1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

TPHCM: Dùng công nghệ để không trễ hẹn hồ sơ của doanh nghiệp

(Dân trí) - "Doanh nghiệp rất quan tâm đến vấn đề thời gian. Tôi làm việc với doanh nghiệp, thấy họ nôn nóng không phải dưới họ là lửa mà là tiền. Do đó, cần ứng dụng công nghệ trong quản lý hành chính để không trễ hẹn với doanh nghiệp".

Đó là chỉ đạo của ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TPHCM tại buổi kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ do UBND, Chủ tịch UBND TPHCM giao tại Sở Công Thương.


Tổ công tác của Chủ tịch UBND TPHCM làm việc tại Sở Công Thương

Tổ công tác của Chủ tịch UBND TPHCM làm việc tại Sở Công Thương

Không trễ hẹn với doanh nghiệp

Trước đó, nhằm thực hiện cam kết đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong việc đơn giản hoá các thủ tục hành chính... UBND TPHCM đã quyết định thành lập Tổ công tác của Chủ tịch UBND TPHCM để theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan ban ngành trong việc thực hiện những nhiệm vụ do UBND, Chủ tịch UBND giao.

Chấp hành chủ trương này, trong 5 tháng đầu năm, Sở Công Thương TPHCM đã thực hiện 281 đầu việc, trong đó có 246 nhiệm vụ được giao. Sở Công Thương đã triển khai và hoàn thành 269 nhiệm vụ với tỷ lệ cao. Hiện còn hơn 10 trường hợp tồn đọng.

Mặc dù kết quả thực hiện "đáng nể" như thế nhưng tại buổi làm việc với Sở Công Thương, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TPHCM cho rằng, vẫn còn nhiều trường hợp trễ hẹn.

Ông Hoan yêu cầu Sở Công Thương phải hết sức lưu ý những cái trễ hẹn liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp, người dân. Với những trễ hẹn đã xảy ra, cần ngồi lại, phân tích, mổ xẻ để tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục.

"Doanh nghiệp rất quan tâm đến vấn đề thời gian. Khi làm việc với doanh nghiệp Hàn Quốc, tôi thấy họ nôn nóng. Cái nôn nóng của họ không phải ở dưới là lửa mà là tiền. Có những chuyện nhỏ nhưng dù nhỏ hay lớn đều phải thực hiện đúng nguyên tắc. Cần duy trì cơ chế giám sát quá trình thực hiện các chỉ đạo của UBND TP", ông Hoan nói.

Những hộ kinh doanh cá thể, tiểu thương là lực lượng không nhỏ để TPHCM đạt mục tiêu 500.000 doanh nghiệp
Những hộ kinh doanh cá thể, tiểu thương là lực lượng không nhỏ để TPHCM đạt mục tiêu 500.000 doanh nghiệp

Từ ngày 1/6, "đoạn tuyệt" văn bản giấy

Chánh văn phòng UBND TPHCM còn cho biết, hiện thành phố đã triển khai hệ thống điện tử. Chuyên viên các Sở có thể trao đổi với văn phòng uỷ ban qua chát trực tuyến nội bộ.

Thêm một tin vui cho doanh nghiệp chính là hiện nay TPHCM đã hoàn thành việc cấp chữ ký số. Do đó, lãnh đạo các sở ban ngành khi xem hệ thống, thấy mọi thủ tục đã đầy đủ là nhấp chuột duyệt ngay. Do đó, dù thủ trưởng cơ quan đang họp ở trên UBND TPHCM hay đi uống cà phê, thậm chí đi nước ngoài cũng có thể duyệt hồ sơ ngay lập tức chứ không phải đợi về cơ quan mới xử lý.

Đối với một số loại văn bản trình qua UBND TPHCM thì trước tiên phải qua văn bản điện tử rồi mới đến văn bản giấy. Do đã có chữ ký số nên nếu văn bản điện tử có phê duyệt bằng chữ ký số thì coi như đã được chấp nhận. Sau đó, văn bản giấy chỉ bổ sung lưu hồ sơ.

"Phải thực hiện nghiêm túc việc gửi, nhận văn bản điện tử. Phải rút ngắn để dành thời gian lo việc khác. Từ ngày 1/6, chúng ta đoạn tuyệt văn bản giấy. Tất cả lên hệ thống hết, từ tài liệu họp đến thư mời... Vào họp lấy hệ thống ra xử lý. Bớt giấy tờ, giảm chi phí hành chính. Phải tiến tới thực hiện trên hệ thống chứ không giao dịch bằng giấy, đem ra coi rồi để lên để xuống, mất mấy ngày mà không ra việc", ông Hoan nói.

UBND TPHCM cũng giao Sở Công Thương làm nòng cốt trong kế hoạch từ nay đến năm 2020, toàn thành phố có 500.000 doanh nghiệp hoạt động. Do đó, cần quan tâm đến những hộ kinh doanh cá thể, tiểu thương ở chợ.

"Phải làm sao để lực lượng này thấy cái lợi và chấp thuận lên doanh nghiệp. Nếu bất lợi, thiệt thòi thì các Sở, ngành và UBND TPHCM phải có giải pháp", ông Hoan nhấn mạnh.

Công Quang