1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

VN-Index hướng tới mốc 680 điểm sau kết quả "sốc" bầu cử Tổng thống Mỹ

(Dân trí) - Thị trường chứng khoán khởi động giao dịch sáng nay (10/11) với việc tăng điểm ngay từ đầu phiên, dường như xóa sạch mọi dấu vết của phiên biến động ngày hôm qua.

Khép lại phiên giao dịch sáng, VN-Index tăng 6,23 điểm (tương ứng 0,93%) lên 676,49 điểm với 175 mã tăng giá so với 52 mã giảm; VN30-Index tăng 5,18 điểm tương ứng 0,82% với 23 mã tăng và 5 mã giảm, 2 mã đứng giá.

Trong khi đó, HNX-Index cũng lấy lại 1 điểm tương ứng 1,25% lên 81,11 điểm. (Phiên hôm qua, mặc dù giảm sâu đầu phiên chiều song đóng cửa, VN-Index chỉ mất 0,92% và HNX-Index mất 1,42%).

Diễn biến chỉ số VN-Index phiên sáng 10/11
Diễn biến chỉ số VN-Index phiên sáng 10/11

Một số mã trụ cột diễn biến tích cực: VNM tăng 1.200 đồng, VIC, VCB, GAS... đều đang phục hồi sau phiên bán tháo hôm qua. Cặp đôi FLC và ROS lần lượt tăng 300 đồng và 5.100 đồng. Đây là hai mã đang được mua vào mạnh. Cổ phiếu ngành tôn, thép là HPG và HSG cũng tăng 800 đồng và 1.200 đồng. Một số cổ phiếu tăng trần như KHP, KPF, KSA, KSH, LCM...

Như vậy, diễn biến thực tế trên thị trường lạc quan hơn nhiều so với những dự báo được bộ phận phân tích của các công ty chứng khoán đưa ra trước đó rằng kết quả bầu cử bất ngờ tại Mỹ có khả năng sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trao đổi nhanh với phóng viên Dân Trí bên hành lang Quốc hội sáng nay, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, cần thời gian để nhìn nhận về tác động thực tế của kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ ngày hôm qua lên thương mại quốc tế. Bởi theo ông Ngân, lịch sử cho thấy, không phải mọi tuyên bố trong quá trình tranh cử Tổng thống Mỹ đều được hiện thực hóa bằng các chính sách sau khi đắc cử.

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cho rằng, mặc dù có những lo ngại về triển vọng của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi tân Tổng thống Mỹ Donald Trump là một người ủng hộ nền kinh tế bảo hộ và phản đối các hiệp định tự do (FTA), song Việt Nam vẫn còn có nhiều ký kết FTA có trọng lượng khác như với Hàn Quốc, EU... Do đó, nếu tận dụng tốt những cơ hội từ những FTA này thì kinh tế Việt Nam trong tương lai vẫn hưởng lợi từ hội nhập. Chưa kể, thực tế thì TPP vẫn chỉ là kỳ vọng chứ chưa phải là hiệp định đã có hiệu lực trên thực tế, nên trường hợp không có TPP thì mọi hoạt động vẫn tiếp tục như vốn có.

Trước thềm phiên giao dịch hôm nay, báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng, chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ có tác động đến kế hoạch và quản lý chính sách tiền tệ cũng như ngoại giao của Mỹ, nhưng "thời điểm này vẫn còn quá sớm để đưa ra nhận định, cho đến khi các chính sách chi tiết được công bố".

Theo VCSC, ở thời điểm này, dễ dàng hơn để nhận định kết quả bầu cử này sẽ ảnh hưởng đến các nhà đầu tư ở các thị trường mới nổi, và trong bối cảnh thị trường Việt Nam có tỷ trọng khá nhỏ trong danh mục đầu tư, những ảnh hưởng này sẽ dẫn đến sự quan tâm đến thị trường Việt Nam sụt giảm, do đó ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trong khi Chính phủ đang có kế hoạch tích cực bán cổ phần Nhà nước tại các doanh nghiệp trong thời gian tới, sự sụt giảm quan tâm này sẽ ảnh hưởng đến giá trị định giá cổ phần của Chính phủ tại các Doanh nghiệp, và có thể làm giảm số thương vụ thành công.

Báo cáo của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) thì lưu ý, việc thị trường tài chính hôm qua chao đảo trước việc ông Trump trúng cử Tổng thống do ứng viên này được cho là khó đoán định hơn bà Clinton về mặt chính sách, đặc biệt các chính sách liên quan đến thương mại, thuế, đối ngoại, y tế và di cư sẽ có nhiều thay đổi so với thời Tổng thống Obama và hệ quả sẽ rất khó đoán định.

Trong đó, về thương mại, Hiệp định TPP gần như chắc chắn không còn cơ hội được ký kết dưới thời ông Trump làm Tổng thống khi mà các tuyên bố của ông trước đó phản ứng mạnh mẽ các Hiệp định thương mại tự do.

Nhìn chung, nếu ông Trump thực hiện những chính sách như khi ông tuyên bố trong cuộc tranh cử, nước Mỹ được cho là sẽ có nhiều thay đổi lớn và sự khó lường của những chính sách đó không phải là điều kiện thuận lợi cho các tài sản rủi ro như chứng khoán, đồng USD, dầu... tăng giá.

Bích Diệp