1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Bình Định:

Vụ tàu cá vỏ thép bị hư hỏng: "Phải kiện thôi, chứ ngư dân chúng tôi khổ quá rồi”

(Dân trí) - "Từ sau buổi làm việc với ngư dân tại trụ sở UBND tỉnh đầu tháng 6, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương cam kết sửa chữa tàu nhưng rồi mất hút. Làm ăn kiểu đó là lừa đảo chứ còn gì. Tôi phải kiện thôi, chứ ngư dân chúng tôi khổ quá rồi” - Ngư dân Nguyễn Văn Lý (54 tuổi, trú xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, Bình Định), chủ tàu cá BĐ 99004 TS bức xúc.

Trong 2 ngày 27 và 28/6, lãnh đạo UBND các huyện Phù Cát, Phù Mỹ (Bình Định) đã làm việc với ngư dân và các cơ quan pháp lý để chuẩn bị thủ tục hướng dẫn ngư dân khởi kiện Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (trụ sở tại Nam Định) vì đóng tàu “dỏm”.

Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng yêu cầu như vậy sau khi nghe Tổ thẩm định độc lập báo cáo chính thức kết quả thẩm định 17/18 tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của ngư dân bị hư hỏng, diễn ra chiều qua 26/6.

Bình Định: Huyện “sốt sắng” giúp ngư dân kiện cơ sở đóng tàu “dỏm”

“Làm ăn như vậy là lừa đảo còn gì”

Ngày 28/6, lãnh đạo UBND huyện Phù Mỹ (Bình Định) đã mời 3 ngư dân đóng tàu tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương bị hư hỏng, để hướng dẫn cách khởi kiện công ty này ra tòa.

Theo ngư dân Lý cho rằng do tàu đóng bằng thép Trung Quốc sai với hợp đồng khiến tàu nhanh hư hỏng
Theo ngư dân Lý cho rằng do tàu đóng bằng thép Trung Quốc sai với hợp đồng khiến tàu nhanh hư hỏng

“Sau chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu, chúng tôi đã mời các ngư dân cùng hội luật gia, tư pháp để nghe ý kiến. Ngư dân lo lắng nhiều điều vì nợ nần chồng chất, nhất định phải tìm được sự thật và công lý, bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngư dân. Về việc ngư dân phát hiện sai phạm bị công ty đóng tàu hăm dọa tôi đã nghe ngư dân trình bày. Chúng tôi đang chờ công an điều tra, làm rõ vấn đề” - ông Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ Hà Ngọc Tân cho hay.

Ngư dân Nguyễn Văn Lý (54 tuổi, trú xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, Bình Định), chủ tàu cá BĐ 99004 TS (giá 15,9 tỷ đồng, công suất 811 CV), được đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương bị rỉ sét hư hỏng nặng. Suốt nhiều tháng nằm bờ khiến ông Lý kiệt quệ kinh tế. Theo kết quả thẩm định, tàu của ông Lý là một trong những tàu không đạt thép thường cấp A theo QCVN 21:2010/BGTVT.

“Tàu nằm bờ 2 tháng nay, gây thiệt hại khoảng 500 triệu đồng khiến gia đình khốn đốn. Hiện cả sổ đỏ cũng thế chấp ngân hàng vay 250 triệu đồng để trả nợ. Trong khi đó, từ sau buổi làm việc với ngư dân tại trụ sở UBND tỉnh đầu tháng 6, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương cam kết sửa chữa tàu nhưng rồi mất hút. Làm ăn kiểu đó là lừa đảo chứ còn gì. Tôi phải kiện thôi, chứ ngư dân chúng tôi khổ quá rồi” - ông Lý bức xúc.

Nhiều tàu cá của ngư dân Bình Định mới đi vào hoạt động khai thác chưa lâu đã hư hỏng nằm bờ khiến ngư dân lỗ nặng
Nhiều tàu cá của ngư dân Bình Định mới đi vào hoạt động khai thác chưa lâu đã hư hỏng nằm bờ khiến ngư dân lỗ nặng

Tại huyện Phù Cát (Bình Định), ông Lương Văn Ngân, Chủ tịch UBND huyện này cũng cho biết chiều 27/6, huyện cũng đã mời ngư dân đến họp, tư vấn, hướng dẫn khởi kiện công ty TNHH Đại Nguyên Dương theo đúng trình tự và quy định của pháp luật.

Ngư dân Nguyễn Văn Mạnh (trú xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ), chủ tàu vỏ thép BĐ 99567 TS do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng đã xuống cấp trầm trọng, hư hỏng khắp nơi.

Theo ông Mạnh, nguyên nhân dẫn đến hư hỏng là do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương sử dụng thép Trung Quốc không đạt chất lượng để đóng tàu.

“Trong hợp đồng, chiếc tàu của tôi đóng thép Hàn Quốc/Nhật Bản. Tuy nhiên, quá trình giám sát tại nhà máy con trai tôi phát hiện tàu được đóng thép Trung Quốc. Nó lên tiếng phản ánh và chụp hình để làm bằng chứng thì bị nhân viên nhà máy đóng tàu ngăn cản, hăm dọa” - ông Mạnh cho hay.

Có dấu hiệu sai phạm

Theo đại tá Trần Huy Giáp, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Định, Nghị định 67 của Chính phủ là chủ trương đúng đắn thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với ngư dân phù hợp với nguyện vọng của đông đảo ngư dân. Trên thực tế, Nghị định 67 góp phần quan trọng vào việc tái cơ cấu kinh tế ngành thủy sản theo hướng công nghiệp hiện đại, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển tham gia bảo vệ biển đảo của Tổ quốc.

Tuy nhiên, tình trạng nhiều tàu vỏ thép mới đi vào hoạt động khai thác còn thời gian bảo hành đã gặp sự cố trục trặc, hư hỏng về máy tàu, vỏ tàu, trang thiết bị hàng hải… Việc này làm dư luận bất bình, hoạt động sản xuất của ngư dân bị đình trệ, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và khả năng trả nợ ngân hàng của ngư dân. Một bộ phận ngư dân có tâm lý e ngại đóng mới tàu vỏ thép.

Bình Định: Tàu vỏ thép 67 hư hỏng: Có dấu hiệu sai phạm

Không chỉ vỏ thép Trung Quốc mà máy tàu cũng dùng máy dỏm không phải máy chính hãng
Không chỉ vỏ thép Trung Quốc mà máy tàu cũng dùng máy "dỏm" không phải máy chính hãng

“Qua thẩm định bước đầu cho thấy chất lượng tàu cá không đảm bảo có dấu hiệu sai phạm. Về bản chất, chúng tôi cho đây là hợp đồng kinh tế, thậm chí là hợp đồng kinh tế đặc biệt. Do đó, bên nào thực hiện không đúng hợp đồng thì bên đó phải chịu trách nhiệm", ông Giáp cho biết.

Thực tế, theo ông Giáp, có cơ sở đóng tàu đang thực hiện việc khắc phục sửa chữa. Nhưng "trước mắt chúng tôi thấy cần phải khắc phục toàn diện, triệt để sửa chữa tàu vỏ thép không đảm bảo chất lượng một cách nhanh nhất để sớm đưa tàu vào hoạt động sản xuất, giảm thiểu thiệt hại kinh tế, ổn định đời sống kinh tế xã hội tại địa phương nói chung và ngư dân nói riêng. Nếu càng kéo dài thời gian khắc phục thì thiệt hại về mọi mặt càng cao. Chúng tôi đang phối hợp với Cục An ninh Kinh tế (Bộ Công an) tiếp tục tổ chức thực hiện các công việc” - đại tá Giáp cho hay.

Doãn Công