giới.

Bích Diệp

 

Yêu cầu công khai, minh bạch cơ chế mua ngân hàng giá 0 đồng - 2