1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Vinalines xin giảm chi phí đầu tư đội tàu còn 68.000 tỷ

(Dân trí) - Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vừa có văn bản gửi Bộ GTVT giải trình kế hoạch đầu tư đội tàu giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020. Trong đó, Vinalines xin giảm chi phí đầu tư từ 100.000 tỷ đồng xuống 68.000 tỷ đồng.

Giảm bất ngờ

Việc xin giảm chi phí đầu tư đội tàu của Vinalines được phát đi chiều tối 10/5 được cho là động thái bất ngờ sau nhiều ngày ồn ào vì kết luận Thanh tra Chính phủ về chuyện lỗ, lãng phí và hàng loạt sai phạm trong đầu tư phát triển của Vinalines. Đặc biệt, trước đó Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cũng đã phê duyệt Đề án Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa (CNH-HĐH) Bộ GTVT, trong đó mức chi phí đầu tư đội tàu lên tới 100.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Cảnh Việt - Tổng Giám đốc Vinalines cho biết, giá cước vận tải biển ở mức thấp là lí do chính để Tổng Công ty điều chỉnh kế hoạch đầu tư tàu đến năm 2020.
 
Vinalines xin giảm chi phí đầu tư đội tàu còn 68.000 tỷ

Chi phí đầu tư đội tàu của Vinlines giảm từ 100.000 tỷ đồng xuống còn 68.000 tỷ đồng
(ảnh minh họa: Internet)

Vinalines cho biết, nhiều đánh giá về kinh tế thế giới và triển vọng tăng trưởng của thị trường vận tải biển gần với thời điểm xây dựng kế hoạch này, dự báo giá cước có thể phục hồi vào cuối năm 2012 và tăng trở lại trong giai đoạn 2016-2020. Vì thế trong tương lai đơn vị này sẽ tiếp tục đầu tư vào các tàu trẻ, có tính năng khai thác hiện đại, đáp ứng yêu cầu của các công ước quốc tế.

“Theo kế hoạch thì trong thời gian tới Vinalines sẽ đầu tư khoảng 1,5 triệu DWT với tổng mức đầu tư khoảng 30.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2011 - 2015, và 3,5 triệu DWT với tổng mức đầu tư khoảng 70.000 tỷ đồng giai đoạn 2016 - 2020, thông qua hình thức mua tàu đang khai thác và đóng mới trong nước.” - ông Nguyễn Cảnh Việt cho hay.

Căn cứ vào diễn biến của thị trường và tình hình tài chính thực tế, Vinaline đã xây dựng lại kế hoạch đầu tư tàu giai đoạn 2011 - 2015, định hướng 2020 trong quá trình hoàn thiện dự thảo Đề án đổi mới, sắp xếp Tổng Công ty báo cáo Bộ GTVT trình Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, giai đoạn từ 2011 - 2015 Vinalines chỉ đầu tư khoảng 1,1 triệu DWT với 22 nghìn tỷ đồng, trong đó có 29 tàu đóng mới, với tổng tải trọng hơn 920.000 DWT và mua tàu đang khai thác khoảng 190.000 DWT. Đến năm 2015, trọng tải đội tàu của Vinalines đạt khoảng 3,9 triệu DWT, tương đương khoảng 44% trọng tải đội tàu quốc gia.

Giai đoạn 2016 - 2020, Vinalines dự kiến nền kinh tế thế giới cũng như vận tải biển bắt đầu hồi phục, các doanh nghiệp vận tải biển sẽ có điều kiện tăng tích lũy. Vì thế giai đoạn này Vinalines sẽ đầu tư khoảng 2,5 triệu DWT, với khoảng 46 nghìn tỷ đồng thông qua hình thức mua và đóng mới trong nước. Đến 2020, trọng tải đội tàu của Vinalines 5,6 triệu DWT, cũng tương đương khoảng 44% tổng tải trọng tàu quốc gia.

Vinalines thừa nhận nóng vội trong đầu tư phát triển

Gần một tuần sau khi Thanh tra Chính phủ kết luận về việc lãi giải lỗ thật của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) giai đoạn 2007 - 2010, Tổng Công ty này đã có những phản hồi đầu tiên và thừa nhận đã nóng vội trong hoạt động đầu tư phát triển. Tuy nhiên, Vinalines cho rằng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vận tải biển chủ lực treo cờ Việt Nam giai đoạn 2007 - 2010 cần đặt trong bối cảnh của đợt suy giảm đột ngột và kéo dài của thị trường vận tải biển quốc tế.

Ông Lê Triêu Thanh - Phó Tổng Giám đốc Vinalines nêu lên những lí do khiến Tổng Công ty thua lỗ là do giá cước vận tải biển quốc tế giảm mạnh từ gần 14.000 điểm (tháng 7/2008) xuống còn gần 800 điểm vào cuối năm 2008 và duy trì mức thấp này trong suốt năm 2011.

“Chi phí đầu vào như liên liệu, lãi vay, sửa chữa, nhân công luôn ở mức cao. Có những thời điểm Tổng Công ty phải chấp nhận mức lãi suất 20%/năm để đảm bảo nguồn vốn lưu động duy trì hoạt động của đội tàu. Giá dầu cũng liên tục tăng, năm 2011 đạt tương đương với mức giá năm 2007-2008, trong khi mức cước năm 2011 lại chỉ bằng 10% mức cước cao nhất năm 2008. Trong bối cảnh đó, lần đầu tiên trong 15 năm thành lập và hoạt động Vinalines có mức lợi nhuận âm.” - ông Thanh lý giải.

Ông Thanh cũng dẫn ra trong điều kiện thị trường suy giảm kéo dài, không chỉ có Vinalines mà nhiều hãng vận tải lớn trên thế giới như Maersk, NYK, MOL, China Shipping cũng báo lỗ. Thậm chí, một số hãng như MISC đã phải quyết định chấm dứt hoạt động liner do số lỗ lũy kế quá lớn.

Chưa hết, nói thêm về nguyên nhân khách quan “vấp” phải dẫn đến thua lỗ, vị phó “tướng” của Vinalines cũng nhấn mạnh đến việc điều chuyển nguyên trạng một số doanh nghiệp và dự án đầu tư của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) về Vinalines trong quá trình tái cơ cấu.

Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với báo chí đại diện Vụ Tài chính - Bộ Giao thông Vận tải cho biết việc không thống nhất được cách tính khấu hao giá trị đội tàu là nguyên nhân dẫn tới sự khác biệt liên quan tới kết quả kinh doanh năm 2009 - 2010 mà Vinalines công bố với số liệu của Thanh tra Chính phủ.

Nói về “cánh cửa” phát triển cho Vinalines, ông Đỗ Xuân Quỳnh - Tổng Thư ký Hiệp hội chủ tàu Việt Nam, đánh giá: “Vào thời điểm hiện tại không thể đánh giá rằng với những lợi thế không thể phủ nhận, Vinalines sẽ sớm tìm thấy cửa phát triển khi thị trường vận tải biển phục hồi trong 2 - 3 năm tới. Nhưng, nếu không sớm tái cơ cấu lại đội tàu, nghiêm khắc xem lại cung cách đầu tư thì đội tàu biển của Vinalines đang đứng trước nguy cơ tan rã là điều có thể xảy ra trong thời gian tới”.

Quỳnh Anh 

Dòng sự kiện: Sai phạm tại Vinalines