1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Việt Nam chủ động tham gia "cuộc chơi" TPP một cách sòng phẳng

(Dân trí) - Lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định, khi các cam kết hội nhập được thực thi sẽ giúp tăng cường năng lực sản xuất nội địa để giảm bớt phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu cũng như sản phẩm nhập khẩu đầu vào từ thị trường Trung Quốc và một số thị trường khác.

Việt Nam bắt buộc phải tính đến yếu tố chủ động hơn nữa sự đa dạng của thị trường thông qua tái cơ cấu, nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cùng hàng loạt các chính sách vĩ mô của Nhà nước.
Việt Nam bắt buộc phải tính đến yếu tố chủ động hơn nữa sự đa dạng của thị trường thông qua tái cơ cấu, nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cùng hàng loạt các chính sách vĩ mô của Nhà nước.

"Hụt hẫng" vì Trung Quốc phá giá Nhân dân tệ

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, nửa đầu năm 2015, tăng trưởng xuất khẩu có những bước chưa đạt được kì vọng. Tình trạng tăng trưởng xuất khẩu thấp hơn dưới 9% kéo dài suốt trong những tháng đầu năm 2015 đã khiến 6 tháng đầu năm chưa đạt được cả về mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu và cả mục tiêu xuất siêu.

"Chúng ta đã chứng kiến những nỗ lực rất lớn của nền kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh thương mại toàn cầu và thương mại khu vực đang phải chịu đựng những ốm yếu do nền kinh tế thế giới. Nhiều nền kinh tế trên thế giới đang có những vấn đề nội tại cũng như trong quan hệ chung với kinh tế toàn cầu. Thương mại toàn cầu không đạt được tăng trưởng cao và rất nhiều quốc gia xuất khẩu có độ mở lớn, trong đó tại các quốc gia đang phát triển ở khu vực Đông Nam Á và Châu Á đều thấy tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu ở mức độ rất thấp, thậm chí là âm", Thứ trưởng nói.

Theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, tăng trưởng của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm có được cải thiện và tháng sau cũng tốt hơn tháng trước. Tuy nhiên, trong tháng 8, Trung Quốc đã đột ngột thay đổi tỷ giá của đồng Nhân dân tệ không chỉ một lần gây ra không ít những hụt hẫng, bất ngờ và những tác động bước đầu tạo ra những bất lợi lớn cho các ngành hàng, sản phẩm của Việt Nam.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng, cơ quan điều hành đã có sự phản ứng rất linh hoạt, nhanh nhạy để đối phó với biến động trên thế giới, đặc biệt là sự chỉ đạo của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước trong việc điều chỉnh tỷ giá đồng ngoại tệ đối với đồng USD.

"Điều chỉnh này cũng đã giúp cho doanh nghiệp thuận lợi hơn trong khắc phục những thách thức cũng như khó khăn nhất thời do vấn đề tỷ giá giữa đồng Nhân dân tệ tác động vào thị trường tiền tệ thế giới, cũng như tác động vào thị trường thương mại thế giới, trong đó có những thị trường có liên quan đến những ngành hàng lớn của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy sản như thị trường Nhật Bản, châu Âu, Mỹ…", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Mục tiêu cân bằng thương mại với Trung Quốc

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, phản ứng linh hoạt trong điều hành kinh tế vĩ mô thông qua điều chỉnh tỷ giá nội tệ đã giúp cho các doanh nghiệp trước mắt khắc phục khó khăn. Trước mắt và trong ngắn hạn thì những thay đổi về mặt tỉ giá của đồng Nhân dân tệ và USD đã không tác động nhiều đến cạnh tranh sản phẩm của Việt Nam.

Tuy nhiên, xét về lâu dài thì do nền kinh tế và các sản phẩm Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào hàng nhập khẩu, đặc biệt là các sản phẩm của công nghiệp hỗ trợ như dệt may, da giày và một số ngành công nghiệp khác phụ thuộc vào nguồn cung cấp trang thiết bị, máy móc, công nghệ từ Trung Quốc. Do vậy, trong ngắn hạn và trung hạn, Việt Nam chưa thể thay đổi ngay được mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa thị trường Việt Nam và thị trường Trung Quốc, trong đó phần nhập siêu sẽ nghiêng về phía Việt Nam.

"Và rõ ràng nếu Việt Nam chưa phát triển một cách lành mạnh công nghiệp hỗ trợ và đồng bộ cùng với đó là các ngành sản xuất và công nghiệp khác, đồng thời chưa nâng cao được trình độ công nghệ, hiệu quả về đầu tư đặc biệt liên quan đến năng suất lao động, thì Việt Nam sẽ còn phụ thuộc tương đối lớn vào thị trường Trung Quốc trong nhập khẩu các sản phẩm phục vụ cho ngành sản xuất, xuất khẩu và cả những mặt hàng sản xuất phục vụ thị trường nội địa cũng hàng tiêu dùng", Thứ trưởng Tuấn cho hay.

Vì vậy, Thứ trưởng cho rằng, chiến lược đa dạng hóa thị trường cùng các chiến lược thị trường của Việt Nam đến năm 2020 càng có ý nghĩa khi xác định được nhiệm vụ, yêu cầu và cả những biện pháp, giải pháp đã làm trước đó và lâu dài. Trong đó, Việt Nam phải tiếp tục hoàn thiện các chính sách không chỉ trong thương mại mà trong cả đầu tư sản xuất, trong công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng,… mới có thể tính đến cải thiện thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc, tiến tới cân bằng cán cân thương mại này.

"Trong khuôn khổ các FTA mà đã kí kết với nhiều quốc gia thì cũng cần phải hiểu với mức độ toàn cầu hóa ngày càng nhanh và sâu rộng và trong những nội dung hội nhập mà Việt Nam đã và đang đàm phán đã đặt ra những yêu cầu rất cao thì lợi thế về nguồn nguyên liệu, sản phẩm công nghiệp phụ trợ từ thị trường truyền thống khá thuận lợi như Trung Quốc chắc cũng sẽ không tồn tại lâu dài", ông Tuấn nhấn mạnh.

Ông cũng dẫn giải thêm rằng, do những quy tắc xuất xứ trong FTA đã nêu ra rất chặt chẽ và có những đòi hỏi cao. Chính vì vậy, Việt Nam bắt buộc phải tính đến yếu tố chủ động hơn nữa sự đa dạng của thị trường thông qua tái cơ cấu, nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cùng hàng loạt các chính sách vĩ mô của Nhà nước.

"Ở đây chúng tôi cho rằng, trong thời gian tới, chúng ta sẽ chứng kiến có thể có những thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn, thuận lợi hơn khi chúng ta thực thi các cam kết hội nhập. Đồng thời, cũng sẽ tăng cường năng lực sản xuất nội địa để giảm bớt phụ thuộc vào các nguồn nguyên liệu cũng như sản phẩm nhập khẩu đầu vào từ thị trường Trung Quốc và một số thị trường khác", lãnh đạo ngành công thương lạc quan nhìn nhận.

Phương Dung

Việt Nam chủ động tham gia "cuộc chơi" TPP một cách sòng phẳng - 2
Dòng sự kiện: Kết thúc đàm phán TPP