1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Việt Nam tiếp tục dẫn đầu về lạc quan tăng trưởng kinh tế

(Dân trí) - Ngân hàng HSBC vừa công bố kết quả khảo sát về mức độ tin tưởng của doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) trên toàn thế giới, theo đó Việt Nam có chỉ số lạc quan cao nhất về tình hình tăng trưởng kinh tế.

Việt Nam tiếp tục dẫn đầu về lạc quan tăng trưởng kinh tế - 1
Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã sẵn sàng tăng đầu tư vốn, tuyển dụng nhân sự mới.
 
Cuộc khảo sát của HSBC về mức độ tin tưởng của DNVVN được thực hiện định kỳ 2 lần/năm nhằm tìm hiểu nhận định của các DNVVN về tình hình tăng trưởng kinh tế địa phương, kế hoạch đầu tư vốn và tuyển dụng trong sáu tháng tới.
 
Cuộc khảo sát lần thứ 6 này là cuộc khảo sát có qui mô lớn nhất từ trước đến nay, ghi nhận ý kiến của hơn 6.300 DNVVN trên 21 thị trường tại Châu Á, Trung Đông, Châu Âu, Bắc Mỹ và Mỹ Latinh.
 
Việt Nam - Quốc gia có chỉ số lạc quan cao nhất
 
Lần đầu tiên từ sau cuộc khủng hoảng tài chính, toàn bộ thị trường Châu Á được khảo sát đều có cái nhìn lạc quan về tình hình tăng trưởng kinh tế địa phương, nhân sự và cả các kế hoạch đầu tư vốn.
 
Chỉ số lạc quan, tin tưởng của Châu Á được giữ vững ở mức 121 (so với mức 122 của cuộc khảo sát thực hiện vào quý IV/2009). Trong đó, Việt Nam là quốc gia có chỉ số lạc quan cao nhất, đạt 164 - đứng đầu trong khu vực Châu Á, theo sau là Singapore (136), Trung Quốc (123) và Ấn Độ (121). Đài Loan tăng thêm 6 điểm từ 97 lên 130, đưa thị trường này lần đầu tiên trở lại ngưỡng lạc quan kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính.
 
Nhận định về tình hình tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng tới, phần lớn các DNVVN Việt Nam đều lạc quan, với tỷ lệ gia tăng các doanh nghiệp tin rằng độ tăng trưởng sẽ cao hơn (77% vào quý II/2010 so với 71% vào quý IV/2009). Trong khi đó 16% tin rằng độ tăng trưởng sẽ không đổi, chỉ có 7% cho rằng độ tăng trưởng sẽ chậm lại trong 6 tháng tới.
 
Các DNVVN Việt Nam có niềm tin lớn vào Chính phủ khi phần lớn các doanh nghiệp được hỏi (48%) cho rằng các chính sách của Chính phủ là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiếp theo sau là nhu cầu gia tăng của thị trường nội địa (25%). 70% các DNVVN Việt Nam cho biết, họ sẽ tăng đầu tư vào các hoạt động kinh doanh (tăng lên từ 66% của quý IV/2009), 29% sẽ duy trì ở mức cũ và chỉ có 3% có kế hoạch cắt giảm đầu tư.
 
Xét triển vọng về kế hoạch tuyển dụng, các DNVVN tại Việt Nam tiếp tục có nhận định lạc quan khi 58% (so với 54% trong quý IV/2009) đang lên kế hoạch tuyển dụng thêm nhân sự, 39% giữ nguyên số nhân viên và chỉ một số ít (3%) cho biết họ sẽ cắt giảm nhân sự.
 
Ông Huỳnh Bửu Quang, Giám đốc toàn quốc Khối dịch vụ tài chính doanh nghiệp Ngân hàng HSBC Việt Nam cho biết: “Mặc dù mức độ lạc quan tăng thấp hơn so với cuộc khảo sát lần trước nhưng Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí hàng đầu trên bảng xếp hạng trong số 21 thị trường được khảo sát. Điều đó chứng tỏ rằng các DNVVN Việt Nam vẫn lạc quan về nền kinh tế địa phương, mặc cho những biến động gần đây của nền kinh tế toàn cầu”.
 
Dấu hiệu vững chắc của tăng trưởng kinh tế toàn cầu
 
Theo kết quả khảo sát trên, mức độ lạc quan toàn cầu tăng từ 111 điểm lên 118 điểm, trong đó chỉ số lạc quan của các thị trường mới nổi (122) cao hơn các thị trường phát triển (115). So với kết quả khảo sát vào quý IV/2009, chỉ số của các thị trường phát triển tăng 9 điểm, từ 106 lên 115, qua đó cho thấy những dấu hiệu tích cực ngày càng gia tăng.
 
Hầu hết các thị trường trên toàn cầu đều có nhận định lạc quan, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu với 138 điểm, theo sau là Trung Đông (132), Trung Quốc (121), Ấn Độ (121), Đông Nam Á (119), Bắc Mỹ (119), Mỹ Latinh (118) và Châu Âu (99). So với kết quả khảo sát vào quý IV/2009, Thổ Nhĩ Kỳ đã có bước nhảy vọt khi tăng đến 21 điểm, theo sau là Bắc Mỹ (12 điểm) và Trung Đông ( 7 điểm).
 
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, 56% các DNVVN tin tốc độ tăng trưởng sẽ cao hơn, con số này tại Trung Đông là 49%, theo sau là Đông Nam Á (47%), Bắc Mỹ (30%), Mỹ Latinh (28%), Ấn Độ (27%) và Trung Quốc mở rộng (gồm Trung Hoa đại lục, Hồng Kông và Đài Loan - chiếm 24%). Ở các thị trường Tây Âu, chỉ có 10% các doanh nghiệp tin rằng tốc độ tăng trưởng sẽ cao hơn.
 
Về triển vọng đầu tư vốn, đa số các DNVVN trên toàn thế giới (87%) đang lên kế hoạch tăng đầu tư vào các hoạt động kinh doanh (41%) hay duy trì ở mức cũ trong vòng 6 tháng tới (46%). Khu vực dẫn đầu trong việc lên kế hoạch gia tăng đầu tư vào các hoạt động kinh doanh bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ (52%), Trung Đông (50%), Đông Nam Á (46%), Mỹ Latinh (43%) và Trung Quốc mở rộng (36%).
 
Bản báo cáo từ HSBC còn chỉ ra rằng, hoạt động kinh doanh quốc tế luôn tiềm ẩn nhiều thử thách đối với các DNVVN. Tuy nhiên, các thử thách này cũng luôn thay đổi theo thời gian cùng với sự biến đổi của thị trường.
 
Trong cuộc khảo sát lần thứ 6 này của HSBC về mức độ tin tưởng của DNVVN, rào cản lớn nhất đối với các DNVVN trong hoạt động kinh doanh quốc tế đã chuyển từ “tình hình thị trường tài chính không ổn định” sang “lo ngại về các giao dịch ngoại tệ”.
 
Nguyễn Hiền