1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

TPHCM: Đấu giá "đất vàng" để thực hiện dự án BT

(Dân trí) - Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố có những khu đất đẹp, đắc địa được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Để không dẫn tới tiêu cực trong quản lý, sắp tới, TPHCM sẽ đưa những khu đất vàng này ra đấu giá để thực hiện các dự án BT (xây dựng - chuyển giao).

Ngày 7/11, tại TPHCM đã diễn ra hội nghị trao đổi về quy trình thực hiện các dự án BT và giải pháp tạo quỹ đất, nguồn lực tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, mặc dù đã có Nghị định 15/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (Nghị định 15), quy định nhiều hình thức hợp đồng (BTL, BLT, BOO...) nhưng nhà đầu tư, các sở ngành quản lý có xu hướng kêu gọi đầu tư theo hình thức BT, trả bằng đất trong khi quỹ đất phục vụ mục đích xã hội hóa không còn nhiều.

Ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho biết, công tác đền bù, giải tỏa hiện gặp nhiều khó khăn, kéo dài, dẫn đến việc bàn giao mặt bằng chậm trễ, các thủ tục đầu tư còn qua nhiều bước... Việc huy động nguồn lực từ đất còn nhiều hạn chế, kể cả quỹ đất sạch để đấu giá, thu tiền sử dụng đất cho ngân sách.

Một phần “khu đất vàng” 164 Đồng Khởi (ngã tư Lý Tự Trọng – Đồng Khởi)
Một phần “khu đất vàng” 164 Đồng Khởi (ngã tư Lý Tự Trọng – Đồng Khởi)

Các chuyên gia cũng nhận định, cái khó nhất khi triển khai một dự án BT chính là việc lựa chọn phương án tài chính để hoàn vốn cho dự án khi mà quỹ đất không “sạch”.

Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TPHCM, thì không nên tách rời các thành phần trong dự án BT cũng như không cần thiết phải kiếm quỹ đất khác để đấu giá bởi lẽ nếu thực hiện bằng cách này thì ngân sách thành phố cũng có thể giải quyết.

Trong khi đó, TS Huỳnh Thế Du (Đại học Fulbright) cho rằng, hầu hết việc thực hiện dự án BT đều có phương thức “đổi đất lấy hạ tầng” và chỉ định thầu chứ không phải đấu thầu. Trong khi chủ đầu tư lại dựa quá nhiều vốn vay ngân hàng.

"Việc thực hiện BT chỉ nên áp dụng khi có quỹ đất sạch và quỹ đất này phải được bán đấu giá độc lập, tiền thu được sẽ thanh toán cho tiến độ đầu tư dự án", TS Du khẳng định.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, việc chỉ định nhà thầu, nhà đầu tư các khu đất "vàng", hoặc theo hình thức BT, PPP, BOT khá phổ biến trong thời gian qua đã bộc lộ những mặt hạn chế, dễ phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm. Nguyên nhân dẫn đến những tiêu cực này là nguồn vốn chủ sở hữu của nhiều nhà thầu, nhà đầu tư thường chỉ có khoảng 10%, còn lại khoảng 90% vốn đi vay.

Chủ tịch HoREA kiến nghị, UBND TPHCM thực hiện đấu giá công khai, đấu thầu rộng rãi trong nước, hoặc quốc tế đối với các dự án đầu tư theo hợp đồng BT, PPP, BOT.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, hiện nay thành phố có những khu đất đẹp, đắc địa đang có nhiều nhà đầu tư quan tâm, nếu không quản lý tốt thì dễ dẫn tới tiêu cực nên thành phố thống nhất chủ trương phải đấu giá các khu đất “vàng”.

"Việc thanh toán quỹ đất cho dự án BT cũng phải được tính toán cẩn thận, cân đối kỹ lưỡng. Sắp tới, TPHCM sẽ xây dựng và công khai danh mục quỹ đất để thanh toán cho các hợp đồng BT”, ông Nguyễn Thành Phong nói.

Công Quang