1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Vinashin từng bị cắt giảm từ 104 dự án xuống còn 13 dự án

(Dân trí) - Thực hiện tái cơ cấu tài chính, Vinashin đã từng bị cắt giảm từ 104 dự án xuống còn 13 dự án. Còn về khoản nợ hơn 86 nghìn tỷ đồng, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, số tiền này đang nằm trong các tài sản…

Vinashin từng bị cắt giảm từ 104 dự án xuống còn 13 dự án - 1
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh (ảnh Việt Hưng)
 
Phát biểu tại hội trường kỳ họp Quốc hội sáng 2/11, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, Vinashin hoạt động theo mô hình tập đoàn từ giữa năm 2006 đến đầu năm 2007, cho đến nay, Bộ này đã thực hiện 4 cuộc kiểm tra về quản lý vốn và tài sản.
 
Kết quả thanh tra, kiểm tra đã phát hiện Vinashin thành lập thêm quá nhiều công ty con, công ty cháu, đầu tư dự án dàn trải, cân đối nguồn không hợp lý và chủ yếu dựa vào vốn vay, vay lớn, nợ trên vốn chủ sở hữu là 13,7 lần. Việc phân bổ nguồn vốn dàn trải cho quá nhiều đơn vị trong khi hệ số khả năng thanh toán rất thấp…
 
Để chứng minh cho việc mua sắm tài sản không đúng quy định, Bộ trưởng cho hay: Như việc mua tàu, khi trình lên Thủ tướng là mua tàu thì Thủ tướng đã có văn bản yêu cầu là không được mua mà phải đóng, nhưng Vinashin vẫn mua tàu.
 
Hay như xây dựng hệ thống cảnh báo, ngay việc Báo cáo của Ủy ban kiểm tra Trung ương về kết quả kiểm tra của Vinashin cũng đã kết luận quyết định đầu tư vốn một cách tràn lan, không xác định đúng trọng tâm, trọng điểm các dự án đầu tư. Trong khi đó, việc xem xét, phê duyệt danh mục dự án rất chung chung, không bám sát vào mục tiêu đầu tư chính của tập đoàn.
 
Trước tình hình đó, ngay từ năm 2008, Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo yêu cầu yêu cầu Hội đồng quản trị của Vinashin phải tập trung rà soát và đầu tư vào các dự án trọng điểm có chiến lược phát triển và đóng tàu phục vụ cho xã hội, đồng thời rà soát lại, cắt giảm các dự án đầu tư.
 
Đáng chú ý là ngày 14/7/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định thành lập Tổ tái cơ cấu tài chính đối với Vinashin, sau đó là ban hành quyết định các giải pháp tái cơ cấu Vinashin.
 
Thực hiện quyết định này Vinashin đã báo cáo với Ban chỉ đạo và Tổ công tác cắt giảm số dự án đầu tư từ 104 dự án xuống còn 40 dự án. Sau đó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục rà soát cắt giảm xuống 28 dự án, đến nay cắt giảm xuống 13 dự án và đàm phán với các chủ nợ để cơ cấu lại nợ, cân đối lại dòng tiền.
 
Đến ngày 18/6/2010 Thủ tướng đã ban hành Quyết định 926 về tái cơ cấu lại toàn diện Tập đoàn Vinashin, trong đó có việc chuyển giao một số doanh nghiệp dự án cho dầu khí và cho Vinalines… nhằm tháo gỡ dần những khó khăn.
 
Trong báo cáo của mình, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cũng đã đề cập đến khoản nợ hơn 86 nghìn tỷ đồng của Vinashin hiện đang nằm ở đâu? Theo số liệu của Bộ Tài chính nắm được từ Hội đồng quản trị Vinashin báo cáo Ban chỉ đạo tái cơ cấu, thì đến thời điểm 30/6/2010, tài sản trên sổ sách hiện nay của Vinashin là 103.774 tỷ đồng, lớn hơn khoản nợ hiện nay.
 
“Như vậy tiền vay này nó đang nằm trong các tài sản, các dự án, cũng có thể có dự án thì hiệu quả và có dự án chưa hiệu quả, hiện nay Chính phủ đang yêu cầu các cơ quan kiểm toán đánh giá lại các giá trị của tài sản này” - Bộ trưởng Ninh nói.
 
Lan Hương - Cấn Cường