1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Tìm trong khó khăn những cơ hội kinh tế

(Dân trí) - “Tôi khuyến cáo với các doanh nghiệp đừng nên vội vàng hoang mang trước những lời các nhà kinh tế cảnh báo mà nên tìm trong khó khăn những cơ hội…” - TS Lê Duy Hiếu đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp trước tình hình kinh tế có nhiều biến động.

Tìm trong khó khăn những cơ hội kinh tế - 1
Đừng hoang mang trước những lời cảnh báo.
 
Gói kích cầu thứ hai chưa tốt bằng gói kích cầu thứ nhất?
 
Tại buổi tọa đàm: "Triển vọng kinh tế và những vấn đề đặt ra cho doanh nghiệp Việt Nam năm 2009 - 2010" diễn ra sáng 23/6 tại VCCI, TS. Đặng Xuân Thanh - Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho biết, tác động của khủng hoảng được nhìn thấy rõ nét ở tình trạng thất nghiệp trong các doanh nghiệp hiện nay.
 
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu phải giãn thợ hay sa thải công nhân góp phần làm giảm việc làm, tăng tỷ lệ thất nghiệp và giảm thu nhập của một bộ phận người lao động. Theo thông tin tháng 2/2009 của Bộ LĐ-TB-XH, ít nhất có 400 ngàn lao động tại các doanh nghiệp đã mất việc làm. Còn nghiên cứu của VASS cho biết, có khả năng tỷ lệ thất nghiệp năm 2009 sẽ lên đến 6,7%.
 
Về thâm hụt ngân sách có thể vượt ngưỡng kỷ lục 8% do các nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô, thuế xuất-nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp… giảm mạnh (dự báo có thể giảm 50 đến 90 ngàn tỷ đồng trong 2009) trong khi nhu cầu chi ngân sách tăng lên do phải kích cầu và hỗ trợ an sinh xã hội.
 
Trong khi đó, cán cân thương mại và cán cân vãng lai có thể chỉ được cải thiện trong ngắn hạn. Chính sách tiền tệ chỉ còn một hành lang hẹp: vừa phải nới lỏng, vừa phải đề phòng lạm phát quay trở lại.
 
Giải pháp hỗ trợ lãi suất 4% có tác dụng tích cực giúp DN giảm chi phí vốn, lập lại cân bằng trên bảng kế toán, nhưng lại gây mất cân bằng cung cầu trên thị trường ngoại hối.
 
Nhận định về gói kích cầu của Chính phủ, Bùi Quang Tuấn - Viện phó Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, gói kích cầu thứ nhất đã đạt được hiệu quả cao và hồi sức được rất tốt cho các doanh nghiệp, kịp thời, đúng đối tượng, hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp và một số ngành.
 
Song, cũng theo ông, gói kích cầu thứ hai chưa thể hiện tốt như gói kích cầu thứ nhất, nó mang tính chất trung và dài hạn, mới bắt đầu triển khai vì thế cần có đánh giá cụ thể và có giám sát chặt chẽ.
 
“Ngoài ra, sức ép lạm phát tăng (chính sách tiền tệ nới lỏng và chính sách tài khóa mở rộng + sức ép lên cán cân thanh toán và tỉ giá tăng + thâm hụt ngân sách lớn); sức ép phá giá đồng nội tệ gia tăng; đề phòng có sự xa rời mục tiêu chất lượng tăng trưởng khi quá lạm dụng chính sách tăng đầu tư công…” - ông Tuấn nói.
 
Đừng hoang mang, vội vàng trước những lời cảnh báo
 
Để vượt qua thời điểm khó khăn của cuộc suy thoái, TS Lê Duy Hiếu, Viện kinh tế Việt Nam lưu ý các doanh nghiệp xu hướng đầu tư hậu suy thoái. Cuộc khủng hoảng toàn cầu không phải chỉ mang lại tiêu cực cho nền kinh tế mà còn có những tác động tích cực.
 
Cụ thể: khủng hoảng tài chính toàn cầu tấn công trực diện vào cơ chế đầu cơ và lũng đoạn, làm cho thị trường trở nên cạnh tranh và hiệu quả hơn. Nâng cao thu nhập thực tế của đại bộ phận nhân dân lao động.
 
Thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế theo hướng đáp ứng lợi ích của cộng đồng và xã hội; khuyếch đại các lợi thế và các điều kiện khác biệt của nước đi sau; Nâng cao giá trị nhận thức rằng: khủng hoảng tài chính toàn cầu đã giúp cho chúng ta nhận thức được rằng, chính phủ và thị trường chỉ là hai mặt của nền kinh tế thị trường… từ đó, TS Hiếu đưa ra định hướng đầu tư thời kỳ hậu khủng hoảng.
 
Quan điểm phổ biến hiện nay cho rằng, nhìn chung đầu tư vào các lĩnh vực như ngân hàng, tài chính, bất động sản, đặc biệt là đối với các dự án xây nhà để bán, công nghệ cao ở Việt Nam sẽ thu được giá trị gia tăng cao nhất.
 
Điều này thật ra chỉ đúng với lý thuyết nói chung hay chỉ đúng với những gì đã qua ở Việt Nam mà không có gì đảm bảo là sẽ đúng trong trong điều kiện hiện nay. Tuy nhiên, nếu cho rằng, các lĩnh vực này vẫn có khả năng sinh lợi như trước đây quả thực là nhầm lẫn.
 
Nhưng dù thế nào, “tôi khuyến cáo với các doanh nghiệp đừng nên vội vàng hoang mang trước những lời các nhà kinh tế cảnh báo mà nên tìm trong khó khăn những cơ hội cho doanh nghiệp của mình để từ đó tìm ra hướng đi và giải pháp” - ông Hiếu nói.
 
TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch & Đầu tư thì có lời khuyên thực tế hơn đó là: Trong dài hạn, doanh nghiệp phải học cách sống với các cú “sốc”: sốc về giá, chính sách, về khủng hoảng bên ngoài. Có hai loại “sốc”: ngắn và dài hạn. Với sốc dài hạn, nếu không trụ được trong ngắn hạn phải có chiến lược để phát triển dài hạn.
 
Lan Hương