1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Trung Quốc soán ngôi số 1 thế giới về thương mại của Mỹ

(Dân trí) - Năm 2012 vừa qua Trung Quốc đã chính thức vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia có kim ngạch thương mại số 1 thế giới. Đây là ngôi vị đã được Mỹ nắm giữ sốt từ sau Thế chiến thứ hai năm 1945 tới nay.

Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu được Bộ thương mại Mỹ công bố ngày 8/2 cho biết, trong năm 2012, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước này đạt 3820 tỷ USD. Trong khi đó số liệu được hải quan Trung Quốc công bố hồi tháng trước cho thấy kim ngạch thương mại của họ đạt tới 3870 tỷ USD. Năm qua, Trung Quốc đã thặng dư mậu dịch tới 231,1 tỷ USD trong khi Mỹ bị thâm hụt tới 727,9 tỷ USD.

Trung Quốc đã vượt Mỹ về kim ngạch thương mại toàn cầu
Trung Quốc đã vượt Mỹ về kim ngạch thương mại toàn cầu

Theo ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ, việc Trung Quốc nổi lên là quốc gia thương mại lớn nhất thế giới giúp nước này có ảnh hưởng ngày càng tăng, đe dọa phá vỡ những liên minh thương mại trong khu vực bởi họ đã trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của nhiều nước, trong đó có Đức. Dự báo xuất khẩu của Đức vào Trung Quốc sẽ cao gấp đôi doanh số xuất khẩu vào láng giềng Pháp trước năm 2020.

“Với rất nhiều nước trên khắp thế giới, Trung Quốc đang ngày càng trở thành đối tác thương mại song phương quan trọng nhất của họ”, Jim O’Neill, chủ tịch đơn vị quản lý quỹ của Goldman Sachs, kiêm nhà kinh tế gia khu vực các nước Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc nhận định. “Cứ với đà này, đến trước cuối thập niên này, rất nhiều nước châu Âu sẽ có quan hệ thương mại song phương với Trung Quốc nhiều hơn với các đối tác châu Âu khác”

Kể từ sau Thế chiến II, Mỹ đã luôn giữ ngôi vị số 1 thế giới về thương mại khi đi đầu trong việc tạo dựng thương mại toàn cầu cũng như kiến tạo hệ thống tài chính giữa lúc Anh dần đánh mất các thuộc địa. Trung Quốc chỉ mới bắt đầu chú trọng vào thương mại và đầu tư nước ngoài để thúc đẩy kinh tế sau nhiều thập niên khép kín dưới thời chủ tịch Mao Trạch Đông. Từ năm 1978 đến 2012, kinh tế nước này tăng trưởng trung bình tới 9,9%/năm.

Năm 2009 nước này trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới trong khi Mỹ là nhà nhập khẩu lớn nhất. Năm ngoái Mỹ nhập tới 2280 tỷ USD trong khi Trung Quốc chỉ nhập 1.820 tỷ USD. Hồi năm ngoái, ngân hàng HSBC dự báo phải đến 2016 Trung Quốc mới giành ngôi số 1 thế giới về thương mại từ Mỹ.

Lần gần nhất Trung Quốc được xem là nền kinh tế hàng đầu thế giới là vào thời kỳ hoàng kim của nhà Thanh. Sự khác biệt là ở chỗ, vào thế kỷ 18, triều Thanh, không giống như nước Anh, không trú trọng vào thương mại.

Hoàng đế Càn Long từng tuyên bố với vua George đệ tam của Anh trong một bức thư năm 1793 rằng: “chúng tôi sở hữu mọi thứ. Tôi xem những thứ kỳ lạ là không có giá trị và tôi không cần các nhà sản xuất của nước ông”.

Nhưng giờ đây Trung Quốc là nước tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới, có thị trường xe hơi lớn nhất và đồng thời cũng có dự trữ ngoại hối cao nhất. Những số liệu về thương mại cho thấy Trung Quốc cần tham gia nhiều hơn vào việc kiến trúc thương mại và tài chính toàn cầu mà nước Mỹ từng thực hiện. Ông O’Neil nói tiếp.

“Dù theo cách này hay cách khác, chúng ta phải khiến Trung Quốc tham gia nhiều hơn và các tổ chức toàn cầu hiện có cũng như trong tương lai dù họ có miễn cưỡng”.

Thanh Tùng
Theo Bloomberg