1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Xây cảng biển, lập khu kinh tế: Cuộc đua "xuống đáy" của các tỉnh miền Trung

(Dân trí) - Chuyên gia chỉ ra rằng, đối với các địa phương, trong nhiều trường hợp, nếu không biết phát huy đúng kiểu, lợi thế to lớn có thể trở thành yếu tố kìm hãm phát triển, dễ chuyển thành bất lợi thế, có tác động phá vỡ các nỗ lực phát triển của mỗi địa phương.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Lợi thế thành bất lợi

Đóng góp tham luận tại Diễn đàn kinh tế miền Trung - lần thứ 2 do Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp với Ban Điều phối duyên hải Miền Trung diễn ra vào sáng nay (25/9), TS Trần Đình Thiên đánh giá, vùng Duyên hải miền Trung có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển.

Với “mặt tiền” hướng ra biển Đông, đường bờ biển dài hơn 1.200km, có nhiều bãi biển và phong cảnh đẹp, là tài nguyên du lịch đẳng cấp quốc tế, Vùng có lợi thế to lớn để phát triển kinh tế, nhất là trong thời đại mở cửa - hội nhập quốc tế. Vùng có 13 cảng biển, trong đó có 7 cảng biển loại I.

TS Thiên cho rằng, nhiều cảng biển tốt là lợi thế tự nhiên hầu như “tuyệt đối” của vùng Duyên hải miền Trung. Tuy nhiên, bối cảnh cạnh tranh và hội nhập quốc tế hiện đại, chỉ trông cậy vào lợi thế tự nhiên, dù lợi thế đó là rất to lớn, là tuyệt đối không đủ cho miền Trung.

"Thậm chí, trong nhiều trường hợp, nếu không biết phát huy đúng kiểu, lợi thế to lớn có thể trở thành yếu tố kìm hãm phát triển, dễ chuyển thành bất lợi thế, có tác động phá vỡ các nỗ lực phát triển của mỗi địa phương. Cuộc cạnh tranh phát triển cảng biển đang diễn ra quyết liệt giữa các tỉnh Duyên hải miền Trung là minh chứng điển hình của nghịch lý phát triển này", ông Thiên nói.

Ví dụ được ông Thiên nêu ra là, hiện miền Trung có Cảng Chân Mây và Cảng Đà Nẵng, Cảng Kỳ Hà và Cảng Dung Quất, xa hơn là Cảng Quy Nhơn và Cảng Nha Trang – cảng nào cũng tốt, vì thế, khó “nhường nhau” trong nỗ lực phát triển.

"Trên thực tế, vì lợi ích địa phương chính đáng, mỗi tỉnh đều muốn phát triển tối đa cảng của mình, mặc kệ cảng sát ngay bên cạnh. Tình thế “hai con dê qua cầu” trong nỗ lực phát triển huy lợi thế cảng biển (và cảng hàng không cũng vậy) đang được xác lập giữa các tỉnh trong Vùng”, ông Thiên nói.

Dù có nhiều cảng biển tận dụng lợi thế “tuyệt đối” của mình, nhưng ông Thiên cho rằng, xét thực chất cấu trúc các nguồn lực và điều kiện phát triển, cũng như xét tổng thể thực lực phát triển, vùng Duyên hải miền Trung yếu hơn hẳn các Vùng Kinh tế trọng điểm khác. Nguyên nhân là do Vùng còn thiếu nhiều điều kiện nền tảng hoặc yếu kém hơn trong một số khâu quyết định. Đó là sự thiếu thốn hạ tầng kinh tế, gồm hạ tầng giao thông, hạ tầng thông tin – viên thông, hạ tầng công nghiệp và hạ tầng đô thị, là nguồn nhân lực chất lượng thấp. Đó là chưa kể đến một điểm yếu khác, có thể coi là “xung yếu nhất” của Vùng: “hậu phương công nghiệp” kém phát triển.

Cả 9 tỉnh, dù có rất nhiều Khu Kinh tế và Khu Công nghiệp, trừ một vài tọa độ công nghiệp tương đối phát triển – như Trường Hải ở Chu Lai và Lọc hóa dầu Bình Sơn ở Dung Quất, có thể nói cả Vùng chưa có hậu phương công nghiệp đúng nghĩa. Sự dày đặc các Khu Kinh tế ven biển và các Khu Công nghiệp của Vùng không phải là một chỉ báo chứng tỏ Vùng đã có một “hậu phương công nghiệp” mạnh.

"Không có “hậu phương công nghiệp” và khi đô thị còn kém phát triển, lợi thế cảng biển và nỗ lực phát triển cảng của các tỉnh đang trở thành sự lãng phí to lớn và cản trở phát triển, thậm chí còn gây hiệu ứng “cạnh tranh cùng xuống đáy” giữa các tỉnh trong Vùng. Kéo theo đó là một vòng luẩn quẩn phát triển đang hình thành ở Vùng Kinh tế nhiều lợi thế và tiềm năng này: càng ra sức đầu tư phát huy lợi thế, sức hấp dẫn đầu tư càng bị phân tán, xu hướng cạnh tranh “ cùng xuống đáy” giữ các tỉnh lại càng khốc liệt”, ông nói.

Cuộc đua "xuống đáy"

Cũng nói về “cuộc đua xuống đáy” của các tỉnh miền Trung, TS Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright Việt Nam, thành viên Nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung chỉ ra rằng, giờ đây các ưu đãi trực tiếp như đất đai hay thuế khóa gần như đã được sử dụng hết ở các địa phương.

"Nói chung chẳng còn gì để ưu đãi nữa, cửa gần như đã mở toang. Cuộc chạy đua xuống đáy giữa các địa phương hay được nhắc đến từ trước đến nay, thực ra giờ đã chạm đáy nên có lẽ không phải đặt ra nữa mà câu hỏi giờ đây là bước tiếp theo sẽ như thế nào”, ông bình luận.

TS Huỳnh Thế Du cho rằng, từ trường hợp thành công của Bình Dương, nam Sài Gòn hay những nơi khác ở Việt Nam cũng như nhiều nơi trên thế giới, nhất là cuộc cạnh tranh cùng kéo nhau lên của các thành phố ở Mỹ sẽ cho thấy để có thể thắng trong cuộc cạnh tranh giành các nhà đầu tư, lao động có kỹ năng và những người có thu nhập cao, các địa phương cần phải tự mình hiệu quả hơn. Nhìn ở khía cạnh này thì sẽ thấy những nhân tố tích cực trong cuộc cạnh tranh giữa các địa phương của Việt Nam hiện nay.

"Ở tầm quốc gia, Nhà nước nên khuyến khích cuộc cạnh tranh này, nhưng cũng cần có những luật chơi hay khuôn khổ nhất định như điều kiện về môi trường để tránh những tác động tiêu cực như ô nhiễm hay Việt Nam trở thành bãi thải công nghệ của thế giới”, ông nói.

Bên cạnh đó, ông Du cũng cho rằng, nhu cầu của các địa phương đang rất lớn trong khi nguồn lực ngân sách có giới hạn. Do vậy, cần phải có cách thức phân bổ nguồn lực hợp lý. Trước mắt, nên dành nguồn lực cho những nơi đang có năng suất cao, có khả năng tạo gia nhiều giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Đối với những nơi không có khả năng phát triển các hoạt động kinh tế thì nguồn lực chỉ tập trung cho các vấn đề an sinh xã hội. Tránh tình trạng phân bổ cho mỗi nơi một siêu dự án để rồi rơi vào vết xe đổ của các KKT hiện nay. Nói chung, nên theo nguyên tắc tập trung có trọng điểm làm cho cái bánh lớn lên trước khi tính đến việc chia chiếc bánh.

"Thực chất việc các địa phương muốn có các KKT hay các dự án lớn chỉ là cách thức để tranh thủ hay xin nguồn ngân sách cũng như sự tự chủ về mặt chính sách. Khi vào thực tế, mỗi nơi sẽ phản ứng theo những tín hiệu của thị trường hay nhu cầu của các nhà đầu tư. Nếu một dự án nào đó nằm ngoài KKT thì địa phương cũng có cách để cho nó có được những mức ưu đãi đến mức không còn gì để ưu đãi với giải pháp đơn giản nhất là mở rộng KKT", ông Du cho biết.

Theo ông du, với tình trạng này và sự cạnh tranh như hiện nay, KKT hiểu theo nghĩa là có địa giới hành chính với cơ chế đặc biệt dường như không còn lợi thế nữa. Do vậy, có thể chọn mô hình khu đơn xưởng (Single Factory EPZ) cung cấp các khuyến khích và ưu đãi cho từng doanh nghiệp chứ không quan tâm đến địa điểm. Các doanh nghiệp không cần phải đặt trong một khu được thiết kế sẵn để có thể nhận được các khuyến khích và ưu đãi.Hơn thế, cách tiếp cận này có thể kết hợp được những lợi thế của mô hình cụm ngành, đồng thời tránh được quy hoạch treo.

Về vấn đề đối với đất đai, cơ chế cho thuê đất, chuyên gia đến từ Fullbright cho rằng, cùng với các điều kiện ưu đãi làm cho các nhà đầu tư có thể có đất gần như miễn phí đang tạo ra rất nhiều hệ lụy cho các địa phương nói riêng, cả nền kinh tế Việt Nam nói chung. Biết được tâm lý cần có các dự án đầu tư của các địa phương, không ít các nhà đầu tư đã đến rất nhiều các địa phương đưa ra các hứa hẹn đầu tư nhanh và muốn có đất ngay. Để đáp ứng ngay yêu cầu của các nhà đầu tư, các địa phương thường nhanh chóng đền bù giải tỏa và thu hồi đất với những hứa hẹn về việc làm trong tương lai cho những người bị thu hồi đất.

Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình thường rất chậm do các cam kết vượt quá khả năng thực tế của các nhà đầu tư nhiều lần. Khi điều kiện thị trường không thuận lợi thì các nhà tư bỏ mặc dự án mà không phải chịu chi phí gì. Khi các dự án dây dưa chưa giải quyết xong thì các nhà đầu tư khác lại đến và quá trình lại tiếp tục. Hậu quả là các “điểm nóng” liên tục phát sinh với nhiều hệ lụy xã hội. Hiện tại, rất nhiều diện tích đất thuộc dự án nhưng bỏ không trong những thời gian rất dài, nhưng khi có nhu cầu lại không có đất sạch.

"Để giảm thiểu tác động tiêu cực này, nhà nước cần có chính sách rõ ràng về giá thuê đất đủ lớn sao cho các nhà đầu tư không thể đi khắp nơi chiếm đất", ông nói thêm.

Những năm qua, mặc dù có nhiều cố gắng, nhất là trong việc tìm kiếm các cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển, nhưng ngoại trừ một số công trình, dự án được Nhà nước đầu tư có chủ định, về cơ bản sức hấp dẫn thị trường của vùng vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc đột biến.

Tổng số vốn đầu tư thu hút được năm 2016 mới chỉ bằng 13% vốn đầu tư cả nước, kim ngạch xuất khẩu bằng 3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nền kinh tế… Vì vậy, đến nay về cơ bản vùng Duyên hải miền Trung vẫn là vùng tương đối nghèo. Thu nhập bình quân đầu người năm 2016 bằng khoảng 88% của cả nước, chỉ cao hơn vùng Trung du miền núi phía Bắc (67%) và vùng Tây Nguyên (84%).

Phương Dung