1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thương mại điện tử tại Việt Nam: Cuộc đại chiến ngành thời trang

Trong khi ngành TMĐT tại Việt Nam đã cất cánh ở các lĩnh vực như dịch vụ du lịch, điện tử, hàng gia dụng, một trong những mũi nhọn tiềm ẩn của TMĐT đó chính là ngành hàng thời trang và làm đẹp.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)
 

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* Bán hàng đa cấp phải minh bạch hoa hồng, lợi ích!

* Vụ hơn 7.000 lít dầu siêu độc “kẹt” bên bờ vịnh Hạ Long: 7 năm vẫn loay hoay tìm giải pháp xử lý

* 1.800 tỷ cải tạo tập thể Nguyễn Công Trứ, bằng tiền xây cả khu đô thị mới!

* EVN hưởng thêm quyền tính phí ngừng cấp điện

Theo thống kê của Cục Thương Mại Điện Tử, 2013 là năm mà thị trường kinh doanh trực tuyến tại Việt Nam đã đạt được những bước phát triển đột phá khi có đến 57% số lượng người truy câp internet đã giao dịch online, tương đương với hơn 17 triệu người mua. Cục Thương Mại Điện Tử còn thống kê đến 62% lượng khách mua sắm trực tuyến trong nước đã mua các sản phẩm về quần áo, giày dép, và mỹ phẩm. [i]

Trên thế giới, ngành quần áo và phụ kiện luôn là ngành có độ tăng trưởng cao nhất trong số các lĩnh vực của TMĐT. Tại Mỹ, độ tăng trưởng trung bình từ năm 2012-2017 của ngành thời trang và phụ kiện online được ước tính là 17.2%, dẫn đầu trong bảng xếp hạng tăng trưởng.[ii] Tại Trung Quốc, hơn ¾ người dùng nữ đã mua hàng thời trang online và hơn ½ người dùng đã mua sắm thời trang trực tuyến tại nhiều nước Châu Âu như Anh, Đức, Nga…v.v.[iii]

Tại Việt Nam, phần lớn giao dịch thời trang online trong những năm vừa qua vẫn diễn ra theo hình thức xem hàng trực tuyến và đặt hàng thông qua điện thoại hoặc đến trực tiếp cửa hàng sau khi nghiên cứu trên internet. Năm 2014 đánh dấu một sự dịch chuyển lớn trong tâm lí tiêu dùng của khách hàng khi hàng loạt website chuyên dụng về thời trang ra đời và phát triển mạnh. Hình thức giao dịch trực tuyến, hoặc giao hàng và thu tiền tận nhà đã trở thành một trong những phương thức quen thuộc đối với phần đông khách mua thời trang online.

Điều bí ẩn là đến thời điểm này vẫn chưa có doanh nghiệp TMĐT nào có thể thống lĩnh ngành thời trang trực tuyến tại Việt Nam. Nếu xét riêng các công ty chỉ tập trung vào mặt hàng thời trang thì thị trường TMĐT đang là cuộc chiến giữa nhiều công ty trong và ngoài nước với phần thắng chưa phân định rõ ràng, có thể kể đến Zalora.vn, Yes24.vn, Chon.vn...

Zalora.vn là một công ty trực thuộc tập đoàn Rocket Internet đến từ Đức. Số tiền đầu tư được công bố đến thời điểm này của Zalora cho toàn thị trường Đông Nam Á là 238 triệu USD[iv], một số tiền khổng lồ đối với một doanh nghiệp TMĐT. Mặc dù có nguồn tài chính dồi dào nhưng đến nay, số lượng mặt hàng trên Zalora chưa thật sự phong phú với chỉ hơn 21.000 mã sản phẩm. Zalora vẫn đang tạm dẫn đầu thị trường về lượt truy cập và số lượng đơn hàng, tuy nhiều nhận xét cho rằng chất lượng sản phẩm của website này chưa tương xứng với mong đợi của người tiêu dùng.

Yes24.vn là một đơn vị được đầu tư bài bản từ cuối năm 2009 của tập đoàn Hansea (Hàn Quốc). Hiện tại, Yes24 có một lượng sản phẩm rất phong phú, phù hợp với giới trẻ. Tuy được biết đến như một trung tâm hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc, nhưng giá cả của nhiều sản phẩm tại đây chưa thật sự hấp dẫn và chất lượng hàng hóa không hoàn toàn đồng bộ.

Chon.vn là một đơn vị trong nước, được đầu tư bởi các công ty con thuộc Tập Đoàn Dệt May Việt Nam với sự hiện diện gần như sớm nhất trên thị trường thời trang trực tuyến. Với hơn 50.000 mã sản phẩm đến từ nhiều thương hiệu nổi tiếng trong nước và quốc tế, Chọn.vn được đánh giá là website thời trang chính hãng có chất lượng mặt hàng cao nhất. Chon.vn còn được xem là website đầy tiềm năng do mô hình hoạt động có nhiều điểm tương đồng với Tmall (Alibaba) – website có doanh số bán lẻ lớn nhất Trung Quốc hiện nay. Tuy nhiên, lượng truy cập và số lượng thành viên của website này vẫn còn thấp hơn các trang web quốc tế khác tại Việt Nam.    

Ngoài những công ty kể trên, nhiều đại gia trong và ngoài nước đang có kế hoạch thâm nhập thị trường để chiếm lĩnh miếng bánh đầy tiềm năng đang bị bỏ ngỏ này.

Nổi bật là VinGroup, với quyết tâm đầu tư vào lĩnh vực TMĐT khi công bố thành lập công ty TNHH VinE-Com với số vốn dự kiến lên đến 1000 tỷ. Với thế mạnh về lĩnh vực bất động sản và thương mại, VinGroup đặt kỳ vọng biến VinE-Com thành một dự án mang tầm vóc của người khổng lồ Alibaba (Trung Quốc).[v]

Trong năm nay, VinGroup đã mạnh tay thâu tóm nhiều công ty bán lẻ có tiếng trong ngành thời trang để đảm bảo chiến lược phát triển trung tâm thương mại trên cả hai kênh truyền thống và trực tuyến. Giới chuyên môn đang dự đoán VinE-Com là một công ty có tiềm năng rất lớn để có thể thống trị mảng thời trang trực tuyến.

Một ứng viên khác là Rakuten, là công ty bán lẻ trực tuyến hàng đầu tại Nhật Bản có giá trị thị trường lên đến hơn 17 tỷ USD.[vi] Sau khi hiện diện tại Thái Lan và Indonesia, Rakuten đã bắt đầu nghiên cứu thị trường Việt Nam từ năm 2011 và dự kiến sẽ sớm hoạt động chính thức trong thời gian ngắn sắp tới.[vii]

Alibaba được xem là một trong những công ty TMĐT mạnh nhất thế giới với tổng lượng doanh thu giao dịch thông qua hệ thống lên đến 248 tỉ USD với hơn 5 tỉ bưu kiện gửi ra trong năm 2013.[viii] Hiện tại, TaoBao (một trong những mô hình ecommerce của Alibaba) đã tiến hành thiết lập nhánh website sea.taobao.com để khai thác thị trường Đông Nam Á.[ix] Sau chương trình IPO lớn nhất thị trường Mỹ đựơc dự kiến diễn ra vào cuối tháng 8 năm nay, Alibaba sẽ tiến hành kế hoạch mở rộng thị trường trong thời gian sắp tới sang các nước Đông Nam Á. [x]

Ngoài ra, Vancl và JD là hai công ty Trung Quốc khác cũng đã tìm hiểu thị trường Việt Nam. Trên thực tế, Vancl đã hiện diện tại Việt Nam từ năm 2012 nhưng sau đó quyết định tạm ngưng bởi những khó khăn tại thị trường Trung Quốc.[xi] Vào quý 1 năm 2014, Vancl lại tiếp tục nhận thêm 100 triệu USD tiền đầu tư mới và dự kiến sẽ quay trở lại Việt Nam trong thời gian tiếp theo.[xii] JD, công ty TMĐT đứng thứ hai tại Trung Quốc, cũng có nhiều sự quan tâm đến thị trường Việt Nam do tập đoàn Tencent đã mua 15% cổ phần tại công ty này vào đầu năm nay.[xiii] Tencent hiện cũng là một trong những cổ đông lớn của công ty cổ phần VNG (được biết đến với tên gọi cũ là Vinagame).

Ngoài những đối thủ lớn tại Trung Quốc và Nhật Bản, hai công ty TMĐT hàng đầu tại Mỹ và Châu Âu là Amazon và ASOS cũng đang có nhiều dự định phát triển mạnh tại thị trường Đông Nam Á trong năm 2015. 

Thời trang luôn được đánh giá là một trong những lĩnh vực kinh doanh tiềm năng nhất của TMĐT. Thị trường vẫn còn trong giai đoạn bị phân tán và còn rất nhiều cơ hội dành cho tất cả người trong cuộc. Chính vì thế, một cuộc đại chiến lớn trong lĩnh vực thời trang trực tuyến hứa hẹn sẽ tìm ra vị trí dẫn đầu ngành trong một tương lai không xa.

H.San

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước