1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

TP.HCM:

Tốn hàng chục ngàn USD phí “vô hình” để xin giấy phép đầu tư

(Dân trí) - Đó là phát biểu của ông Đỗ Kim Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội quảng cáo TP HCM. Ngoài việc tốn một khoản phí từ 10.000 – 20.000 USD, doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam phải chờ thêm từ 6 – 18 tháng mới được có được giấy phép.

Lãnh đạo 5 Sở lắng nghe ý kiến của các các DN
Lãnh đạo 5 Sở lắng nghe ý kiến của các các DN

Tại buổi đối thoại giữa chính quyền TP HCM và các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn ngày 26/6 do Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP HCM (ITPC) phối hợp với 5 sở (Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Sở GTVT, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức, nhiều doanh nghiệp bày tỏ bức xúc trong việc đăng ký xin cấp phép đầu tư và nhờ chính quyền gỡ khó.

Ông Đỗ Kim Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội quảng cáo TP HCM cho biết, ngành quảng cáo hiện thu hút nhiều công ty nước ngoài đến đầu tư, xin thành lập công ty liên doanh quảng cáo, truyền thông. Tuy nhiên do vấn đề thủ tục quá phiền hà và mất thời gian đã khiến nhiều đơn vị từ bỏ ý định. Cụ thể, DN nước ngoài phải nộp hồ sơ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, sau đó Sở này xin ý kiến bằng văn bản của 4 Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Văn hóa- Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông. Thời gian chờ đợi mất từ 2 tháng trở lên.

Tiếp đến, để được giải quyết vướng mắc về hồ sơ, DN còn được “gợi ý” phải trực tiếp ra Hà Nội gặp các cơ quan hữu quan khiến DN mất nhiều thời gian và chi phí, trong đó có nhiều khoản phí “vô hình” rất tốn kém. Sau khi có văn bản trả lời của bộ ngành, DN lại tiếp tục chờ UBND TP.HCM phê duyệt giấy phép với thời gian kéo dài. Như vậy, để có được giấy phép đầu tư DN phải chờ từ 6 – 18 tháng.

“Hiện một số công ty tư vấn chào giá xin giấy phép cho DN đầu tư nước ngoài trong ngành quảng cáo từ 10.000 USD – 20.000 USD do có những khoản chi “vô hình”. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài ngành quảng cáo khi trao đổi với tôi rất bức xúc do vốn đăng kí đầu tư của DN ngành này thường chỉ trên dưới một trăm ngàn USD, thì các khoản chi “vô hình” này nhiều như vậy. Người ta đổ tiền vào mình để làm ăn tại sao lại bị làm khó như vậy?”, ông Đỗ Kim Dũng bức xúc.

Nhiều vấn đề bức xúc được các DN phản ánh
Nhiều vấn đề bức xúc được các DN phản ánh

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, Sở cũng đang tìm các biện pháp để hỗ trợ DN nhưng do liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành nên một số trường hợp cũng đành chịu, không thể giải quyết nhanh. Nhiều hồ sơ đăng ký đầu tư bị vướng do phải chờ ý kiến của các Bộ, ngành. Có trường hợp lại trả lời không rõ ràng, không kết luận là được hay không khiến cơ quan quản lý ở địa phương cũng rất khó xử lý.

Sở cũng đã báo cáo với UBND TP để có hướng giải quyết. Bản thân lãnh đạo sở khi tham dự các cuộc họp cũng đã tranh thủ tác động đối với các Bộ ngành về các dự án bị ngâm quá lâu và hiện tại cũng chưa có cách nào hữu hiệu hơn để rút ngắn thời gian xin cấp phép đầu tư” – Ông Minh nói.

Tại buổi đối thoại giữa chính quyền TP HCM và các DN, còn nhiều vấn đề gây bức xúc khác được mổ sẻ. Bà Lê Thị Kim Linh, đại diện Công ty TNHH MTV phát triển Khu công nghiệp Sài Gòn cho biết, dự án nhà ở rộng 14 ha của công ty ở quận 2 bị đình trệ nhiều năm nay do không được cấp phép đào 200 m đường để thi công đường ống dẫn nước vào khu nhà ở dù nhiều lần phía công ty đã gửi văn bản đến chủ đầu tư và các cơ quan khác nhưng không được giải quyết.

Về vấn đề này, đại diện Sở Giao thông Vận tải cho biết, Sở Giao thông là đơn vị duy nhất có quyền cấp phép đào đường. Ở quận 2, sẽ do Khu quản lý giao thông đô thị số 2 (thuộc Sở) cấp phép, khi có thắc mắc, DN nên liên hệ với Sở GTVT để có được thông tin khi có đợt duy tu tuyến đường sẽ cùng phối hợp để làm một lần.


Đại diện các Sở trả lời câu hỏi của DN
Đại diện các Sở trả lời câu hỏi của DN

Bên cạnh đó, Công ty TNHH tư vấn đầu tư Thiên Quang (quận Phú Nhuận) cũng nêu thắc mắc việc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM yêu cầu các DN Việt Nam phải giải thể các chi nhánh trước nếu muốn bán cổ phần (chuyển nhượng vốn) cho nhà đầu tư nước ngoài. Việc này gây khó khăn trong thu hút đầu tư, đặc biệt là từ các quỹ đầu tư nước ngoài.

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết, hiện luật chỉ quy định DN có thể giải thể chi nhánh khi bán cổ phần chứ không bắt buộc giải thể. Nếu có chuyên viên hay phòng ban nào của Sở yêu cầu vấn đề trên DN có thể báo cáo lãnh đạo Sở xử lý.

Trung Kiên