1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Trung Quốc: 80% nhãn sữa ngoại là sữa nội "đội lốt"

(Dân trí) - Nắm bắt tâm lý sợ sữa nội, chuộng sữa ngoại của người dân Trung Quốc, nhiều công ty tại đây đã ra nước ngoài thành lập doanh nghiệp sữa, lấy thương hiệu ngoại. Tuy nhiên sản phẩm của họ khi bán trong nước chỉ có mỗi cái tên là…ngoại.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Thông tin vừa được tờ First Financial Daily có trụ sở tại Thượng Hải đăng tải. Theo đó có tới khoảng 80% các loại sữa thương hiệu ngoại tại Trung Quốc là sữa nội “đeo” mác ngoại.

Từ sau scandal sữa nhiễm độc melamine năm 2008 khiến 6 trẻ em thiệt mạng đến nay, rất nhiều người tiêu dùng Trung Quốc đã mất lòng tin vào các thương hiệu trong nước và đổ xô mua sữa cho con tại nước ngoài hoặc chỉ mua hàng “xách tay”. 

Chính làn sóng những người Trung Quốc đến Hong Kong “vơ vét” sữa bột công thức đã khiến chính quyền đặc khu hành chính này mới đây phải ban bố lệnh cấm mang sữa số lượng lớn rời khỏi đây. Biện pháp này được đưa ra nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu sữa trầm trọng do nạn buôn lậu sang đại lục.

Theo một chỉ thị có hiệu lực từ 1/3, mỗi cá nhân rời Hong Kong chỉ được phép mang 2 lon, tương đương 1,8 kg sữa. Những ai vi phạm có thể bị phạt tới 64.000 USD, tương đương hơn 1 tỷ đồng, thậm chí còn phải đối mặt với mức án 2 năm tù giam.

Nắm bắt tâm lý trên của người tiêu dùng, các doanh nghiệp Trung Quốc đã nhanh nhạy kiếm lời bằng cách tung ra nhiều thương hiệu sữa ngoại. Họ ra nước ngoài đăng ký thành lập công ty và cho ra đời những nhãn sữa nghe có vẻ “Tây”. 

Nhưng theo Wang Dingmien, một chuyên gia ngành sữa, thực chất các công ty này vẫn mua sữa của các nhà cung cấp Trung Quốc, đóng gói rồi bán lại cho chính người Trung Quốc.  

Hiện ở nước này có khoảng 100 nhãn sữa bột nhập khẩu nhưng tới khoảng 80% “đội lốt” như cách trên. Những nhãn hàng phổ biến như Boistime, Scient hay Ausnutria đều bị cho là đang kinh doanh theo mô hình này.

Khi đã mang mác ngoại, các loại sữa Trung Quốc này sẽ được bán với giá cao hơn các sản phẩm trong nước, thậm chí còn đắt hơn cả các loại sữa ngoại “xịn” giúp các nhà sản xuất trục lợi lớn. Hiện giá một lon sữa mang mác ngoại cho trẻ sơ sinh tại Trung Quốc khoảng hơn 300 nhân dân tệ (tương đương 48 USD) trong khi chi phí sản xuất chỉ từ 70 – 90 nhân dân tệ/lon. Còn giá của các loại sữa ngoại “xịn” trung bình chỉ khoảng 120 nhân dân tệ/lon. 

Trong năm ngoái, doanh thu của Boistime đạt tới 3 tỷ nhân dân tệ (tương đương 482 triệu USD). Doanh số của Ausnutria cũng đạt 500 triệu nhân dân tệ trong khi con số này của Scient là 700 triệu nhân dân tệ.

Thanh Tùng
Tổng hợp