1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

VCCI phản đối hình sự hoá tội cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trái phép

(Dân trí) - Trong văn bản mới gửi Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói rõ 6 lý do và tỏ rõ sự không đồng tình khi cơ quan soạn thảo đưa: hành vi cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trái phép vào xử lý hình sự trong Dự thảo Luật sửa đổi Luật Hình sự 2015.

Tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự năm 2015, đang trình Quốc hội, cơ quan soạn thảo đã đề xuất bổ sung hành vi cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trái phép (chưa được cấp phép) vào xử lý hình sự tại điểm i, khoản 1, Điều 206 của Dự thảo Luật nói trên.

Nêu quan điểm về vấn đề này, trong văn bản gửi Ủy ban Tư pháp Quốc hội mới đây, VCCI cho rằng, việc "hình sự hoá" vấn đề kinh tế như thế này là quá mức, làm hạn chế sáng tạo, triệt tiêu cạnh tranh và gia tăng các văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo bởi các quy định về cung cấp các dịch vụ trung gian thanh toán đã và đang nằm ở nhiều văn bản của các cơ quan quản lý chuyên ngành khác nhau.


VCCI không đồng tình khi Dự thảo sửa đổi Luật Hình sự 2015 bổ sung xử phạt hình sự với hành vi cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trái phép (chưa được cấp phép)

VCCI không đồng tình khi Dự thảo sửa đổi Luật Hình sự 2015 bổ sung xử phạt hình sự với hành vi cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trái phép (chưa được cấp phép)

VCCI đưa lý do, thứ nhất là việc lợi dụng dịch vụ trung gian thanh toán để thực hiện các hành vi phạm tội khác đã quy định tại các tội danh khác nhau của Luật như Điều 290, Điều 200, Điều 324 của Bộ Luật Hình sự 2015 nên không nhất thiết phải đưa ra thêm Điều luật riêng trong dự thảo trên.

Thứ hai, việc cung cấp các dịch vụ trung gian thanh toán trái phép mà không nhằm thực hiện các hành vi nguy hiểm như chiếm đoạt tài sản, trốn thuế, rửa tiền... mà chỉ đơn thuần là việc người cung cấp dịch vụ “chưa làm thủ tục hành chính để xin phép hoặc điều chỉnh giấy phép”. Nếu hành vi vi phạm hành chính này diễn ra, chỉ nên dừng ở xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 96/2014 của Chính phủ, với mức phạt từ 40 - 60 triệu đồng và buộc phải nộp lại số tiền bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi trên vào ngân sách Nhà nước.

Thứ 3, hiện cung ứng các dịch vụ trung gian thanh toán luôn gắn với hệ thống ngân hàng và được kiểm soát và xử lý theo các quy định của Ngân hàng Nhà nước. Vì vậy, ngăn chặn, xử lý các hành vi cung cấp dịch vụ trên trái phép đã được đảm bảo hiệu quả.

Đặc biệt, các dịch vụ trung gian thanh toán đòi hỏi sáng tạo và thử nghiệm. Các doanh nghiệp (DN) thường bắt đầu bằng sáng tạo sản phẩm, sau đó thử nghiệm thực tế. Trong quá trình đó, DN không biết liệu sản phẩm có được sử dụng hay vứt bỏ hay không. Vì vậy, dịch vụ đưa ra nhưng không để lại hệ quả mà phải chịu xử lý hình sự sẽ làm tăng rủi ro pháp lý đối với các doanh nghiệp, triệt tiêu, hạn chế sáng tạo và sự phát triển của dịch vụ cung ứng ngân hàng hiện đại.

Theo VCCI, nhiều DN hiện nay cho biết, thủ tục cấp phép dịch vụ trung gian thanh toán còn nhiều phức tạp, DN phải mất 5 - 7 năm mới xin được giấy phép. Khi hệ thống còn nhiều vướng mắc như vậy, đã xử lý quá nặng hành vi cung cấp dịch vụ chưa được phép, sẽ khiến họ không dám đầu tư, cạnh tranh trong lĩnh vực tiềm năng này.

Cuối cùng, theo VCCI, hiện dịch vụ trung gian thanh toán đang được khuyến khích vì nó làm giảm thanh toán tiền mặt trong lưu thông. Điều này giúp làm minh bạch và lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia. Do đó, việc trừng phạt quá mức sẽ làm chậm sự phát triển của dịch vụ, ảnh hưởng đến lợi ích xã hội và các bên liên quan. Do đó, VCCI kiến nghị Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cân nhắc trong quá trình sửa đổi nội dung trên trước khi đưa vào Dự thảo Luật Hình sự trình Quốc hội.

Được biết, sau ý kiến của VCCI, Ủy ban Tư Pháp của Quốc hội đã tiếp thu và đề nghị VCCI, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có ý kiến chính thức bằng văn bản về việc quy định trên để cơ quan tư pháp có cơ sở chỉnh lý, hoàn thiện, trình Quốc hội.

Nguyễn Tuyền