1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Vinacomin tiếp tục bị S&P hạ xếp hạng tín nhiệm

(Dân trí) - Mặc dù bị hạ 1 bậc trong xếp hạng song Vinacomin vẫn được S&P giữ triển vọng ổn định. Các dự án điện có thể mang lại luồng tiền trong 3 năm tới, song nguồn từ than vẫn sẽ đại diện cho 75% lợi nhuận Tập đoàn ít nhất đến 2014.

Ngày 22/11, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Standard & Poor's (S&P) công bố việc hạ bậc xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp dài hạn của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) từ BB- xuống B+.

Tuy nhiên, triển vọng của Tập đoàn vẫn được giữ ở mức ổn định. Ngoài ra, S&P còn hạ xếp hạng sức mạnh tài chính độc lập của Vinacomin từ bb- xuống b+. Trong khi đó, xếp hạng tín nhiệm dài hạn theo thang đo khu vực Đông Nam Á (ASEAN) của Vinacomin giữ nguyên ở mức axBB.

S&P lưu ý rằng, triển vọng này cho thấy rủi ro tài chính của Vinacomin dù vẫn ổn định nhưng ở mức độ yếu hơn trong vòng hai năm tới. Còn việc hạ xếp hạng trong bối cảnh hiện tại dựa trên đánh giá của S&P cho rằng, tình hình tài chính của Vinacomin sẽ gặp nhiều rủi ro hơn do chi phí vốn lớn và lợi nhuận từ kinh doanh mặt hàng than bị giảm sút.

Vinacomin bị S&P hạ xếp hạng
Dòng tiền mặt hoạt động tự do của Vinacomin sẽ tiếp tục duy trì ở mức âm cho tới ít nhất năm 2014 và Vinacomin sẽ phát hành trái phiếu doanh nghiệp để tài trợ cho các khoản đầu tư.

S&P dự báo hệ số nợ/EBITDA của Vinacomin sẽ tăng từ mức 2.8x trong năm 2011 lên hơn 4.0x và hệ số FFO/nợ sẽ giảm mạnh từ 24% xuống khoảng 15% trong vòng hai năm tới, phù hợp với xếp hạng “B+”.

S&P cho rằng, Vinacomin sẽ chi 10.000 -11.000 tỷ đồng (khoảng 500 triệu USD) trong năm 2012, 2013 và 2014 để hoàn thành các dự án năng lượng, kim loại và khoáng sản phi than cũng như mở rộng hoạt động sản xuất than.

Chi phí đầu tư theo ước tính của S&P thấp hơn so với dự kiến ban đầu của Vinacomin ở vào khoảng 15.000 -20.000 tỷ đồng, chủ yếu do S&P dự trù cả phần chậm trễ trong giải ngân dự án và những phát sinh ở một số công ty mở rộng năng lực sản xuất. Tuy nhiên, dòng tiền mặt hoạt động tự do của Vinacomin sẽ tiếp tục duy trì ở mức âm cho tới ít nhất năm 2014 và Vinacomin sẽ phát hành trái phiếu doanh nghiệp để tài trợ cho các khoản đầu tư.

Đồng thời, tổ chức này cũng nhìn nhận, hoạt động kinh doanh than của Vinacomin đang dần sinh lợi ít hơn và dòng tiền sẽ cạn kiệt trong 2 năm tới. Nguyên nhân do phần lớn lượng than công ty bán ra ở thị trường trong nước bị định giá thấp hơn giá thị trường.

Dự kiến, biên lợi nhuận (EBITDA = Doanh thu  - Các khoản chi phí (trừ tiền trả lãi, thuế, khấu hao)) sẽ vào khoảng 10.000 - 12.000 tỷ đồng trong năm 2013 và 2014. Quỹ từ các hoạt động (FFO - Funds from Operations) của Tập đoàn dự tính sẽ có khoảng 7.500 - 9.000 tỷ đồng mỗi năm cho đến 2014.

Theo nhận định của S&P, các dự án điện của Tập đoàn có thể sẽ đóng góp vào dòng tiền tương lai trong 3 năm tới, tuy nhiên, nguồn từ than vẫn sẽ đại diện cho 75% lợi nhuận ít nhất cho đến năm 2014.

S&P cho biết, không thể đưa ra dự báo về những đóng góp của các dự án khai thác alumina và phi than đá của Vinacomin giai đoạn từ nay tới 2014 do những dự án này vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm.

Tổ chức này cho rằng, EBITDA và các dòng tiền của Tập đoàn trong nửa cuối năm vẫn còn yếu do hệ quả của giảm giá than từ tháng 5/2015. Chuyên gia phân tích tín dụng của S&P Xavier Jean nói, trong 2 năm tới, tình hình tài chính của Vinacomin sẽ còn yếu hơn.

Vinacomin sẽ có thể bị hạ bậc tín nhiệm tiếp nếu tình trạng tín dụng hoặc thanh khoản của công ty trở nên xấu đi do sự chậm trễ hoặc do chi phí vấn hành quá lớn trong quá trình mở rộng hoạt động, những phát sinh bất lợi hoặc giá than sụt giảm thêm. Nếu tỉ lệ FFO/nợ dưới 10% sẽ cho thấy sự xuống cấp của Tập đoàn.

Một số chỉ tiêu có thể sẽ ảnh hưởng đến điều này đó là doanh số tại thị trường nội địa cao hơn hoặc giá than xuất khẩu tiếp tục sụt giảm ảnh hưởng đến tổng lợi nhuận trước khấu hao và khấu hao trên mỗi tấn than giảm xuối dưới 12 USD trong hơn 12 tháng, trong khi tổng khối lượng xuống dưới 44 triệu tấn.

Bên cạnh đó, phần chi phí vốn của Tập đoàn nếu vượt quá dự báo của cơ quan xếp hạng trong 2 năm tới cũng là yếu tố có thể khiến Vinacomin bị hạ bậc.

Ngược lại, triển vọng tích cực có thể được tính đến nếu tỷ lệ FFO/nợ được cải thiện trên 25% trong hơn 18 tháng tới. Tính khả thi của mục tiêu này phụ thuộc vào tổng lợi nhuận trước khấu hao và khấu hao trên mỗi tấn than bán duy trì hơn 20 USD, trong khi tổng khối lượng hàng bán vẫn trên 46 triệu tấn ít nhất trong 12 tháng. Hoặc khi chi phí vốn cơ bản thấp hơn dự kiến của S&P.

Bích Diệp