1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Vụ Mai Linh xin ưu ái: BHXH Việt Nam “vào cuộc”, đại gia Hồ Huy liệu có được “cứu”?

(Dân trí) - Liên quan đến kiến nghị “giải cứu” của hãng taxi Mai Linh, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu đã yêu cầu Ban Thu (BHXH Việt Nam) và BHXH TP.HCM phối hợp rà soát các quy định liên quan tới vấn đề mà Công ty Mai Linh đề xuất để trình Tổng giám đốc, đồng thời báo cáo các bộ, ngành liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, và tạo điều kiện để DN phát triển.


Đại gia Hồ Huy đang vật lộn, xử lý khó khăn với taxi Mai Linh

"Đại gia" Hồ Huy đang vật lộn, xử lý khó khăn với taxi Mai Linh

Mới đây tại Hà Nội, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu đã có buổi làm việc với BHXH TP.Hồ Chí Minh và đại diện Công ty CP Tập đoàn Mai Linh (Công ty Mai Linh) xoay quanh vấn đề nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của Công ty Mai Linh.

Trước đó, BHXH Việt Nam đã nhận được công văn của Công ty Mai Linh về việc đề nghị xem xét khoanh nợ, giảm nợ để Công ty vượt qua khó khăn, có điều kiện trả nợ gốc BHXH và đảm bảo việc làm cho hàng nghìn lao động.

Hiện theo số liệu thống kê trên toàn hệ thống BHXH, tính đến ngày 31/10/2017, Công ty Mai Linh đang nợ đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp với số tiền trên 181,8 tỷ đồng (trong đó, nợ gốc là trên 105,1 tỷ đồng, và lãi chậm nộp khoảng trên 76,8 tỷ đồng).

Trong công văn nêu trên, Công ty Mai Linh cũng nêu rõ, trong suốt thời gian qua, mặc dù tình hình tài chính bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng công ty vẫn cố gắng huy động mọi nguồn lực, cắt giảm chi phí,… để thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước, trả nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp với khoảng 51 tỷ đồng cho BHXH Tp.HCM và 50 tỷ đồng cho BHXH các tỉnh, thành phố.

Riêng trong những tháng cuối năm 2017, Mai Linh đã cam kết thực hiện nghĩa vụ nộp BHXH, BHYT, BH thất nghiệp phát sinh trong năm 2017 như: Trước 30/11 nộp 25 tỷ đồng cho BHXH TP và 10 tỷ đồng cho BHXH các tỉnh, thành phố; trước 31/12 nộp 25 tỷ đồng cho BHXH TP và 10 tỉ đồng cho BHXH các tỉnh, thành phố.

Trước hàng loạt khó khăn, đặc biệt là cuộc cạnh tranh khốc liệt với Uber, Grab… Mai Linh đã kiến nghị được miễn tính lãi phát sinh trên số cũ (trên 150 tỷ đồng); cho từng công ty trong hệ thống Mai Linh được thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc trong 20 tháng, mỗi tháng 6 tỷ đồng và miễn nghĩa vụ phạt nộp chậm.

Trong quá trình trả nợ gốc Mai Linh mong BHXH Việt Nam xem xét khoanh nợ, giảm nợ để đơn vị vượt qua khó khăn có điều kiện trả nợ gốc cho BHXH và đảm bảo công việc cho 24.000 lao động.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu yêu cầu Ban Thu (BHXH Việt Nam) và BHXH TP.HCM phối hợp rà soát các quy định liên quan tới vấn đề mà Công ty Mai Linh đề xuất để trình Tổng Giám đốc và báo cáo các bộ, ngành liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, và tạo điều kiện để DN phát triển. Trong đó đặc biệt là để đảm bảo được việc làm, cũng như những quyền lợi về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động tại DN này.

Lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng khẳng định khoanh nợ, giãn nợ không thuộc thẩm quyền của Bảo hiểm Xã hội. Thẩm quyền này là của Chính phủ áp dụng theo quy định tại khoản 7, điều 10 Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2004.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chỉ là cơ quan tổ chức thực hiện thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm y tế về quỹ theo đúng quy định của pháp luật; không có thẩm quyền khoanh nợ, giảm nợ, miễn giảm tiền lãi do chậm đóng cho đơn vị.

100 năm sau mới trả hết nợ nếu không được “cứu”

Xung quanh câu chuyện xin “giải cứu” của Mai Linh, một số ý kiến cho rằng cần thiết phải tạo ra hành lang pháp lý để giải quyết cho các doanh nghiệp trong một số trường hợp đặc biệt. Chẳng hạn như có quy định để hai bên BHXH và doanh nghiệp được phép thoả thuận trên cơ sở tham vấn ý kiến của cơ quan trung gian thứ ba như Thanh tra, Kiểm toán hay thậm chí chuyển cho Tòa án xem xét phán quyết.

“Tất nhiên việc xem xét điều kiện khoanh nợ, giãn nợ thuế, bảo hiểm là rất phức tạp, dễ bị lợi dụng, tiêu cực, nên cần phải có quy định một cách rất chặt chẽ, rõ ràng, cụ thể về điều kiện, thẩm quyền, thủ tục và trách nhiệm trong việc giải quyết”, một chuyên gia nêu quan điểm.

Trong khi đó, nhiều quan điểm khác lại cho rằng bản thân doanh nghiệp khi hoạt động cần dự phòng rủi ro, có chiến lược khôn ngoan để cạnh tranh, tồn tại trên thị trường. Thực tế mỗi năm, có vô vàn doanh nghiệp bị phá sản, ngừng hoạt động và rời khỏi thị trường, nếu ai cũng xin hỗ trợ thì không thỏa đáng và nếu “ưu ái” cho một doanh nghiệp nào đó sẽ tạo thành tiền lệ xấu.

Trước đó, trả lời báo chí nếu kiến nghị không được chấp thuận doanh nghiệp sẽ tính toán thế nào, ông Hồ Huy - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mai Linh cho biết: Mong muốn là chúng tôi sẽ trả nợ chậm và đừng phạt nữa, bởi mức phạt này quá nặng. Nếu Nhà nước cho thì tôi xin, nhưng không được thì chúng tôi vẫn phải trả nợ cho Nhà nước không thiếu một đồng nào.

Lãnh đạo Mai Linh cũng khẳng định đây là những món nợ cũ của các công ty con không hoạt động nữa. Nợ này có từ 2012, khi Mai Linh tái cấu trúc, giảm từ tập đoàn 100 công ty thành viên xuống còn khoảng 60 như hiện nay.

Với tư cách là công ty mẹ, Mai Linh đứng ra nhận trách nhiệm trả số nợ và trong văn bản gửi các cơ quan chức năng, đơn vị này xin được nộp 180 tỷ đồng trong vòng 20 kỳ trả nợ - vào khoảng 20 tháng.

Cũng theo Chủ tịch Mai Linh, hiện các khoản đóng mới của doanh nghiệp không được tính vào nợ gốc, mà chỉ để trừ lãi. “Nếu Nhà nước cứ tính theo phương án tính lãi, tính phạt như vậy thì đến 100 năm sau Mai Linh cũng không trả hết khoản nợ này”, ông Hồ Huy nói.

Nguyễn Khánh

Vụ Mai Linh xin ưu ái: BHXH Việt Nam “vào cuộc”, đại gia Hồ Huy liệu có được “cứu”? - 2