1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

TPHCM chưa mặn mà với “chợ tái sinh”

(Dân trí) - Khu trung tâm TPHCM hiện rất chật chội, hầu như không còn đất để xây trung tâm thương mại (TTTM) mới nhưng vẫn còn tồn tài cả trăm khu chợ truyền thống và cũng chưa đơn vị nào áp dụng mô hình “chợ tái sinh”.

TPHCM chưa mặn mà với “chợ tái sinh” - 1
Phối cảnh TTTM chợ Hàng Da, mô hình “chợ tái sinh” sắp khai trương ở Hà Nội.
 
“Chợ tái sinh” là mô hình chợ truyền thống được cải tạo, xây cao ốc thấp tầng. 1, 2 tầng dưới tiếp tục kinh doanh như chợ truyền thống, các tầng trên thì kinh doanh theo hình thức bán lẻ hiện đại. Đó là sự kết hợp giữa chợ truyền thống và TTTM nhằm giải quyết vấn đề phát triển diện tích bán lẻ cho những đô thị thiếu mặt bằng.
 
Ông Richard Leech, Giám đốc điều hành Công ty TNHH CBRE Việt Nam cho rằng: “Sự tái sinh của chợ truyền thống sẽ tạo ra một mô hình bán lẻ hiện đại và tiện lợi”.
 
Mô hình này cũng là xu hướng mới được các đô thị đang phát triển áp dụng. Hiện ở Hà Nội, nhiều nhà đầu tư cũng áp dụng mô hình “chợ tái sinh” như TTTM chợ Hàng Da (phát triển từ chợ Hàng Da) sắp được khai trương; chợ Trung Hòa, chợ Mơ và chợ Ngã Tư Sở cũng đang được thiết kế xây dựng thành TTTM…
 
Việc chuyển đổi từ chợ truyền thống theo mô hình kết hợp này sẽ làm tăng diện tích bán lẻ lên gấp 4 - 5 lần hiện tại. Theo CRBE Việt Nam thì hiện Hà Nội có 57 chợ truyền thống ở khu vực trung tâm với khoảng 150.000 m2 diện tích. Nếu cả 57 chợ này chuyển đổi thì diện tích sẽ tăng lên thành 750.000 m2.
 
Tương tự, khu trung tâm TPHCM cũng có gần trăm chợ truyền thống. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư nào ở TPHCM tỏ ý thí điểm mô hình “chợ tái sinh” này. Có chăng chỉ là một vài đơn vị đang áp dụng hình thức “lai” giữa chợ truyền thống và TTTM.
 
Chẳng hạn như mô hình trung tâm mua sắm Saigon Square do Công ty TNHH Phan Thành khai thác với việc thiết kế khu TTTM như chợ truyền thống với các kiot nhỏ. Hay tại Master Zone do Công ty Cổ phần Tương Lai Vàng đầu tư, chỉ với quy mô 3 tầng, tổng diện tích kinh doanh gần 2.000 m2 nhưng có đến 200 gian hàng.
 
Tuy nhiên, đây chỉ là một hình thức “lai” dựa trên nhu cầu của tiểu thương bán lẻ và khách hàng mua sắm chứ chưa phải là chợ truyền thống “tái sinh” thực sự.
 
Hiện diện tích để phát triển mặt bằng bán lẻ tại khu trung tâm TP hết sức bí bách, “chợ tái sinh” là một giải pháp tốt, vừa phát triển diện tích bán lẻ, vừa phù hợp nhu cầu người dân lại hiện đại hóa hệ thống bán lẻ theo chủ trương của TP mà các nhà đầu tư cần quan tâm.
 
Theo ông Richard Leech, nguyên nhân chính khiến các nhà đầu tư ít quan tâm đến mô hình “chợ tái sinh” là vì việc quản lý chợ hết sức phức tạp. Ngoài Hà Nội thì nhiều địa phương khác cũng đã từng thực hiện nhưng thất bại vì tiểu thương không chịu vào chợ bán…
 
Tuy nhiên, vấn đề cần giải quyết chỉ là quản lý. Ông Richard Leech cho rằng, để thành công thì công tác quản lý 2 phần riêng biệt là chợ truyền thống và TTTM phải được kiểm soát chặt chẽ các mặt như: đăng ký thương hiệu, chất lượng hàng hóa, phân bổ ngành hàng, quản lý khách thuê, đội ngũ nhân viên…
 
Vấn đề đáng lo ngại nhất là hàng giả, hàng nhái.“Đừng để xuất hiện tình trạng bên trên thì bán hàng thật, bên dưới bán hàng nhái” - ông Richard Leech lo lắng. Do vậy, điều kiện tiên quyết là công tác quản lý phần thương mại của cả hai khu vực (chợ truyền thống và TTTM) phải mang tính bắt buộc.
 
Hạ Nguyên