1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Tiến sĩ Alan Phan chia tay quỹ đầu tư Viasa vì muốn… phiêu lưu

(Dân trí) - Việc từ bỏ vị trí Chủ tịch Quỹ Đầu tư Viasa được tiến sĩ Alan Phan giải thích rằng ông muốn có được sự khởi đầu của một hành trình mới với những cuộc phiêu lưu, khám phá đầy thú vị trong năm 2013...

Tiến sĩ Alan Phan vừa tuyên bố sẽ từ chức vị trí Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa kể từ 1/1/2013. Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ xung quanh câu chuyện này.

Thưa tiến sĩ, lý do mà ông đưa ra quyết định rời khỏi Quỹ đầu tư Viasa có đề cập nhiều đến nguyên nhân xuất phát từ “cỗ máy già” đang tồn tại ở đây, cần có sự “thay máu”… Sự thật về hiệu quả kinh doanh của Viasa là như thế nào?

Viasa là một quỹ riêng tư của 3 gia đình thành lập từ 2002. Trong mấy năm vừa qua, hiệu quả tài chính của Viasa khá bi bét vì lối quản trị bảo thủ và chiến thuật trọng sự an toàn, không thích hợp lắm trong một môi trường nhiều thay đổi và cần sáng tạo. Bên cạnh đó, Virus của căn bệnh “làm vừa đủ để khỏi bị đuổi” đã lan truyền nặng và mục tiêu vì doanh thu hay lợi nhuận đã bị bỏ sót.

Nói tóm lại, Viasa cần một cuộc “thay máu” để đổi mới và toàn ban Quản trị đã rút lui để nhường chỗ cho một thế hệ mới. Dĩ nhiên đây là một rủi ro lớn vì những người trẻ hơn có thể thiếu kinh nghiệm nên “chơi” dở hơn và gây tổn hại. Nhưng điều quan trọng hơn là công ty phải đi tới, phải phát triển, phải tạo một văn hóa và những thành tích mới. Dậm chân tại chỗ trong thế trận cạnh tranh hiện nay là tự hủy diệt.
 
Tiến sĩ Alan Phan
Tiến sĩ Alan Phan

Ông có nghĩ rằng sự nhận định về các nguyên nhân dẫn tới Viasa bi bét là hơi quá bởi nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong những năm gần đây có nhiều biến động xấu, và tất nhiên các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng, trong đó Viasa...?

Viasa không đầu tư vào Việt Nam nên tình hình kinh tế ở đây không ảnh hưởng đến kết quả tài chính. Còn so với các quỹ đầu tư tư nhân (private equity) trên toàn cầu, IRR (tỷ suất hoàn vốn nội bộ) và ROI (tỷ lệ hoàn vốn đầu tư) của Viasa chỉ đạt khoảng 48% trong 3 năm qua, cho thấy sự yếu kém.

Vậy ông hi vọng người kế nhiệm mới sẽ tiếp tục như thế nào?

Chủ tịch mới sẽ là Jack Tan, năm nay mới 39 tuổi, người Mỹ gốc Hồng Kông, từng tốt nghiệp MS Tài Chính (Thạc sỹ khoa học về Tài Chính) ở Princeton, có 15 năm kinh nghiệm ở Wall Street và thế giới (12 năm với JP Morgan). Tôi trông chờ một biểu tượng của tài năng thế hệ mới.

Có ý kiến cho rằng, bằng sự am hiểu cũng như kinh nghiệm trong kinh doanh của mình, ông đã tiên đoán được những diễn biến sắp tới của nền kinh tế. Đó chính là lý do khiến ông quyết định “chuyển hướng” cho sự nghiệp. Ông nghĩ sao?

Dự đoán của tôi khá chinh xác, nhưng quan trọng hơn là thời điểm (timing). Sớm hay muộn vài tháng cũng có thể làm mất cơ hội kiếm tiền. Nhưng việc tôi chuyển hướng hoàn toàn dựa trên niềm đam mê khi không còn hưng phấn như lúc đầu. Và tôi nhìn năm 2013 là sự khởi đầu của một hành trình mới với những cuộc phiêu lưu, khám phá đầy thú vị…

Vậy dự đoán của ông trong năm 2013 về  nền kinh tế sẽ là…?

Phải hết sức cẩn thận vì bong bóng BĐS phải vỡ. Những ai có tài sản lớn trong ngân hàng, chứng khoán, BĐS hay các công ty dựa vào sức tiêu thụ của đám đông... sẽ bị thiệt hại nặng nề. Nhưng nếu không có tài sản, hay rất ít nợ nần, hay không tùy thuộc nhiều vào vận hành vĩ mô (khoảng 70% dân số thuộc dạng này) thì mức sống có thể khó khăn chút đỉnh, nhưng không hề hấn gì lắm.

Dù đang lên kế hoạch cho những cuộc phiêu lưu mới nhưng được biết, ông sẽ không từ bỏ chương trình 20 triệu máy tính bảng cho trẻ em Việt Nam. Chương trình này nếu trở thành hiện thực thì tất cả trẻ em còn trong độ tuổi đi học của Việt Nam sẽ có một máy tính bảng trong tay và toàn bộ nền giáo dục của Việt Nam sẽ thay đổi. Song với một tham vọng lớn như vậy, ông có cảm thấy lo lắng?

Tôi không bỏ cuộc vì nó quá quan trọng. Chương trình này có hai phần chính phải làm. Một là mã số hóa (digitize) sách giáo khoa đang được các công ty IT lớn nhỏ thực hiện hoàn tất như Viettel, FPT, Tinh Vân, Lạc Việt, Vinapo...  Phần này hiện đang nhận được tín hiệu rất tích cực. Phần thứ hai là phải được Bộ GD&ĐT khởi động khắp nước.

Việc từ chức của bản thân đã được ông truyền tải một thông điệp rất thẳng thắn về “văn hóa từ chức”. Đây không phải là cách thường thấy ở Việt Nam…?

Đây chỉ là một góc nhìn về một văn hóa "lạ ở Việt Nam". Còn trên thế giới, văn hóa từ chức thường phổ biến hơn ở các nước văn minh và nhiều lòng tự trọng. Tôi đánh giá cao nhất là Nhật Bản với danh dự và tinh thần võ sĩ đạo “thà chết chứ không chịu nhục”. Kế đó là dân tộc Hàn Quốc và các nước Âu Mỹ.

Với ông, điều gì là quan trọng nhất?

Giữ niềm tin vào chiến thắng sau cùng của công lý và đổi mới. Tiếp tục thẳng tiến, đừng sợ sệt hay rụt rè. Chúng ta cón cả một thế giới mới để chinh phục.

Xin cảm ơn ông!

Alan Phan là doanh nhân với 43 năm kinh nghiệm tại Mỹ và Trung Quốc. Ông là Việt kiều đầu tiên đưa công ty tư nhân của mình lên niêm yết sàn chứng khoán Mỹ (1987) - Công ty Hartcourt đạt thị giá 670 triệu đôla vào năm 1999.

Ông cũng là doanh nhân đầu tiên đưa giao dịch chứng khoán và giáo dục từ xa qua mạng Internet tại Trung Quốc (1997). Hiện ông đang là Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa Fund tại Hong Kong và Thượng Hải.

Lan Hương