1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Xe khách tăng giá cước trước dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ

(Dân trí) - Ông Nguyễn Hoàng Trung - Giám đốc Công ty Quản lý bến xe Hà Nội vừa cho biết, đã có nhiều doanh nghiệp tăng giá cước từ 3-15% vào dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ và dự kiến sẽ tiếp tục đề xuất tăng phí vận chuyển trước kỳ nghỉ 30/4, 1/5 tới đây.

Phí tăng trên các tuyến cao điểm

Theo ông Trung, dù có nhiều chính sách ưu đãi song việc một vài doanh nghiệp tăng giá vé trong dịp này cũng là điều khó tránh khỏi do giá xăng dầu liên tục tăng nên kéo theo chi phí đầu vào. Trong 3 bến xe trọng điểm ở Hà Nội là Mỹ Đình, Giáp Bát và Gia Lâm thì Mỹ Đình là bến có nhiều doanh nghiệp vận tải đề xuất tăng giá vé nhất, hành khách đi trên các tuyến chịu áp lực tăng phí chủ yếu là Hà Nội đi Vinh, Thái Bình, Yên Bái, Lào Cai…
 
Xe khách tăng giá cước trước dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ
Nhiều doanh nghiệp vận tải đã tăng cước phí vận chuyển hành khách

Các doanh nghiệp và chặng tuyến tăng phí cụ thể là: Công ty Liên doanh vận tải Quốc tế Hải Vân tuyến Hà Nội - Sa Pa giá vé tăng từ 320.000 lên 330.000 đồng/vé; Công ty TNHH Văn Minh tuyến Hà Nội - Vinh - Hà Tĩnh giá vé tăng từ 170.000 lên 185.000 đồng/vé; Công ty CP Thương mại vận tải Hùng Cường tuyến Hà Nội - Thạch Thành (Thanh Hóa) giá vé tăng từ 70.000 lên 80.000 đồng/vé.

HTX Dịch vụ vận tải Thanh Sơn tuyến Hà Nội - Cẩm Phả giá vé tăng từ 110.000 lên 120.000 đồng/vé; Tuyến Hà Nội- Thái Bình từ 75.000 đồng/vé - 80.000 đồng/vé; Hà Nội-Yên Bái từ 90.000 đồng/vé -100.000 đồng/vé; Hà Nội - Nghĩa Lộ từ 120.000 đồng/vé lên 130.000đ; Hà Nội - Lục Yên từ 120.000 đồng/vé - 130.000 đồng/vé.

Trên thực tế, ngoài áp lực tăng phí xăng dầu thì hiện có nhiều loại phí khác đang được ngành giao thông vận tải đề xuất áp thu với phương tiện, vì thế nhiều lo ngại cho rằng có thể trong các dịp cao điểm lễ 10/3 và 30/4, 1/5 sắp tới nhà xe sẽ vin cớ “phí chồng phí” để tự ý nâng giá vé đối với hành khách.

Đây cũng là vấn đề ông Nguyễn Như Trúc - Giám đốc Bến xe Gia Lâm đặt ra, ông Trúc cho biết bến sẽ tăng cường công tác kiểm soát nghiêm ngặt về vé, giá cước đối với các doanh nghiệp vận tải ra vào bến để đảm bảo quyền lợi cho hành khách đi lại trong các dịp nghỉ lễ sắp tới.
 
Tuy nhiên, ở góc độ đơn vị quản lý, ông Trung cũng nêu lên sự thận trọng của các doanh nghiệp vận tải khi đề xuất tăng giá vé, đây cũng là cái khác so với những đợt tăng giá trước. “Doanh nghiệp họ cũng sợ khi tăng giá sẽ mất khách, nên việc tăng hay không rất được cân nhắc. Đã hơn 20 ngày xăng dầu tăng giá nhưng số lượng doanh nghiệp đề xuất tăng giá vé không nhiều, đó cũng là một trong những lí do chúng tôi nhận thấy sự thận trọng rất rõ của doanh nghiệp trong thời gian này.” - ông Trung cho hay.

630 xe khách được tăng cường dịp nghỉ lễ

Ngày giỗ Tổ (10/3 âm lịch) sẽ kéo dài 3 ngày; kỳ nghỉ lễ 30/4, 01/5 cũng sẽ kéo dài 4 ngày. Do vậy, nhu cầu đi lại của nhân dân sẽ tăng cao, lưu lượng hành khách đi về các tỉnh, địa phương sẽ phân bố không đồng đều.

Với đặc thù của hai kỳ nghỉ lễ cách nhau 1 tháng, lượng hành khách đi lại trong các ngày nghỉ lễ có biến động rất lớn trên cả 2 chiều: chiều hành khách từ Hà Nội đi các tỉnh (khách đi) và chiều hành khách từ các tỉnh về Hà Nội (khách về). Do đó, biến động theo hướng: lượng hành khách đi sẽ tăng trong các thời gian đầu kỳ nghỉ và giảm vào cuối kỳ và lượng hành khách về sẽ có chiều hướng ngược lại. Dự kiến lưu lượng hành khách tăng tập trung tại các tuyến đường có chiều dài khoảng dưới 500km: Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hoá, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Cao Bằng, Việt Trì, Vinh, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai….

Để đảm bảo nguồn phương tiện phục vụ hành khách, ông Trung cho biết Công ty sẽ tăng cường thêm khoảng 630 lượt chuyến xe khách/ ngày.

Cụ thể, chiều ngày 30/3 và sáng 31/3 dự kiến tăng cường khoảng 280 lượt xe/ngày. Trong đó, tại bến xe phía Nam là: 100 lượt xe/ngày, tại bến xe Mỹ Đình là: 140 chuyến/ngày, tại bến xe Gia Lâm là: 40 chuyến/ngày. Chiều 27/4 và ngày 28/4 (tập trung chủ yếu vào buổi sáng) sẽ tăng cường khoảng 350 lượt xe/ngày. Trong đó, tại bến xe Phía Nam là 120 lượt xe/ngày, tại Mỹ Đình là 180 lượt xe/ngày, tại bến xe Gia Lâm là 50 lượt xe/ngày.

“Lượng hành khách tăng đột biến vào cùng một khoảng thời gian nhất định sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho hoạt động điều hành vận tải nhưng sẽ đảm bảo không để ứ đọng khách trong ngày thì hoàn toàn có thể làm được,” ông Trung khẳng định.

Cũng theo nhận định của ông Trung, trong ngày 2/4 và 1/5, lượng khách từ các tỉnh trở về Hà Nội về sẽ tăng cao, vì vậy nhu cầu xe buýt để phục vụ chuyển tải hành khách từ các phương tiện liên tỉnh về Hà Nội sẽ rất lớn. 

“Tổng lượng xe dự kiến cần tăng cường là 400 lượt xe buýt, trong đó tại bến xe phía Nam là 150 lượt, bến xe Gia Lâm 100 lượt xe, bến xe Mỹ đình 150 lượt xe. Bên cạnh đó, Công ty cũng đã ký hợp đồng xe tăng cường với một số đơn vị thuộc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội để bổ xung một số phương tiện vận tải dự phòng phục vụ tăng cường giải toả khách..” - ông Trung nói.

Ngoài ra, để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, các bến xe cũng sẽ tăng cường giám sát kiểm tra chặt chẽ phương tiện vào xếp khách, đặc biệt xe tăng cường, tuyệt đối không đăng tài cho các xe không đảm bảo tiêu chuẩn theo các quy định về vận tải hành khách bằng ôtô theo tuyến cố định. Kiên quyết không để phương tiện không đủ điều kiện vào hoạt động.

Quỳnh Anh