1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Việt Nam đứng top đầu thế giới về vi phạm bản quyền phần mềm

(Dân trí) - Tại Việt Nam, tỉ lệ vi phạm bản quyền đứng thứ 16 trong năm 2010, với tổng giá trị thương mại của phần mềm bất hợp pháp ước đạt khoảng 412 triệu đôla Mỹ.

Việt Nam được xem là thị trường tiềm năng cho các nhà đầu tư nước ngoài trong khu vực, vì vậy, tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm cao thực sự gây thiệt hại lớn cho đất nước.
Việt Nam đứng top đầu thế giới về vi phạm bản quyền phần mềm - 1

Cơ quan chức năng kiểm tra tình trạng sử dụng bản quyền phần mềm tại một đơn vị (Ảnh minh họa)

Trong báo cáo phần mềm bất hợp pháp năm 2010 của BSA/IDC có đến 59% người sử dụng máy tính cá nhân trên toàn cầu nói rằng việc bảo vệ quyền SHTT mang lại lợi ích cho kinh tế địa phương, và 61% người dùng trên toàn cầu cho rằng việc tuân thủ quyền SHTT tạo ra việc làm.

Tỉ lệ vi phạm phần mềm trên toàn cầu là 42%, giảm từ 43% trong năm 2009. Tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm tại các nước đang phát triển cao gấp 2.5 lần so với các nước phát triển, và giá trị thương mại của phần mềm bất hợp pháp (31,9 tỉ đôla Mỹ) chiếm hơn một nửa tổng giá trị trên thế giới.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, công ty VMG chia sẻ: “Chúng ta nên có tầm nhìn đúng đắn về sự quan trọng của SHTT, đặc biệt khi Việt Nam gia nhập sân chơi quốc tế. Sở hữu Trí tuệ (SHTT) quan trọng đối với cả người tiêu dùng lẫn xã hội, nó không những giúp bảo vệ người tiêu dùng khỏi các thiệt hại do những sản phẩm bất hợp pháp gây ra, mà còn ủng hộ sự phát triển của dòng chảy liên tục các sản phẩm phần mềm cải tiến và mang tính cạnh tranh, đưa ra các sản phẩm, dịch vụ phục vụ lợi ích người tiêu dùng”

Theo kết quả nghiên cứu của Frontier Economics được công bố trong Hội nghị Toàn cầu năm nay thì hậu quả kinh tế, xã hội của phần mềm bất hợp pháp sẽ gây ra thiệt hại 1,7 nghìn tỉ USD vào năm 2015 và đẩy 2,5 triệu người có việc làm hợp pháp vào nguy cơ mất việc mỗi năm.

Báo cáo Ảnh hưởng Kinh tế Xã hội Toàn cầu của nạn sao chép và vi phạm bản quyền cũng ước tính rằng nền kinh tế thế giới sẽ bị thiệt hại 1,7 nghìn tỉ USD vào năm 2015. Các nền kinh tế của khối G20 sẽ mất khoảng 77,5 tỉ USD doanh thu thuế và 2,5 triệu việc làm do nạn sao chép lậu và vi phạm bản quyền gây ra.

Theo khuyến cáo của Microsoft Việt Nam, “Người tiêu dùng và các doanh nghiệp nên nhận ra những lợi ích của việc sử dụng phần mềm có bản quyền.Việc đầu tiên là giúp bảo vệ họ khỏi các mã độc và virus, ngoài ra cũng khuyến khích những cải tiến, đổi mới, tạo sân chơi bình đẳng và tạo thêm việc làm tại địa phương”.

Việc quyết định dùng phần mềm có bản quyền không chỉ đơn thuần là đầu tư ban đầu. Người sử dụng nên xem xét đến các yếu tố như được hỗ trợ thường xuyên, được cập nhật các phần mềm mới nhất và danh tiếng về việc tôn trọng bản quyền SHTT khi quyết định dùng phầm mềm không có bản quyền.

Doanh nghiệp có thể tiết kiệm được chút chi phí đầu tư ban đầu bằng việc sử dụng phần mềm không có bản quyền, tuy nhiên họ sẽ phải tốn chi phí lớn để khắc phục những hậu quả dài hạn do việc sử dụng phần mềm không bản quyền gây ra.

Thảo Nguyên