Thưởng tết tại TPHCM: Cao nhất 700 triệu, thấp nhất 453 ngàn đồng

(Dân trí) - Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh & Xã hội TPHCM, dựa vào số liệu thu thập đến thời điểm này thì mức thưởng tết cao nhất của các doanh nghiệp (DN) tại TPHCM là 700 triệu đồng, thấp nhất là 453 ngàn đồng.

Thưởng tết tại TPHCM: Cao nhất 700 triệu, thấp nhất 453 ngàn đồng - 1
Mức thưởng tết thấp nhất vẫn rơi vào những DN sử dụng lao động quy mô lớn như giày da, may mặc

Ngày 26/12, Sở LĐ-TB&XH công bố báo cáo nhanh về tình hình tiền lương năm 2011 và kế hoạch thưởng tết năm 2012 dựa trên số liệu của 160 DN trong các khu chế xuất – khu công nghiệp (KCX-KCN) và 958 DN ngoài KCX-KCN.

Theo đó, mức thưởng tết Dương lịch cao nhất là 700 triệu đồng, thấp nhất là 453 ngàn đồng; mức thưởng tết Âm lịch cao nhất là 400 triệu đồng, thấp nhất là 2,065 triệu đồng. Nhìn chung, mức thưởng tết cao nhất năm nay thấp hơn năm ngoái nhưng mức thưởng tết bình quân và thấp nhất thì cao hơn năm ngoái ở tất cả các loại hình DN.

Kết quả tổng hợp cho thấy mức thưởng cao nhất năm nay rơi vào nhóm DN thuộc ngành ngân hàng, chế tạo thiết bị lạnh, sản xuất sữa, kinh doanh địa ốc. Các DN quy mô nhỏ thuộc các ngành may mặc, giày da có mức thưởng thấp. Hầu hết các DN đều thưởng tết Dương lịch và cả Âm lịch bằng một tháng lương trung bình.

Trong số các DN báo cáo lương thưởng tết về cho Sở LĐ-TB&XH thì có hơn 15% số DN cho biết là có khó khăn về việc chi thưởng cho công nhân. Nguyên nhân chủ yếu là do tình hình hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, chi phí tăng cao…

Về mức thưởng tết Dương lịch của các DN trong các KCX-KCN, DN thưởng cao nhất là một DN trong nước với mức thưởng 99,3 triệu đồng, chưa bằng 30% so với mức cao nhất năm ngoái (376,8 triệu đồng); mức thưởng thấp nhất cũng là một DN trong nước với mức 2 triệu đồng, cao gấp đôi năm ngoái (900 ngàn đồng).

Đối với DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong các KCX-KCN, mức thưởng tết Dương lịch cao nhất là 77,8 triệu đồng (năm 2011 là 120 triệu đồng), thấp nhất là 2,05 triệu đồng (năm 2011 là 1,2 triệu đồng).

Mức thưởng tết bình quân của nhóm DN FDI (trong các KCX-KCN) là 2,8 triệu đồng (năm 2011 là 1,6 triệu đồng). Mức thưởng tết bình quân của nhóm DN trong nước (trong các KCX-KCN) là 2,95 triệu đồng (năm 2011 là 1,9 triệu đồng).

Về mức thưởng tết Dương lịch của các DN ngoài các KCX-KCN, DN thưởng cao nhất là một DN FDI với mức thưởng 700 triệu đồng, thấp hơn một chút so với mức cao nhất năm ngoái (714,8 triệu đồng); mức thưởng thấp nhất là của một DN có cổ phần, vốn góp của nhà nước với mức 453 ngàn đồng, cao hơn năm ngoái một chút (431 ngàn đồng).

Mức thưởng cao nhất của các DN 100% vốn nhà nước 33,7 triệu đồng, thấp hơn năm 2011 (38,5 triệu đồng); các DN có cổ phần, vốn góp của nhà nước là 89 triệu đồng, cao hơn năm 2011 (77 triệu đồng); các DN dân doanh là 88,2 triệu đồng, thấp hơn năm 2011 một chút (88,3 triệu đồng).

Tuy mức thưởng cao nhất hầu như đều giảm nhưng mức thưởng bình quân tất cả các nhóm DN đều tăng. Cụ thể, các DN 100% vốn nhà nước thưởng 3 triệu đồng (năm 2011 là 2,6 triệu đồng); các DN có cổ phần, vốn góp của nhà nước là 2,5 triệu đồng (năm 2011 là 2 triệu đồng); các DN dân doanh là 1,4 triệu đồng (năm 2011 là 1,1 triệu đồng); các DN FDI là 3,9 triệu đồng (năm 2011 là 3,5 triệu đồng).

Về mức thưởng tết Âm lịch của các DN ngoài các KCX-KCN, DN thưởng cao nhất là một DN FDI với mức thưởng 400 triệu đồng, cao hơn năm ngoái một chút (336 triệu đồng); mức thưởng thấp nhất cũng là một DN FDI với mức 2 triệu đồng, cao hơn năm ngoái một chút (1,9 triệu đồng).

Mức thưởng cao nhất của các DN 100% vốn nhà nước là 130 triệu đồng, cao hơn năm 2011 (128 triệu đồng); các DN có cổ phần, vốn góp của nhà nước là 356 triệu đồng, cao hơn năm 2011 (308 triệu đồng); các DN dân doanh là 135 triệu đồng, thấp hơn năm 2011 một chút (184,6 triệu đồng).

Về mức thưởng bình quân thì tất cả các nhóm DN đều tăng. Cụ thể, các DN 100% vốn nhà nước thưởng 8,2 triệu đồng (năm 2011 là 7,2 triệu đồng); các DN có cổ phần, vốn góp của nhà nước là 11,3 triệu đồng (năm 2011 là 9,4 triệu đồng); các DN dân doanh là 4,4 triệu đồng (năm 2011 là 3,7 triệu đồng); các DN FDI là 3,4 triệu đồng (năm 2011 là 3,1 triệu đồng).

Tùng Nguyên