1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

"Xác sống" PVTex có dấu hiệu hồi sinh

(Dân trí) - Hơn 2 năm ngừng hoạt động và bị nằm trong danh sách 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả, Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ vận hành trở lại trong điều kiện không có tiền đầu tư.


Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ vận hành trở lại trong điều kiện không có tiền đầu tư (Ảnh minh họa)

Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ vận hành trở lại trong điều kiện không có tiền đầu tư (Ảnh minh họa)

Sản phẩm đầu tiên ra đời từ nhà máy được đánh giá chất lượng, đạt yêu cầu và được đối tác ký hợp đồng tiêu thụ.

Theo báo cáo mới nhất từ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN (PVN), ngay sau khi nhận lệnh giải cứu nhà máy, PVN và các đơn vị thành viên trong ngành Dầu khí thường xuyên huy động nhân sự đến hỗ trợ PVTex thực hiện công tác bảo dưỡng định kỳ, nhằm duy trì trạng thái tốt nhất về mặt kỹ thuật cho các máy móc thiết bị, dây truyền và công nghệ…

Cụ thể, trong thời gian từ quý IV/2017 đến nay, PVN và PVTex đã ký thỏa thuận hỗ trợ tạm ứng có hoàn trả khoản kinh phí 8 tỷ đồng từ nguồn Quỹ tương trợ dầu khí để làm vốn phục vụ khởi động Phân xưởng sợi Filament.

Theo đó, từ ngày 10/4, PVTex đã khởi động vận hành 3 dây chuyền của Phân xưởng sợi Filament. Đến ngày 14/4/2018, phân xưởng này đã giao sản phẩm mẫu cho khách hàng chạy thử.

Theo phản hồi của khách hàng, sản phẩm sợi có cường lực ổn định, vải sau khi dệt có ngoại quan tốt, nhuộm ăn màu đều, quá trình dệt nhộm sợi không bị đứt và xoắn. Công ty Tín Thành đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm sợi loại 75/72 đầu tiên ra lò từ nhà máy. Các khách hàng khác cũng đang xem xét ký hợp đồng mua sản phẩm.

Cũng theo báo cáo của PVN, từ ngày 20/4, PVTex đã chính thức vận hành thương mại nhà máy. Tổng sản phẩm trong tháng đầu tiên ra lò, ước đạt gần 190 tấn sợi và được cung ứng cho thị trường miền Bắc.

"Các cổ đông và PVTex đang xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh tiến tới khởi động toàn bộ phân xưởng để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước, tiến tới xuất khẩu, nhằm từng bước khởi động lại toàn bộ nhà máy. Dự kiến trong tháng 5 tới, PVTEX sẽ chạy đủ 6 dây chuyền của phân xưởng kéo sợi này", thông tin từ PVN cho biết.

Việc đưa vào vận hành chính thức và cho ra sản phẩm theo PVN là giải pháp cấp bách và tối ưu nhất vào thời điểm này. Bởi hiện nay giá xơ sợi đang ở mức từ 230-240 USD/tấn, cao hơn nhiều so với chu kỳ đáy là 140 USD/tấn (thời điểm năm 2014) cũng như so với giá thành sản xuất là 185 USD/tấn. Song song với việc sản xuất, PVTex cũng chú trọng đến khâu tiêu thụ, đầu ra của sản phẩm. Chính vì thế, PVTex đã ký thỏa thuận khung tiêu thụ sản phẩm sợi DTY với hai Công ty chính là Công ty Tín Thành và Công ty Vân Nam.

Đến thời điểm hiện nay, ba dây chuyền DTY đang hoạt động ổn định, sản xuất các sản phẩm sợi DTY 75/36 và 75/72. Các dây chuyền khác đang được bảo dưỡng, chạy không tải và sớm vận hành lại trong thời gian tới.

Dự kiến trong Quý II năm 2018, PVTex sẽ ký Hợp đồng hợp tác sản xuất kinh doanh với Liên danh APH và các đối tác, quý IV/2018 toàn bộ Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ sẽ đi vào vận hành thương mại trở lại.

H.Anh

"Xác sống" PVTex có dấu hiệu hồi sinh - 2