1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

“Việt Nam đang nổi lên thành thị trường bán lẻ quan trọng”

(Dân trí) - Triển vọng này nhờ vào lực lượng dân số trẻ chiếm phân nửa trong tổng dân số 92 triệu người và thu nhập trung bình hàng năm (2.200 USD/ năm theo ghi nhận trong năm 2016) được kỳ vọng sẽ tăng nhanh trong trung hạn.

Tại báo cáo kinh tế vĩ mô vừa được HSBC công bố, tổ chức này đánh giá, trong 5 tháng đầu năm, các điều kiện hoạt động trong lĩnh vực sản xuất - nền tảng tăng trưởng của Việt Nam - đang cho thấy tăng trưởng sẽ còn tiếp tục. Điều này thể hiện qua sản lượng đầu ra, công ăn việc làm, đơn hàng mới (bao gồm cả tổng đơn hàng và đơn hàng từ nước ngoài) tiếp tục gia tăng.

Tuy vậy, HSBC cho rằng sẽ có sự sụt giảm nhẹ vì tốc độ tăng trưởng của những yếu tố cơ bản này đang trượt xuống mức thấp trong nhiều tháng. Bên cạnh đó, lòng tin của các nhà sản xuất đang ở mức thấp nhất trong gần 4 năm.

Việt Nam đang nhanh chóng nổi lên như là một thị trường quan trọng đối với lĩnh vực bán lẻ.
Việt Nam đang nhanh chóng nổi lên như là một thị trường quan trọng đối với lĩnh vực bán lẻ.

Theo HSBC, chỉ số PMI thấp hơn trước không đáng lo ngại (PMI toàn phần đạt 51,6, giảm từ mức 54,1 của tháng trước) khi các chỉ số thường kỳ khác như thương mại và bán lẻ vẫn thể hiện tăng trưởng mạnh. Cũng như mọi khi, xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài vẫn mạnh mẽ hơn khu vực trong nước. Trong khi đó, cầu nội địa duy trì ở mức khá cao.

Bổ sung cho tăng trưởng mạnh trong lĩnh vực bán lẻ, doanh số bán xe hơi (một chỉ số được đánh giá là hữu dụng đối với xu hướng chi tiêu nội địa) đã tăng trung bình 12,4% so với cùng kỳ năm dù thuế và phí cao đã triệt tiêu tác dụng của thuế quan được dỡ bỏ và khiến cho giá xe tăng lên.

Thị trường bất động sản cũng hồi phục mạnh mẽ do có vốn từ các ngân hàng, khối đầu tư nước ngoài và người mua là người Việt Nam sống ở nước ngoài. Hà Nội đạt tăng trưởng 14% giao dịch thành công trong tháng 5 so với tháng trước trong khi doanh số bán căn hộ đang tăng (5% so với cùng kỳ tháng trong tháng 4).

Như vậy, mặc dù chỉ số PMI đã yếu đi trong tháng 5, khu vực nội địa vẫn vững vàng trong suốt tháng, thể hiện qua sự tăng trưởng tốt về doanh số bán lẻ với mức tăng trong tháng 5 đạt 13,1% so cùng kỳ năm, từ mức 13,5% của tháng trước. Tăng trưởng doanh số bán lẻ sau khi điều chỉnh theo lạm phát trong suốt tháng đạt 9,9% so cùng kỳ năm, từ mức 9,2% của tháng trước.

Báo cáo cho biết, Việt Nam xếp thứ 6 về Chỉ số tăng trưởng bán lẻ toàn cầu (GRDI) , từ vị trí thứ 11 năm ngoái. Bước “nhảy vọt” 5 bậc trong năm nay nhờ vào việc nới lỏng các rào cản đối với đầu tư trong thời gian gần đây.

Theo HSBC, lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam có quy mô tương đối nhỏ, với doanh thu hằng năm chỉ vào khoảng 90 tỷ USD (năm 2016), thu nhập khả dụng không quá cao vì nền kinh tế vừa thoát khỏi tình trạng “thu nhập thấp”. Nhưng điều đáng chú ý là Việt Nam đang nhanh chóng nổi lên như là một thị trường quan trọng đối với lĩnh vực bán lẻ.

Triển vọng này nhờ vào lực lượng dân số trẻ chiếm phân nửa trong tổng dân số 92 triệu người và thu nhập trung bình hằng năm (2.200 USD/ năm theo ghi nhận trong năm 2016) được kỳ vọng sẽ tăng nhanh trong trung hạn.

“Sự kết hợp giữa sự gia tăng nhanh chóng về thu nhập bình quân của người tiêu dùng Việt và sự nới lỏng các luật lệ đang tạo ra một môi trường hoàn hảo giúp lĩnh vực bán lẻ phát triển mạnh mẽ”, theo HSBC.

Bích Diệp