1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Xuất khẩu giảm, nhập khẩu tăng: Ngành nông nghiệp đang khốn khó

(Dân trí) - Ngành nông nghiệp, người nông dân đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn chưa từng thấy khi xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực giảm sút trong 7 tháng qua, còn các hàng hóa nhập khẩu đang ồ ạt tràn về.

Nhận định của các chuyên gia kinh tế trong buổi Hội thảo Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý II/2015, chuyển biến, cơ hội và chính sách do Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 29/7, chưa bao giờ xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam sụt giảm ghê gớm như 7 tháng qua.

Xuất khẩu giảm, nhập khẩu tăng khiến ngành nông nghiệp, người nông dân gặp nhiều khó khăn

Xuất khẩu giảm, nhập khẩu tăng khiến ngành nông nghiệp, người nông dân gặp nhiều khó khăn

Theo các chuyên gia, Nhiều mặt hàng trị giá tỷ đô như thủy sản, cao su hay gạo đang giảm sút 2 con số so với cùng kỳ. Đã vậy, thị trường tiêu dùng trong nước đang bị các sản phẩm ngoại chiếm lĩnh từ hoa quả, bánh kẹo đến thực phẩm tươi sống.

Báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT, xuất khẩu 7 tháng đầu năm của các mặt hàng nông lâm thủy sản chỉ đật 16,9 tỷ USD, giảm hơn 3,6% so cùng kỳ. Đặc biệt, nhiều mặt hàng như gạo, thủy sản, cà phê vốn là mặt hàng xuất khẩu tỷ đô của Việt Nam đã giảm 2 con số.

Trong khi xuất khẩu giảm, điều mà nhiều nhà kinh tế lo ngại nhất là tình trạng nhập khẩu rất nhiều loại thịt động vật, rau, củ quả từ Trung Quốc, Mỹ, Úc, Thái Lan…. Đáng ngại nhất, tại nhiều chợ của Việt Nam, rau trái của Trung Quốc tràn ngập thị trường, cạnh tranh trực tiếp với hàng sản xuất trong nước. Người tiêu dùng sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc, nhiều nguy cơ đối với sức khỏe, còn người nông dân bị ép giá ngay trên sân nhà.

Theo Cục Chăn nuôi, Bộ NNN&PTNT, 5 tháng đầu năm 2015, tốc độ nhập gia súc, gia cầm của Việt Nam đã tăng so với cùng kỳ năm trước 2 con số. Cụ thể, Việt Nam đã nhập hơn 209.000 con trâu, bò sống từ Úc và Thái Lan, kim ngạch nhập khẩu đạt 195 triệu USD, tăng hơn 62% về lượng và 98,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, cả nước cũng nhập khẩu 2.032 tấn thịt lợn, kim ngạch đạt gần 4 triệu USD, tăng 46,6% về lượng và 60% về giá trị. Nhập khẩu thịt gà cũng tăng đáng kể với hơn 56.900 tấn, giá trị đạt gần 53 triệu USD, lần lượt tăng 55% về lượng và 31% về giá trị.

Việt Nam cũng ngày càng bỏ nhiều tiền hơn để nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thuốc trừ sâu, con giống... 6 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã chi 9.000 tỷ đồng (hơn 460 triệu USD nhập thuốc trừ sâu, 16.000 tỷ đồng nhập phân bón, 1,68 tỷ USD nhập thức ăn và nguyên liệu cho ngành chăn nuôi...

Tại Hội thảo, Ts Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện CIEM khẳng định, ngành nông nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều vấn đề lớn từ xuất khẩu do tác động tỷ giá; cạnh tranh chất lượng sản phẩm với các nước. Thị trường trong nước chịu ảnh hưởng lớn từ hàng giá rẻ của nước ngoài.

Các yếu tố kích cầu sản xuất, phát triển nông nghiệp thiếu trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt vốn tín dụng vẫn rất đắt và khó tiếp cận đối với người nông dân. Các hàng rào tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, chính sách bảo hộ thị trường, người tiêu dùng, cho ngành chưa được thực thi khiến bất lợi cho nông sản, nông dân Việt Nam trong sân chơi tự do hóa.

Ông Cung nhấn mạnh: “Trong khi xuất khẩu gặp khó thì nhìn về thị trường trong nước rất xót xa khi hàng ngoại nhập giá rẻ tràn ngập thị trường. Điều đáng nói, nhiều mặt hàng rau, củ quả được nhập lậu không qua kiểm dịch, không rõ xuất xứ, đột lốt hàng Việt Nam với giá rẻ hơn nhiều so với hàng trong nước. Trong khi đó, lạm phát 7 tháng qua tăng dưới 1%,trong khi giá các nguyên liệu đầu như phân bón, điện, xăng dầu, thuốc thú y, trừ sâu đều tăng… khiến giá thành sản xuất đắt, giá bán rẻ, người nông dân điêu đứng”

Còn TS Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc gia, Bộ KH&ĐTnhấn mạnh: Nông nghiệp nửa đầu năm qua rất đáng lo ngại, chúng ta chưa làm gì được dù đã bỏ nhiều chính sách kích cầu cho khu vực nông nghiệp. Việt Nam thiếu các mô hình sản xuất nông nghiệp điển hình để nhân rộng và phát triển chuỗi sản xuất. Nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam vẫn hướng ra xuất khẩu, lao động trong lĩnh vực này vẫn chiếm hơn 70%, chính vì vậy những biến động xấu của lĩnh vực này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của đất nước.

Ông Ân nhấn mạnh, mặc dù xuất khẩu giảm có tác động của diễn biến xấu kinh tế thế giới như đồng euro mất giá, cầu của thị trường Trung Quốc giảm… nhưng rõ ràng chúng ta chưa chủ động để đa dạng hóa thị trường, cải thiện chất lượng sản phẩm để tăng năng lực cạnh tranh. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như gạo, cao su về lượng thì vượt cùng kỳ năm trước nhưng giá trị lại kém xa do bị áp giá quá thấp.

Nguyễn Tuyền

Xuất khẩu giảm, nhập khẩu tăng: Ngành nông nghiệp đang khốn khó - 1