1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Xuất khẩu hàng tỷ USD: Ngành điều đối mặt với nguy cơ thiếu nguyên liệu

(Dân trí) - Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có thế mạnh về chế biến hạt, chiếm trên 50% nguyên liệu hạt điều thế giới. Tuy nhiên, liên tục có dự báo trong những năm tới nhu cầu tiêu dùng điều sẽ tăng 6-8%, nhưng nguồn cung không đáp ứng được, dự báo chỉ tăng 3,5%.


Toàn cảnh hội nghị phát triển ngành điều bền vững gắn với chuỗi giá trị toàn cầu diễn ra sáng nay (30/9)

Toàn cảnh hội nghị phát triển ngành điều bền vững gắn với chuỗi giá trị toàn cầu diễn ra sáng nay (30/9)

Phát biểu tại Hội nghị phát triển ngành điều bền vững gắn với chuỗi giá trị toàn cầu diễn ra sáng nay (30/9), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho hay, sau 30 năm đổi mới, sản xuất nông sản của Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn chế biến xuất khẩu.

Nguy cơ lớn từ thiếu nguyên liệu

"Trong đó có 10 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD và cây điều cũng nằm trong số đó. Từ con số 0, sau 28 năm, vào năm 2016, chúng ta xây dựng ngành kinh tế điều với kim ngạch xuất khẩu lên tới 3 tỷ USD, năm nay, dự báo cũng khoảng 3,2-3,3 tỷ USD", Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, với diện tích, sản lượng hiện tại, đặc biệt là công nghiệp chế biến điều, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có thế mạnh về chế biến hạt, chiếm trên 50% nguyên liệu hạt điều thế giới và 346 doanh nghiệp trưởng thành. Sự phát triển ngành điều giúp cải thiện đời sống cho một bộ phận nông dân vùng núi, đưa kim ngạch xuất khẩu tăng thêm 3 tỷ USD góp phần cân đối ngoại tệ. Cùng với đó, trong quá tình phát triển, đội ngũ doanh nhân đã trưởng thành, nhiều doanh nghiệp hàng đầu phát triển.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng cho rằng, còn nhiều thách thức, thậm chí nguy cơ đe doạ đến ngành hạt điều. Cụ thể, liên tục có dự báo trong những năm tới nhu cầu tiêu dùng điều sẽ tăng 6-8%, nhưng nguồn cung không đáp ứng được, dự báo chỉ tăng 3,5%.

"Sự mất cân đối là vô lý. 10 năm gần đây, diện tích điều liên tục đi xuống, năng suất từ 1,1 tấn/ha có thời điểm giảm còn 0,75 tấn/ha, quy mô lớn mà chỉ tự chủ được trên 30%. Phải chăng cây điều, ngành điều không còn hấp dẫn, hay chúng ta không biết làm cho ngành điều hấp dẫn?", ông nói.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh thêm rằng, vấn đề mất cân đối này gắn với bức tranh biến đổi khí hậu và nếu không có tổ chức tốt, không có sự vào cuộc từ Chính phủ, doanh nhân, người dân thì ngành điều sẽ đi xuống.

"Phải nhận dạng cho rõ, đâu là thời cơ, thách thức, nút thắt trong cả ba khâu bao gồm: Tổ chức cây điều tốt chưa? Giống, quy trình, kiểm soát, chế biến ra sao? 346 doanh nghiệp gắn với nhà máy, nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ, rất nhỏ thì tính như thế nào? Chuỗi giá trị gia tăng mặt hàng thấp, tái phân phối để nuôi dưỡng như thế nào?", ông nói thêm.

Không làm sẽ dứt khoát thua

Phân tích cụ thể hơn về thực trạng ngành điều, chuyên gia phân tích ngành điều Lê Văn Liền chỉ ra rằng, diện tích cây điều có xu hướng ngày càng giảm trong khi năng suất cũng giảm. Theo đó, nguồn cung điều thô ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu và dự báo sẽ không đáp ứng được trong vòng 10 năm tới.

“Nếu tiếp tục nhập khẩu nguyên liệu thì sẽ gặp trở ngại về giá. Hơn nữa, doanh số xuất khẩu là 3 tỷ USD nhưng con số giá trị gia tăng mang về rất ít. Nhìn về cơ hội, ngành điều có tiềm năng tăng trưởng do hạt điều ngày càng được ưu chuộng. Tuy nhiên, Việt Nam muốn thành thủ phủ của ngành điều thì phải có chính sách rõ ràng hơn từ cơ quan quản lý và sự quyết tâm thực thi hơn nữa”, ông Liền bình luận.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Đình Long - Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam cho rằng, đầu tư thì không lo về tiền khi có sự vào cuộc của doanh nghiệp và các tổ chức tài chính nhưng là làm thế nào để liên kết nông dân và doanh nghiệp.

"Để liên kết quan trọng là lấy doanh nghiệp là nòng cốt liên kết với hợp tác xã nông dân. Một người không làm được, một doanh nghiệp không làm được mà cần rất nhiều mô hình này", ông Long nói.

Cũng nói về giải pháp, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) cũng kiến nghị thêm về việc xây dựng vùng nguyên liệu và đặc biệt là quan tâm hơn đến chế biến sâu sản phẩm.

"Bộ trưởng nói 5-10 năm tới kim ngạch lên tới 5 tỷ USD, năm nay 3,2-3,5 tỷ USD nên mục tiêu không có gì là khó. Nhưng điều ở siêu thị mình nhập về bán 20 USD trong khi xuất khẩu chỉ hơn 10 USD. Không chế biến sâu thì dứt khoát là thua", ông Thanh nói.

Năng suất có thể tăng gấp đôi

Bàn về câu chuyện giải pháp, Tổng giám đốc Tập đoàn PAN, ông Nguyễn Khắc Hải cho rằng, để tháo gỡ khó khăn, tồn tại của ngành điều, quan trọng nhất là câu chuyện đầu vào nguyên liệu và đầu ra sản phẩm.

Đối với đầu vào nguyên liệu, theo ông Hải, để chủ động được đầu vào cần phải phát triển theo hình thức là tái canh. Theo đó, phải tìm ra phương thức tái canh làm sao người nông dân, các mắt xích khác cùng tham gia vào tái canh.

"Tổng diện tích điều Bình Phước 180.000 ha, 80% được trồng từ hạt, không qua chọn giống, năng suất thấp. Tỷ lệ cây già cỗi chiếm 30%, tương đương 60.000 ha. Chi phí tái canh cho 1ha điều năm đầu tiên rơi vào 30 triệu đồng, năm sau đắt hơn. Trong 3-4 năm đầu, sẽ không có thu nhập từ tái canh. Tuy nhiên, nếu người nông dân tái canh thì có khả năng hoàn vốn là sau 1 năm, năng suất tăng lên 2,4 tấn/ha, thu nhập tăng gấp đôi, từ 35 triệu đồng lên đến 76,4 triệu đồng, đạt khoảng 900 tiệu đồng/năm. Hiệu quả kinh tế này đủ lớn để thuyết phục người nông dân tái canh", ông Hải phân tích.

Theo ông Hải, Chương trình tái canh cần thực hiện theo phương án "vết dầu loang, cuốn chiếu". Với 30% diện tích nguyên liệu điều già cỗi, tái canh sẽ thực hiện từ những cây này, và làm cuốn chiếu dần dần, cứ như vậy tái canh toàn bộ cả nước trong 20 năm.

"Để thực hiện tái canh, cần nguồn vốn, nhân lực từ xã hội. Cụ thể, một doanh nghiệp tham gia thì khó, nhưng nếu có được đồng tâm từ doanh nghiệp khác, mắt xích khác, cụ thể là người nông dân, Chính phủ, World Bank thì tìm được nguồn tài trợ trang trải chi phí tái canh ban đầu", ông nói thêm.

Còn theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch PAN Group, để tái canh thành công chúng ta cần nhất là phải đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất cây giống trên cơ sở nền tảng cây điều Việt Nam hiện tại được đánh giá có chất lượng tốt nhất thế giới và kỹ thuật thuỷ lợi vào tưới tiêu. Cùng với nguồn tài chính, kỹ thuật cây giống, kỹ thuật tưới, bón phân triển khai trên vùng đất có sẵn nguồn nhân lực tại chỗ của nước ta kết hợp với việc làm chủ thị trường tiêu thụ và tham gia thị trường hàng hoá thế giới sẽ mang lại tương lai ngành điều Việt Nam.

"Đây chính là bước đi cần thiết để chúng ta phát triển bền vững ngành điều Việt Nam, để không chỉ chiến thắng khi cạnh tranh trong ngành điều mà còn có thể cạnh tranh với các ngành hạt khác trên thế giới", ông Hưng cho biết.

Phương Dung