1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Vì sao khối doanh nghiệp FDI nhập siêu?

(Dân trí) - Theo báo cáo liên Bộ 6 tháng đầu năm, khối DN FDI nhập siêu tới 1,83 tỷ USD, chiếm 27% tổng nhập siêu của cả nước. Bộ Công thương cho rằng tình trạng này là "đáng quan tâm" và cần thời gian để rà soát.

Vì sao khối doanh nghiệp FDI nhập siêu? - 1
Xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2010 (ảnh minh họa)

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên nhận định khối FDI nhập siêu một phần do phải nhập khẩu nhiều máy móc, thiết bị phụ tùng để sản xuất. Phần lớn trong số này là để phục vụ khai thác, thăm dò dầu khí.

Tuy nhiên, ông cũng cho biết tình trạng nhập siêu của khối FDI đáng quan tâm. "Hoạt động của doanh nghiệp FDI trong xuất nhập khẩu của Việt Nam là vấn đề rất đáng quan tâm vì thị phần của các đơn vị này trong một số lĩnh vực như vận tải phụ tùng, máy móc thiết bị, công nghiệp và mặt hàng chế biến chiếm tới 80-90%", ông Biên nhấn mạnh.

Ông Biên cho biết, Bộ Công Thương đã có kế hoạch làm việc với Bộ Kế hoạch & Đầu tư phân cấp quản lý đối với doanh nghiệp FDI theo hướng địa phương quản lý. Mục tiêu của Chính phủ là hút vốn đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực sản xuất.

Nhà nước không khuyến khích doanh nghiệp FDI đầu tư vào phi sản xuất vì không tạo ra hàng hóa, ngoại tệ phục vụ cho công tác bình ổn kinh tế vĩ mô. "Tôi cho rằng, cần có thời gian để rà soát các quy định liên quan đến thông tin về cơ cấu đầu tư, xuất nhập khẩu mà doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam", ông Biên nói.

Theo báo cáo liên Bộ, tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 42,3 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực 100% vốn trong nước đạt 19,4 tỷ USD, tăng 29,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 22,9 tỷ USD, tăng 31,1%.

Tình hình xuất khẩu đang diễn biến theo chiều hướng tích cực, bình quân mỗi tháng xuất khẩu 7,06 tỷ USD, cao hơn mức bình quân kế hoạch (6,62 tỷ USD/tháng).

Giá cả nhiều mặt hàng khoáng sản, nông sản tăng đã góp phần đáng kể vào tăng trưởng xuất khẩu. Theo đánh giá sơ bộ, tăng trưởng xuất khẩu do yếu tố tăng giá ước đạt 15,6% và tăng trưởng xuất khẩu do yếu tố tăng lượng ước đạt 14,7%.

Về nhập khẩu, tổng kim ngạch 6 tháng ước là 48,9 tỷ USD, tăng 25,8% so với cùng kỳ. Tổng nhập siêu 6 tháng đầu năm là 6,65 triệu USD, tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu là 15,7%, hiện đang thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra cho cả năm và mức phấn đấu của Chính phủ (không quá 16%).

Trong 6 tháng cuối năm, mục tiêu mà Bộ Công Thương đưa ra là tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa đạt trên 10% so với thực hiện năm 2010, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội thông qua; nhập siêu hàng hóa năm 2011 không vượt quá 16% so với tổng kim ngạch xuất khẩu.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cũng khẳng định, từ nay đến cuối năm, toàn ngành phải xác định xúc tiến xuất khẩu hàng hóa là nhiệm vụ trọng tâm. Vì vậy, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với các Hiệp hội ngành hàng, các địa phương xây dựng chương trình xúc tiến thương mại.

Bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu, các doanh nghiệp cũng cần phải quan tâm nhiều hơn đến thị trường nội địa, cần phải triển khai song song để duy trì tăng trưởng kinh tế.

Trước kiến nghị của đại diện các doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng về khó khăn về vốn, lãi suất cũng như vướng mắc từ các cơ quan quản lý, Thứ trưởng cũng cho biết sẽ tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có giải pháp tháo gỡ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội năm 2011.

LH