1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Xoá hàng nghìn rào cản kinh doanh, công lớn thuộc về báo chí

(Dân trí) - Chia sẻ tại Hội nghị doanh nghiệp với báo chí chiều nay (19/6), TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh: Công cuộc cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam những năm qua có vai trò mạnh mẽ của báo chí, trong đó hàng chục Thông tư trái luật, rào cản kinh doanh đã được xoá bỏ, công lớn này thuộc về báo chí.

Theo TS Lộc, trong những năm qua báo chí trên lĩnh vực kinh tế đã phát huy được vai trò vừa là nơi truyền tải chính sách vừa là nơi phản ánh những tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp (DN) đến với Chính phủ, bộ ngành. Báo chí đã và đang là chỗ dựa của DN để thực thi tốt hơn vai trò phản ánh hơi thở cuộc sống và giúp những tiếng nói của DN, thị trường đến cơ quan quản lý Nhà nước tốt hơn.

Báo chí đang góp phần đắc lực vào cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam
Báo chí đang góp phần đắc lực vào cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam

Ông Lộc cho hay: Công cuộc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam những năm qua diễn ra mạnh mẽ. Có nhiều cải thiện, đột phá được đưa ra song những tồn tại và hạn chế vẫn còn.

"Cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam dưới góc nhìn của cộng đồng quốc tế và DN cho thấy có sự đóng góp, vai trò ngày càng mạnh mẽ của báo chí", ông Lộc nói, đồng thời dẫn ví dụ: "Điển hình nhất và việc xây dựng 50 Nghị định của Chính phủ nhằm xóa bỏ hàng nghìn Thông tư của các bộ, ngành trái luật. Sau khi có báo chí vào cuộc, đến nay cơ bản chúng ta đã xóa bỏ nhiều rào cản kinh doanh, để tạo môi trường tự do, cạnh tranh cho DN, người dân".

Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: Mặc dù những tồn tại của môi trường kinh doanh vẫn còn nhưng báo chí vẫn là hy vọng và là kênh tư vấn giúp DN có những thông tin, phản biện chính và là nơi các cá nhân, gương sáng doanh nhân được cổ vũ, tôn vinh những cống hiến của mình.

Chia sẻ tại Hội nghị, TS Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) trăn trở: “Làm báo rất khó nhưng làm doanh nghiệp cũng khó khăn không kém. Qua những thành công, thất bại của mình, tôi thấy có hai điều có thể được coi là nỗi đau".

Một là, "DN hiện nay có nguy cơ sa vào tay nhóm lợi ích xấu, thoái hóa biến chất từ nhiều nơi, nhiều phía, từ người đại diện giới DN (hiệp hội) đến đại diện Quản lý Nhà nước. Nhận diện nhóm lợi ích này không khó nhưng không dễ nói, dễ làm. Báo chí đã làm được rất nhiều nhưng hiện nay không nhiều nhà báo dám nói điều này. Để có được xã hội dân sự lành mạnh, phải nói đến điều này, nỗi đau này của DN”, ông Dũng nói.

"Tôi đã thấy tận mắt có Hiệp hội lập ra chỉ để thu tiền, thu 100.000 đồng/lô hàng thông quan nhập khẩu, xuất khẩu của DN. Với hàng nghìn lô hàng xuất nhập trong ngành đó, tôi hỏi DN là họ có giúp ích gì cho hoạt động hay không? Họ bảo không", nguyên Phó chủ tịch VASEP cho hay.

Điều thứ 2, theo ông Dũng là khát vọng, là cái mới rất khó được chấp nhận tại Việt Nam vì chúng ta đang ngại nói, ngại bàn và ngại đấu tranh để cho cái tiến bộ được vào trong nhận thức và kinh doanh.

Ông Dũng cho hay: Hiện có nhiều hình thức kinh doanh mới ra đời nhiều năm, nhiều mô hình khởi nghiệp thành công nhưng vẫn chưa được chấp nhận hoặc không có kế sách gì để nó phát huy hiệu quả, thu thuế tốt như Uber, Grab hay các loại hình kinh tế sẻ chia khác…

“Với cá nhân tôi, tôi ở tổ chức Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, là tổ chức mới toanh, chúng tôi có những kế sách và tầm nhìn, kỳ vọng rất mới cho kinh tế biển Việt Nam thay đổi, nhưng là cái mới nên mọi hướng đi đều khó dù quyết tâm lớn, kế sách tốt tốt, ổn định”, ông Dũng nói.

TS Nguyễn Hữu Dũng chia sẻ thêm: “Hơn ai hết, DN, doanh nhân cần báo chí đồng hành để hạn chế bớt những nỗi đau và tăng thêm nữa những hoài vọng vượt qua khó khăn, thách thức”.

Nguyễn Tuyền