1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

"Ý thức lao động kém, đừng mơ có việc làm"

(Dân trí) - Đại biểu Trịnh Ngọc Phương cho rằng, ý thức kém và "tính lằng nhằng" của người lao động Việt Nam khiến doanh nghiệp không chỉ bị tổn thất về vật chất mà lớn hơn là uy tín kinh doanh trên thương trường. Và khi ý thức kém, cho dù có đi làm ở đâu cũng không nơi nào muốn nhận - ông Phương khẳng định.

Phát biểu tại hội trường ngày 1/4/2016, đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) đánh giá, vấn đề người lao động và người sử dụng lao động, pháp luật về lao động trong những năm qua đã sửa đổi, bổ sung và được triển khai đạt hiệu quả khích lệ, tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại xuất phát không phải từ một phía.

Về phía người sử dụng lao động, ông Phương chỉ rõ, tình trạng không ký hợp đồng lao động với người lao động xảy ra không phải ít.

Vị đại biểu nêu lên thực tế: hiện nay, mức lương tối thiểu vùng ngày càng được nâng lên thì người sử dụng lao động phải tìm mọi cách để giảm chi phí và các khoản đóng góp chung như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thất nghiệp... Các lĩnh vực thường xảy ra là lao động mang tính chất lưu động hay mùa, vụ mà theo quy định vẫn phải thực hiện mọi quy định với người lao động.

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (đoàn Tây Ninh)
Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (đoàn Tây Ninh)

Các tranh chấp lao động xảy ra đều liên quan đến lợi ích như tiền công, tiền lương, thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi cũng như cách thức chi trả các quyền lợi đã không đáp ứng đúng cho người lao động. Việc không xây dựng hoặc có xây dựng nhưng không triển khai nội quy lao động đến người lao động vẫn xảy ra. Ngược lại, có những nơi xây dựng nội quy lao động, quy chế của đơn vị mang tính hà khắc nên đã xảy ra đình công như thời gian vừa qua.

Trong các tranh chấp về lao động thì vai trò của tổ chức công đoàn cơ sở rất hạn chế hoặc không phát huy được vai trò của mình là đại diện bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động.

Trong khi đó, về phía người lao động thì tình trạng người lao động vi phạm hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động vẫn còn phổ biến, ý thức lao động kém, tác phong làm việc của người lao động không tuân thủ cũng là một nhân tố giảm đi lợi thế cạnh tranh, mời gọi đầu tư.

"Rất nhiều trường hợp người sử dụng lao động dày công đào tạo nhưng chỉ một thời gian, người lao động bỏ sang nơi khác làm việc. Hiện tượng ăn cắp chất xám, bản quyền tác giả, phát minh sáng chế, bí mật kinh doanh cũng xuất phát từ người lao động", đại biểu Trịnh Ngọc Phương phản ánh.

Ông cũng cho biết, hiện nay, sau mỗi dịp nghỉ, sau Tết Nguyên đán, không ít các doanh nghiệp rơi vào cảnh lao đao vì người lao động tự ý nghỉ việc.

"Người sử dụng lao động có thể bị tổn thất rất nhiều về vật chất, nhưng lớn hơn là uy tín kinh doanh trên thương trường mà nguyên nhân xuất phát từ ý thức của người lao động. Điều này thể hiện tính lằng nhằng của người Việt Nam hiện nay" - ông Phương nhận xét.

Người sử dụng lao động có quyền khởi kiện buộc người lao động bồi thường vật chất nhưng con đường tố tụng mất nhiều thời gian và công sức nên việc kiện tụng ít khi xảy ra. Vì vậy, đại biểu Phương cho rằng, để nâng cao ý thức của người lao động thì ngoài việc tuyên truyền pháp luật, nâng cao ý thức tuân thủ, đã đến lúc phải xây dựng hệ thống thông tin chung về người lao động để họ ý thức được rằng "nếu ý thức lao động kém thì cho dù có đi làm ở đâu cũng không nơi nào muốn nhận".

Cũng đề cập đến vấn đề này, đại biểu Phan Văn Quý (Nghệ An) đưa ra đánh giá, mặc dù đột phá về thể chế và hạ tầng đã thu được nhiều kết quả song riêng đột phá về nguồn nhân lực còn nhiều vấn đề phải bàn. Theo ông Quý, người dân - đặc biệt là các tầng lớp lao động trẻ và người nghèo cần việc làm như con người cần thức ăn, nước uống.

Do vậy, Nhà nước cần có chính sách đầu tư thích đáng cho công tác đào tạo nghề, vì đào tạo nghề là một phần của nguồn nhân lực. "Nếu khâu đột phá nguồn nhân lực đạt hiệu quả không cao thì công cuộc xây dựng và phát triển đất nước chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn" - ông Quý nhấn mạnh.

Còn đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) khi nói về chủ trương tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển nhằm tăng việc làm cho nền kinh tế nhưng trên thực tế môi trường kinh doanh rất chậm cải cách, ông Lộc đã phải thốt lên:

"Có cử tri của Thái Bình đã nói với tôi rằng, chúng tôi phải chờ lâu quá, con đường dài nhất về Việt Nam không phải là từ Mục Nam Quan đến mũi Cà Mau mà là từ lời nói đến việc làm của nhiều cấp chính quyền và công chức. Cử tri kỳ vọng Quốc hội và Chính phủ khóa XIV sẽ là Quốc hội và Chính phủ của hành động để con đường dài nhất Việt Nam mãi vẫn là con đường từ Mục Nam Quan đến mũi Cà Mau".

Bích Diệp

"Ý thức lao động kém, đừng mơ có việc làm" - 2