1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Vận tải biển khủng hoảng, SBIC vẫn báo lãi hơn 150 tỷ đồng

(Dân trí) - Năm 2016, hàng loạt hãng tàu lớn trên thế giới rơi vào tình trạng phá sản, giải thể, nhiều doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam dừng hoạt động. Tuy nhiên, theo báo cáo của SBIC, tổng công ty này vẫn lãi 150,2 tỷ đồng, đã thanh toán được tiền bảo hiểm, không nợ lương, thu nhập bình quân đạt 7,6 triệu đồng/người/tháng.

Trong khi ngành vận tải biển thế giới chưa thoát khỏi khủng hoảng, nhiều hãng tàu rơi vào phá sản thì SBIC bắt đầu gặt thành quả tái cơ cấu
Trong khi ngành vận tải biển thế giới chưa thoát khỏi khủng hoảng, nhiều hãng tàu rơi vào phá sản thì SBIC bắt đầu gặt thành quả tái cơ cấu

Báo cáo tổng kết thực hiện kế hoạch năm 2016 của Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (SBIC) cho hay, trong năm vừa qua, SBIC đã đạt được một số kết quả tích cực, trong đó bàn giao 198 sản phẩm, tăng 18 sản phẩm so với kế hoạch, doanh thu và thu nhập khác đạt hơn 6.400 tỷ đồng.

Năm 2016, tổng số lao động của tổng công ty gần 5.890 người, không có lao động thiếu việc làm, không nợ lương người lao động; đã thanh toán được bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế,bảo hiểm thất nghiệp.

Ông Cao Thành Đồng, Quyền Tổng giám đốc SBIC cho biết: “Doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh (không bao gồm giá trị từ thanh lý tàu) trong năm 2016 xấp xỉ đạt kế hoạch đề ra và vẫn có lãi, cơ bản bù đắp được các khoản chi phí để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống cho người lao động với thu nhập bình quân đạt 7,64 triệu đồng/người/tháng…”.

Đặc biệt, một đơn vị trong tổng công ty đã thanh toán toàn bộ tiền khoanh nợ bảo hiểm xã hội từ năm 2012 trở về trước. Về doanh thu, nếu chỉ tính doanh thu và thu nhập khác từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính, toàn tổng công ty đạt 96,6% kế hoạch, lãi 150,2 tỷ đồng. Đến hết năm 2016, SBIC đã tái cơ cấu 191 đơn vị, đạt 81% so với đề án được phê duyệt.

Kết quả này đạt được giữa bối cảnh, năm qua, hàng loạt hãng tàu lớn trên thế giới rơi vào tình trạng phá sản, giải thể, nhiều doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam dừng hoạt động. Ngay cả một số khách hàng lớn truyền thống của SBIC cũng gặp khó khăn, phải cắt giảm 1/3 số lượng tàu đóng tại Việt Nam.

“Nếu không tính đến chi phí tài chính do các khoản vay cũ, chi phí khấu hao do không khai thác hết công suất thì doanh thu từ các hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị đã bù đắp được các khoản chi phí để duy trì hoạt động sản xuất và đảm bảo đời sống cho người lao động”, ông Đồng cho biết thêm.

Theo kế hoạch năm 2017, SBIC triển khai thi công 230 sản phẩm và dự kiến bàn giao 186 sản phẩm, sửa chữa hơn 330 lượt tàu. Giá trị sản xuất từ đóng tàu dự kiến đạt hơn 5.322 tỷ đồng, từ công nghiệp phụ trợ, vận tải cảng biển, thương mại dịch vụ... hơn 237 tỷ đồng.

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định kiện toàn Ban chỉ đạo tái cơ cấu Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ sẽ đảm nhiệm vị trí Trưởng ban chỉ đạo.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa giữ chức Phó Trưởng ban thường trực. Hai Phó trưởng Ban chỉ đạo khác là Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng.

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo còn gồm 16 ủy viên là lãnh đạo một số bộ, ban, ngành thuộc Chính phủ và Đảng. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, tổ chức, triển khai thực hiện các chính sách, biện pháp để tái cơ cấu SBIC.

Ban chỉ đạo gồm có Bộ phận điều phối giúp việc đặt tại Văn phòng Chính phủ và hai tổ công tác. Trong đó, Tổ công tác số 1 phụ trách tái cơ cấu tổ chức, chiến lược và định hướng phát triển. Tổ công tác số 2 có nhiệm vụ tái cơ cấu tài chính, bảo đảm nguồn trả nợ, vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư.

Bích Diệp