1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

VN-Index "đứt" chuỗi tăng kỷ lục, hàng chục tỷ đồng đổ vào REE, VNM

(Dân trí) - Mất chuỗi tăng điểm thiết lập 13 phiên, VN-Index lùi về dưới ngưỡng 460 điểm, mất 0,8%, trong khi đó HNX-Index phục hồi, tăng nhẹ lên 60,62 điểm. REE và VNM bất ngờ được thỏa thuận giá trần.

Nếu các phiên trước, bluechip là cứu cánh đẩy VN-Index nối chuỗi tăng điểm kỷ lục 13 phiên liên tiếp thì trong phiên đầu tuần 14/1, việc VN30-Index mất 8,3 điểm (tương ứng 1,52%) đã khiến VN-Index lùi về 458,97 điểm, mất 3,72 điểm hay 0,8%.

Ở sàn Hà Nội, HNX-Index tăng nhẹ 0,07 điểm tương ứng 0,12% lên 60,62 điểm nhờ sự hỗ trợ từ chỉ số của HNX30.

Thị trường đang có phiên điều chỉnh cần thiết sau chuỗi tăng dài hơi.
Thị trường đang có phiên điều chỉnh cần thiết sau chuỗi tăng dài hơi.

Kịch bản khối ngoại cứu thị trường vào cuối phiên chiều đã không lặp lại. Bluechip phiên chiều, ngoài ITA, KBC, KDC, PVF, PVX tăng trần thì hầu hết đều giảm điểm. Ở các mã tăng trần, dư mua giá trần còn tương đối lớn, trong khi lệnh bán đều được bên mua quét sạch.

Khớp gần 8,5 triệu cổ phiếu, ITA mặc dù bị loại khỏi rổ VN30 đợt 1/2013 song vẫn tăng trần lên 6.000 đồng, dư mua giá trần cuối phiên gần 400 nghìn đơn vị. Tại mã này, nhà đầu tư ngoại tiếp tục gom về gần 700 cổ phiếu.

KBC khớp 2,56 triệu, tăng trần lên 7.500 đồng và dư mua giá trần còn gần 850 nghìn cổ phiếu. Mức tăng tại KDC rõ rệt hơn, biên độ tăng đạt 2.100 đồng ấn định mức giá 44.600 đồng mỗi đơn vị.

Những phiên gần đây, hoạt động về giá của PVX rất ấn tượng. Ngay cả thời điểm xu hướng của thị trường giảm thì PVX vẫn tăng trần lên 6.400 đồng, khớp lệnh đạt 16,3 triệu cổ phiếu, dư mua giá trần hơn 3,7 triệu, lệnh bán được vét sạch. Nhà đầu tư ngoại tiếp tục mua vào 170 nghìn cổ phiếu này.

Hai mã larger cap bị thiệt hại nặng nhất là MSN và VNM, tiếp sau đó là DHG, FPT và VCB. Các mã này đã góp phần đánh sập điểm ở VN30-Index tới trên 8 điểm trong phiên đầu tuần. Cụ thể, MSN mất 4.000 đồng, VNM mất 3.500 đồng, FPT mất 1.200 đồng, DHG mất 1.000 đồng và VCB mất 900 đồng.

Trái ngược với những phiên giao dịch cuối tháng 12 và đầu tháng 1, BVH giảm sàn mất 2.300 đồng, xuất hiện lệnh bán giá sàn, trong khi không hề có dư mua. Dù vậy, BVH vẫn có cầu khối ngoại gần 150 nghìn cổ phiếu.

Bên cạnh đó, trong khi nhà đầu tư nội xả hàng thì khối ngoại vẫn mua vào tương đối mạnh ITA, PVF, SJS, STB, VCB, VIC và PVD... PVS được mua mạnh nhất với 882 nghìn đơn vị.

GAS gây bất ngờ khi không lọt vào VN30 song đây vẫn là một trogn những mã hoạt động bền bỉ nhất trong những phiên vừa qua, tiếp tục tăng 1.400 đồng lên 44.200 đồng/cp, khớp lệnh đạt nửa triệu đơn vị.

Tại phương thức thỏa thuận, nhà đầu tư "ẩn danh" chi đậm 19,1 tỷ đồng mua 1 triệu cổ phiếu REE tại giá trần 19.100 đồng trong khi đóng phiên, cổ phiếu này chỉ đứng giá tham chiếu.

VNM sau khi được thỏa thuận 250 nghìn cổ phiếu ở mức giá 105.800 đồng trị giá 26,45 tỷ đồng thì cũng đã xuất hiện thỏa thuận giá trần, khối lượng chỉ 50 nghìn đơn vị.

Tổng kết lại toàn phiên đầu tuần, hai sàn có 202 mã tăng, so 221 mã giảm. Thanh khoản duy trì cao với tổng cộng 138,29 triệu cổ phiếu giao dịch, tương ứng thanh khoản đạt 1.421,3 tỷ đồng. Trong đó, khối lượng giao dịch ở HSX đạt 66,85 triệu cổ phiếu ứng với 908,3 tỷ đồng còn tại HNX là 71,44 triệu, ứng với 513 tỷ đồng.

Thị trường điều chỉnh giữa lúc 30 cổ phiếu bluechip đã bắt đầu được giới thiệu tại nước ngoài. Nguyên nhân giảm chủ yếu do không còn được hỗ trợ mạnh từ khối ngoại và áp lực chốt lời khiến nhiều nhà đầu tư ngắn hạn đã bán cổ phiếu thu về tiền mặt.

Mai Chi