1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Vì sao doanh nghiệp và giới siêu giàu "mê mẩn" thiên đường thuế?

(Dân trí) - Lợi thế của các công ty này là mức thuế suất cho hoạt động của doanh nghiệp và hoạt động đầu tư gần như bằng 0. Các công ty và gia đình sẽ chuyển tài sản và thu nhập của họ đến đây để tối thiểu hóa số thuế phải nộp. Các thiên đường thuế thường không có yêu cầu gì về báo cáo tài chính cũng như tình hình hoạt động, quản trị của các công ty.

Các cá nhân, tổ chức chuyển thu nhập và tài sản đến các thiên đường thuế để tối thiểu hóa số thuế phải nộp
Các cá nhân, tổ chức chuyển thu nhập và tài sản đến các thiên đường thuế để tối thiểu hóa số thuế phải nộp

Sau khi danh tính 189 người Việt và 19 công ty liên quan được công bố trong hồ sơ Panama, thông tin này ngay lập tức đã thu hút đông đảo sự quan tâm của dư luận. Người ta tò mò các những cá nhân, tổ chức đó là ai, là doanh nhân hay quan chức? Họ thành lập những công ty hải ngoại (offshore) ở những thiên được thuế với mục đích gì? Có dấu hiệu rửa tiền hay trốn thuế hay không?

Theo bình luận của các chuyên gia tài chính Peter Pham và Jimmy Hoang thì phản ứng ban đầu của dư luận là rất tiêu cực với những người và các công ty có tên trong danh sách này. Song chưa nên vội kết luận hoạt động này phạm pháp hay không.

Ông Peter Pham cho biết, thực tế việc các công ty đa quốc gia thành lập các công ty offshore ở các thiên đường thuế như quần đảo British Virgin, quần đảo Caymans hay Panama… đã có từ những năm 1970.

Số lượng đăng ký thành lập công ty offshore tại các thiên đường thuế theo các mốc thời gian - Nguồn: ICIJ
Số lượng đăng ký thành lập công ty offshore tại các thiên đường thuế theo các mốc thời gian - Nguồn: ICIJ

Số lượng công ty được đăng ký mới tại các thiên đường thuế này đạt đỉnh điểm trong giai đoạn 2004-2007, trước khi giảm mạnh trong những năm gần đây. Việc số lượng công ty được đăng ký sụt giảm trong những năm sau là do các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Mỹ, bắt đầu đưa ra các đạo luật siết chặt lại hoạt động chuyển tiền và đầu tư ra nước ngoài của các cá nhân và công ty trong nước.

Ở Việt Nam, số liệu cũng thể hiện xu hướng đó. Trong số 19 công ty có nguồn gốc từ Việt Nam được tiết lộ từ tài liệu Panama thì có 10 công ty được thành lập trong giai đoạn hai năm 2007-2008. Sau đó giảm mạnh trong những năm gần đây.

Ông Peter Pham cho hay, các công ty offshore được các công ty đa quốc gia và các gia đình giàu có trên thế giới sử dụng rất phổ biến để xây dựng cấu trúc thuế hiệu quả cho tài sản của công ty và gia đình.

“Lợi thế của các công ty này là mức thuế suất cho hoạt động của doanh nghiệp và hoạt động đầu tư gần như bằng 0. Các công ty và gia đình sẽ chuyển tài sản và thu nhập của họ đến đây để tối thiểu hóa số thuế phải nộp” – vị chuyên gia cho biết.

Chuyên gia Peter Pham phân tích thêm, các thiên đường thuế thường không có yêu cầu gì về báo cáo tài chính cũng như tình hình hoạt động của các công ty. Sau khi đóng mức phí thành lập ban đầu thì doanh nghiệp hàng năm chỉ cần đóng một mức phí nhất định để duy trì hoạt động.

Ông lưu ý: “Điểm đặc biệt nhất của các công ty offshore này là công ty cũng không cần phải công bố thông tin về ban điều hành cũng như cổ đông nên tính bảo mật về quyền sở hữu là cực kỳ cao”.

Việc thành lập các công ty offshore là hoàn toàn hợp pháp vì các công ty và các gia đình hoàn toàn có thể chọn những nơi nào có mức thuế suất có lợi nhất cho họ để thực hiện các hoạt động kinh doanh và đầu tư.

Tuy nhiên, hoạt động của các công ty offshore sẽ bị xem là phi pháp khi nó được dùng để thực hiện các hoạt động mà pháp luật các quốc gia không cho phép như hoạt động rửa tiền, trốn thuế và chuyển giá.

Chi tiết hơn về cách thức hưởng lợi của các cá nhân, tổ chức khi thành lập công ty offshore tại những thiên đường thuế sẽ được Dân Trí đăng tải tại bài viết tiếp theo qua phân tích của chuyên gia Peter Pham.

Peter Pham là nhà viết sách, giám đốc quản lý quỹ đầu tư quốc tế và là giám đốc tài chính được chứng nhận bởi Ủy ban tài chính ở Cayman. Năm 2013, ông đã cho xuất bản cuốn sách đầu tiên với tựa đề: Giao Dịch Lớn (The Big Trade): Những chiến lược đơn giản để tối đa hóa lợi nhuận từ thị trường.

Hiện tại ông đang quản lý cho một quỹ phòng vệ (hedge fund) quốc tế và đang vận hành một công ty quản lý quỹ được thành lập ở Mỹ. Năm 2010, ông sáng lập ra website AlphaVN chuyên viết về thị trường vốn và việc giao dịch cổ phiếu ở khu vực Đông Nam Á. Năm 2014, ông triển khai chương trình podcast xoay quanh các cuộc trò chuyện với các chuyên gia tài chính hàng đầu trên thế giới.

Ông đã có 15 năm kinh nghiệm tham gia thị trường vốn trong vai trò nhà đầu tư và giám đốc quản lý quỹ và được đánh giá là một nhà tư vấn thị trường vốn có uy tín trên bình diện toàn cầu.

Bích Diệp

Vì sao doanh nghiệp và giới siêu giàu "mê mẩn" thiên đường thuế? - 3