1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Việt Nam chi tiền nhập thuốc chữa bệnh nhiều hơn tiền nhập xe hơi

(Dân trí) - Trong nhóm các mặt hàng tiêu dùng Việt Nam nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2017, số chi nhập khẩu thuốc, nguyên liệu thuốc phòng và điều trị bệnh đã tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm 2016 và vượt qua cả mặt hàng nhập khẩu có giá trị lớn là xe ô tô nguyên chiếc.

Theo con số thống kê của Tổng cục Hải quan, thuốc và mặt hàng nguyên liệu bào chế thuốc tân dược là một trong những mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch lớn của Việt Nam trong 6 tháng qua, cụ thể Việt Nam đã phải chi hơn 1,56 tỷ USD (35.500 tỷ đồng) để nhập thuốc và nguyên liệu thuốc, kim ngạch tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm trước.

Thuốc nhập khẩu và nguyên liệu thuốc nhập về Việt Nam tăng mạnh
Thuốc nhập khẩu và nguyên liệu thuốc nhập về Việt Nam tăng mạnh

Tính trung bình, mỗi ngày Việt Nam phải chi gần 200 tỷ đồng nhập khẩu thuốc các loại về Việt Nam, tăng hơn 23 tỷ đồng so với bình quân 6 tháng năm 2016 (177 tỷ đồng/tháng)

Trong giỏ hàng hóa các mặt hàng tiêu dùng nhập khẩu, thuốc và nguyên liệu thuốc hiện có kim ngạch vượt cả kim ngạch nhập khẩu xe hơi nguyên chiếc về Việt Nam trong 6 tháng qua (1,2 tỷ USD). Đây là 1 trong 8 nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu cao nhất cả nước trong 6 tháng qua, khiến Việt Nam nhập siêu hơn 2,7 tỷ USD.

Trong các thị trường thuốc và nguyên liệu thuốc nhập khẩu, Việt Nam vẫn tập trung chủ yếu nhập từ Ấn Độ, Pháp, Đức, Mỹ và Trung Quốc,

Theo Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), công nghiệp dược của Việt Nam đang dừng lại ở gần mức độ 3 theo thang phân loại 5 mức phát triển, nghĩa là “công nghiệp dược nội địa sản xuất đa số thành phẩm từ nguyên liệu nhập”.

Phần giá trị sản xuất trong nước chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ do phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu làm thuốc. Quy mô canh tác vùng cây dược liệu mới chỉ khoảng 15.000 ha, và chỉ đáp ứng gần 30% nhu cầu sản xuất trong nước.

Bộ Công Thương cho biết, tiền thuốc bình quân đầu người của Việt Nam hiện nay tăng từ 6 USD/người/năm 2001 lên 37,97 USD/người/năm 2015. Con số này được đánh giá vẫn còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực và rất thấp so với thế giới (40 USD/người/năm 2008 và 117 USD/người/năm 2021).

Tuy nhiên, hiện các DN thuốc trong nước mới đáp ứng được khoảng 45% nhu cầu thị trường, còn lại phải nhập khẩu, giá trị nhập khẩu đã tăng lên mức 16%/năm, trong đó nguyên liệu thuốc nhập khẩu tới 90%, chủ yếu từ Trung Quốc (hơn 50%) và Ấn Độ 18%).

Hiện trong “Chiến lược Quốc gia Phát triển ngành dược Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, Chính phủ đã cam kết tăng tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước từ 50% ở cuối năm 2015 lên 80% ở năm 2020. Để hiện thực mục tiêu này, Chính phủ dành ưu tiên đầu tư tới 1,5 tỷ USD cho ngành dược trong 10 năm tới nhằm phát triển thị trường cây dược liệu, nhằm giảm sự phụ thuộc của Việt Nam vào thuốc nhập khẩu.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong hai thập kỷ (2015 – 2025), dân số trong tuổi lao động ở Việt Nam sẽ tăng lên mạnh mẽ, đạt mức xấp xỉ 65% trong tổng dân số. Ngược lại, tỷ lệ dân số cao tuổi sẽ bắt đầu tăng mạnh từ năm 2015 và đạt mức 26,1% tổng dân số năm 2050.

Lợi thế lao động trẻ nếu được đào tạo thành lao động có kỹ năng thì Việt Nam sẽ trở thành đối tác sản xuất tốt của các nước phát triển. Tuy nhiên, tỷ lệ dân số già cao tăng nhanh cũng khiến nhu cầu chăm sóc sức khỏe và sử dụng thuốc của Việt Nam ngày càng gia tăng, nhất là thuốc điều trị các bệnh mãn tính.

Chính vì vậy, Việt Nam cần đặt mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu thuốc lớn. Bên cạnh đó, thúc đẩy, liên kết chuỗi của các hãng dược phẩm trong nước và nước ngoài, các hãng dược phẩm có mặt tại Việt Nam và các hãng dược phẩm lớn của Ấn Độ, Israel hoặc Mỹ để tận dụng công nghệ, giảm phụ thuộc thuốc nhập khẩu.

Nguyễn Tuyền