1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

TPHCM: Taxi giảm đầu xe vì gặp khó

(Dân trí) - Năm 2012 không chỉ có Mai Linh gặp khó khăn về tài chính khiến công việc kinh doanh taxi giảm sút mà còn có 2 doanh nghiệp kinh doanh taxi khác đã phải giảm đầu xe vì chịu không nổi thua lỗ.

Ngày 22/1, tại Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2012 của Hiệp hội Taxi TPHCM, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội cho biết: “Trước tình hình khó khăn, tất cả các doanh nghiệp đều phải giảm bớt chi phí, giảm bớt lao động. Trong năm qua đã có 2 doanh nghiệp thành viên phải giảm bớt đầu xe hoạt động tại khu vực TPHCM, các doanh nghiệp còn lại rất khó khăn trong kinh doanh”.

Theo số liệu của Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM thì sản lượng vận chuyển năm 2012 của taxi TPHCM dự kiến là gần 187 triệu lượt khách, chỉ bằng 94% so với năm 2011.

Năm 2012 là 1 năm đầy khó khăn của ngành taxi TPHCM
Năm 2012 là 1 năm đầy khó khăn của ngành taxi TPHCM

Trong năm qua, tình trạng khách hàng giảm sút, cạnh tranh gay gắt giữa các hãng đã khiến nhiều đơn vị non kém, ít kinh nghiệm quản lý phải chịu thua lỗ, cắt giảm bớt nhân sự và đầu xe hoạt động. Nhiều hãng đã phải tìm cách hợp tác với hãng khác để tồn tại.

Đến ngay cả hãng taxi tên tuổi nhất nhì TPHCM là Mai Linh cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhiều đơn vị thành viên của hãng này không có cả tài chính lưu động để trả nợ bảo hiểm xã hội và bị kiện ra tòa.

Theo ông Tạ Long Hỷ, ngành taxi gặp khó khăn lớn như thế là do tình hình khó khăn chung của nền kinh tế. Mặt khác, taxi còn chịu tác động mạnh từ các chính sách trong nước như thị trường hóa kinh doanh xăng dầu, điều chỉnh giá điện, nước, lương; tác động của lãi suất ngân hàng khiến suất đầu tư phương tiện cao; thuế nhập khẩu phương tiện, trước bạ và các loại phí khác đều tăng…

Ông Hỷ dẫn chứng: “Chỉ riêng giá xăng đã điều chỉnh 11 lần trong năm qua. Mà giá xăng chiếm đến 25% chi phí hoạt động của ngành nên mỗi lần giá xăng điều chỉnh mạnh chúng tôi đều phải điều chỉnh giá cước theo. Vì nếu giá giảm quá mà cước không giảm sẽ bị phản ứng. Nếu giá tăng quá mà cước không tăng theo thì doanh nghiệp không có lời. Mà mỗi lần điều chỉnh cước đều phải đi đăng kiểm lại đồng hồ cước, mỗi lần điều chỉnh như vậy thì các doanh nghiệp taxi đều tốn vài tỷ đồng”.

Ngoài ra, các loại thuế phí cũng là vấn đề làm đau đầu nhiều doanh nghiệp taxi. Vì đặc trưng là ngành sử dụng nhiều phương tiện, các loại thuế trước bạ, phí bảo trì đường bộ… khiến giá thành cước taxi tăng rất nhiều. Trong khi đó, trước tình hình kinh tế khó khăn, khách giảm, cạnh tranh gay gắt nên không thể tăng giá cước theo khiến nhiều doanh nghiệp “đuối sức”, lỗ lã và nghỉ chạy.

Tùng Nguyên