1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Vốn vay thoát nghèo chưa đủ để thoát nghèo

(Dân trí) - Nông dân tại xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, phấn khởi vì được tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng, nhưng khi bà con muốn mở rộng quy mô thì số vốn này dường như không thấm vào đâu.

Nhu cầu nhiều, nguồn vốn lại hạn hẹp

Tại xã An Khê, nhiều trường hợp bà con làm ăn phát triển tốt nhờ vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH). Điển hình như trường hợp anh Đỗ Văn Dũng, 33 tuổi ở thôn Lộc Khê 5, vừa được vinh dự nhận giải Lương Đình Của 2016 cho những hộ phát triển chăn nuôi tốt.

Trang trại nuôi lợn của anh Dũng
Trang trại nuôi lợn của anh Dũng

Anh Dũng cho biết: “Trang trại của tôi quy mô trên 5 tỉ đồng chủ yếu là nuôi lợn nái ngoại, nhưng với số vốn đang vay ở mức tối đa 50 triệu đồng vẫn là quá ít, trong khi muốn mở rộng quy mô sản xuất cần nhiều hơn thế. Chỉ riêng việc xây bể khí biogas để làm đầu ra cho lợn cũng đã hết 50 triệu đồng".

Xây hầm biogas đã hết số tiền vay vốn
Xây hầm biogas đã hết số tiền vay vốn

Thoát nghèo nhờ vay vốn của NHCSXH, đàn bò của ông Ngô Quang Phủng, 61 tuổi, đã đẻ được 6 con cho thu nhập 70 triệu đồng/năm. Ngoài chăn bò, làm ruộng vườn cũng đem về cho ông từ 40-50 triệu đồng/năm. Số vốn vay chính sách này ông tiếp tục mua bò nái để mở rộng quy mô.

Ông Phủng tha thiết muốn vay thêm vốn mở rộng quy mô
Ông Phủng tha thiết muốn vay thêm vốn mở rộng quy mô

“Tôi mong muốn ngân hàng cứ làm sao quan tâm đến dân như thế này. Làm sao mà tổ chức tổ vay vốn thật tốt, để những bà con như tôi có cơ hội được vay vốn thoát nghèo. Hiện tại, tôi mới chỉ vay ở mức tối đa. Nhưng trong thời gian tới, tôi sẽ mở rộng quy mô thành trang trại, nên rất mong muốn được tăng số vốn vay giới hạn lên cao hơn để tiện trong việc phát triển sản xuất, thoát nghèo”, ông Phủng chia sẻ.

Theo ông Ngô Quang Trách - Bí thư Đảng uỷ xã An Khê, hiện có rất nhiều gia đình chính sách, hộ nghèo có nhu cầu vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao thu nhập góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, số hộ gia đình được vay vốn so với nhu cầu thực tế tại địa phương còn rất ít, không đủ đáp ứng! Do đó, xã đề nghị cấp trên quan tâm tăng thêm nguồn vốn giúp bà con phát triển sản xuất kinh doanh.

Xã không có nợ quá hạn

Trước thực trạng nợ xấu vẫn là điều làm đau đầu nhiều ngân hàng thì ở xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình lại không hề có dư nợ quá hạn. Chủ tịch UBND xã An Khê - ông Lê Đắc Vụ cho biết: “Toàn xã có 16 tổ tiết kiệm thông qua 8 thôn, vốn huy động tiết kiệm tại điểm giao dịch 231 triệu đồng. Vốn huy động lớn tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế xã hội. Hiện tổng số dư nợ tính đến ngày 31/3/2017 đạt trên 14 tỉ đồng".

Cũng theo ông Vụ: “Việc vay vốn này được xác định ưu đãi cho bà con, nhất là với những hộ nghèo, cận nghèo. Đây là những hộ rất khó khăn cần tiếp cận được nguồn vốn để phát triển kinh tế xã hội, từ những chương trình hỗ trợ như vậy, kết quả là hộ nghèo chỉ còn chiếm 23% toàn xã".

“Hàng tháng, cán bộ xã thường xuyên làm công tác kiểm tra yêu cầu các tổ chức đoàn thể báo cáo hoạt động sử dụng nguồn vốn của các gia đình. Đặc biệt là những hộ gia đình phát sinh mới, xem việc sử dụng nguồn vốn có đúng mục đích hay không, hiệu quả hay không? Nếu có khó khăn vướng mắc đề xuất với xã để có phương án giải quyết”, ông Vụ nói.

Về kinh nghiệm làm tín dụng với bà con, Trưởng phòng kế hoạch tín dụng tỉnh Thái Bình, anh Vũ Quang Hưng chia sẻ: “Trước khi đến hạn 2 tháng thì cán bộ ngân hàng đã chủ động trước bằng cách phải rà soát các đối tượng. Đối tượng nào có vấn đề là tập trung xuống tuyên tuyên truyền giải thích để người dân thấy được trách nhiệm của họ, ý thức của người dân được nâng lên và họ chủ động với khoản vay của mình. Người dân ở đây lòng tự trọng rất cao, việc đầu tiên là mình phải tôn trọng họ".

Thế Hưng