1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Trưởng đoàn Đàm phán TPP: "Việt Nam đủ sức tiến vào cuộc chơi mới này!"

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh - Trưởng đoàn Việt Nam tham gia đàm phán TPP khẳng định, đây không phải lần đầu tiên Việt Nam hội nhập và với hành trang 20 năm, Việt Nam đủ sức tiến vào cuộc chơi mới này.

Sau một thời gian đàm phán, các Bộ trưởng phụ trách thương mại của 12 nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt được đồng thuận về tất cả các vấn đề còn tồn tại, trong đó có những vấn đề quan trọng như mở cửa thị trường, sở hữu trí tuệ, các quy định về lao động, doanh nghiệp nhà nước... chính thức kết thúc đàm phán sau hơn 5 năm kể từ khi khởi động.


Đây không phải lần đầu Việt Nam hội nhập, với hành trang 20 năm nên tôi cho rằng Việt Nam đủ sức tiến vào cuộc chơi mới này, Thứ trưởng Bộ Công Thương nói.

"Đây không phải lần đầu Việt Nam hội nhập, với hành trang 20 năm nên tôi cho rằng Việt Nam đủ sức tiến vào cuộc chơi mới này", Thứ trưởng Bộ Công Thương nói.

TPP sẽ được ký chính thức vào khoảng đầu tháng giêng năm 2016

Trở về từ cuộc đàm phán, Trưởng đoàn Việt Nam - Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh chia sẻ: “Việt Nam đã rất nỗ lực để cùng các nước kết thúc vấn đề đàm phán đa phương. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng lần này đã có nhiều cuộc gặp rất quan trọng như với Bộ trưởng Mexico, Hoa Kỳ. Trong các cuộc gặp cấp Bộ trưởng, Bộ trưởng Hoàng đã thoả thuận được các vấn đề thì các cấp dưới mới đàm phán tiếp được".

Theo Thứ trưởng: “Chúng tôi kỳ vọng TPP sẽ được ký chính thức vào khoảng đầu tháng giêng năm 2016”.

“Đây là thời khắc quan trọng trong lịch sử thương mại thế giới. TPP là hiệp định có tính chất bước ngoặt bởi đây là khu vực thương mại từ do lớn nhất từ trước đến nay. TPP bao gồm 12 nước trong khi ASEAN cũng chỉ có 10 quốc gia. Hơn nữa, TPP chiếm tới 40% tổng quy mô nền kinh tế và 30% thương mại toàn cầu”, Thứ trưởng nói.

Ông cho biết, so với các hiệp định thương mại tự do trước đây thì TPP có cam kết rộng lớn hơn và mức độ sâu hơn. Đây cũng là điển hình của các FTA thế hệ mới, bao gồm không chỉ các vấn đề truyền thống như thương mại, đầu tư, dịch vụ mà còn nhiều vấn đề phi truyền thống như doanh nghiệp nhà nước lần đầu tiên được bàn đến trong một khu vực thương mại tự do.

Nói về lợi ích lớn nhất của Việt Nam khi tham gia TPP, Thứ trưởng Khánh cho rằng, Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng hình thành trong khu vực. Đồng thời, có thêm cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài, tạo thêm công ăn việc làm, đa dạng hoá thị trường để không phụ thuộc quá mức vào thị trường Đông Á.

Việt Nam đủ sức tham gia cuộc chơi

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng thừa nhận, khó khăn lớn nhất là sức ép cạnh tranh.

"Nhưng đây không phải lần đầu Việt Nam hội nhập, với hành trang 20 năm nên tôi cho rằng Việt Nam đủ sức tiến vào cuộc chơi mới này. Với ngành dự báo gặp khó khăn nông nghiệp, dù lúc này kết quả đàm phán chưa được công bố nhưng chúng tôi xin khẳng định chăn nuôi sẽ có ít nhất 10 năm để chuẩn bị trước khi thuế về 0. Hy vọng trong lúc đó ta nỗ lực tái cơ cấu nông nghiệp để sức cạnh tranh lớn lên, chiến thắng trên sân nhà. Không có lý do gì ta nước nông nghiệp mà không thắng trong sản phẩm nông nghiệp”, ông Khánh nhấn mạnh.

Trước đó, trả lời tại cuộc họp báo về kết quả đàm phán diễn ra ngay trong tối ngày 5/10 tại Atlanta, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nói: “Trong 12 nước thành viên, Việt Nam và Malaysia là những nước có nền kinh tế kém phát triển nhất. Tuy nhiên, chúng tôi cam kết sẽ vượt qua mọi khó khăn và hoàn thành mọi nghĩa vụ, quyền hạn của mình”.

Đánh giá về tác động của TPP đến nền kinh tế nói chung và ngành dệt may nói riêng, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho hay: “Ngành dệt may có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Do đó, khi tham gia TPP nghĩa là ngành dệt may của Việt Nam có cơ hội phát triển nhanh hơn. Đồng thời, mang lại lợi ích cho người nghèo vì ngành cần đến hàng triệu lao động. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn các nước TPP đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành dệt may của Việt Nam.”

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, với các kết quả đàm phán đã đạt được, Hiệp định TPP sẽ là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao trên cơ sở cân bằng lợi ích và có lưu ý tới trình độ phát triển khác nhau giữa các nước tham gia Hiệp định. Hiệp định được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại tất cả các nước TPP; tạo việc làm, giảm nghèo và nâng cao mức sống của người dân; thúc đẩy sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh; thúc đẩy minh bạch hóa và quản trị tốt; đồng thời củng cố các tiêu chuẩn về lao động và môi trường.

Riêng về mở cửa thị trường, các nước tham gia Hiệp định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; xóa bỏ thuế xuất khẩu hoặc chỉ duy trì ở mức hạn chế, không mở rộng thêm thuế xuất khẩu trong tương lai; tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước; mở cửa đấu thầu mua sắm của các cơ quan trực thuộc Chính phủ; từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp và lợi ích mới cho người tiêu dùng của các nước thành viên.

Phương Dung

Trưởng đoàn Đàm phán TPP: "Việt Nam đủ sức tiến vào cuộc chơi mới này!" - 2
Dòng sự kiện: Kết thúc đàm phán TPP